Điều chuyển cầu đường sắt Bình Lợi từ Bộ GTVT về UBND TP.HCM quản lý

(PLO)- Bộ Tài chính quyết định chuyển cầu đường sắt Bình Lợi về cho UBND TP.HCM để quản lý, bảo tồn.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Bộ Tài chính vừa quyết định điều chuyển cầu đường sắt Bình Lợi từ Bộ GTVT về UBND TP.HCM quản lý.

Theo đó, từ cuối tháng 9, chính quyền TP.HCM có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thực hiện việc quản lý, bảo tồn cầu theo quy định.

Tháng 8-2023, UBND TP.HCM có văn bản gửi các cơ quan chức năng đề xuất điều chuyển, tiếp nhận quản lý và bảo tồn công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ, trên tuyến đường sắt quốc gia Bắc - Nam.

Cầu đường sắt Bình Lợi. Ảnh: H.GIANG
Cầu đường sắt Bình Lợi. Ảnh: H.GIANG

Theo UBND TP. HCM, cầu Bình Lợi cũ là cầu sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu được kết cấu vòm thép, mặt gỗ và có đường ray xe lửa nối Sài Gòn với Biên Hòa (Đồng Nai).

Nhịp giữa của cầu Bình Lợi quay được cho tàu qua, xây dựng bởi công ty Pháp Lavelois Perret (tên của công ty Eiffel do Gustav Eiffel, kỹ sư xây tháp Eiffel sáng lập). Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh.

Sau gần 120 năm khai thác, cầu xuống cấp nghiêm trọng, chiều cao thông thuyền hiện tại của cầu chỉ 1,8 m nên khi thủy triều lên nhiều tàu thuyền bị mắc kẹt dưới gầm cầu.

Trước tình trạng trên, ngày 28-4-2015, Bộ GTVT, UBND TP HCM và tỉnh Bình Dương động thổ dự án xây dựng cầu đường sắt Bình Lợi. Cầu mới được xây cách cầu cũ 12 m về phía hạ lưu với độ thông thuyền 7 m để không ảnh hưởng đến giao thông thủy.

Cầu Bình Lợi cũ là công trình có giá trị về lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển của Sài Gòn - TP.HCM và của ngành đường sắt Việt Nam. Vì vậy, chính quyền thành phố muốn giữ để bảo tồn nguyên trạng công trình cầu đường sắt Bình Lợi cũ (kết cấu nhịp số 1, nhịp số 2 và tháp canh phía Thủ Đức).

Mục đích của chính quyền thành phố là nhằm giữ lại dấu tích của cầu đường sắt Bình Lợi gắn với không gian sông nước để phục vụ cho việc tìm hiểu nghiên cứu khoa học về ngành đường sắt và phát triển ngành du lịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm