Bộ GTVT cho biết theo báo cáo của Cục Đường sắt Việt Nam (Cục ĐSVN- đơn vị quản lý chuyên ngành đường sắt), đối với hạng mục “nhịp số 1, số 2 cầu đường sắt Bình Lợi cũ”đã có báo cáo danh mục tài sản đề nghị điều chuyển theo Mẫu số 06.
Tuy nhiên, hiện còn thiếu thông tin về diện tích, chưa rõ mục đích sử dụng hiện tại và mục đích sử dụng dự kiến sau khi điều chuyển.
Đối với hạng mục tháp canh phía Thủ Đức báo cáo cũng chưa nêu rõ về các danh mục tài sản thuộc cầu đường sắt Bình Lợi cũ được giữ lại để bảo tồn.
Bên cạnh đó, Bộ GTVT cũng đặt các câu hỏi Cục Đường sắt Việt Nam có xác định là tài sản kết cấu hạ tầng đường sắt Quốc gia hay không? Ranh giới đất và hồ sơ quản lý đất/ tài sản trên đất có liên quan?
Vì vậy, để làm rõ vai trò, trách nhiệm các chủ thể quản lý tài sản nói chung, Bộ GTVT yêu cầu các đơn vị khẩn trương giải quyết rõ ràng, dứt điểm tài sản còn lại tại cầu đường sắt Bình Lợi cũ.
Bộ GTVT đề nghị UBND TP.HCM xem xét, chỉ đạo cơ quan đơn vị liên quan, khẩn trương phối hợp với Cục ĐSVN để làm rõ các thông tin còn thiếu, chưa rõ nêu trên.
Cục ĐSVN là cơ quan đầu mối, tiếp tục chủ trì phối hợp cơ quan, đơn vị liên quan để làm rõ các thông tin còn thiếu, chưa rõ nêu trên, thu nhận đầy đủ tài liệu, hoàn thiện hồ sơ báo cáo.
Sau khi đã đủ điều kiện, hồ sơ theo quy định, Cục ĐSVN tham mưu trình Bộ GTVT xem xét đề nghị cấp thẩm quyền điều chuyển tài sản; hoặc trả lời kiến nghị của UBND TP.HCM cơ quan đơn vị liên quan về việc tiếp nhận quản lý các hạng mục bảo tồn của cầu đường sắt Bình Lợi cũ.
Căn cứ ý kiến của UBND TP.HCM, ý kiến của các cơ quan đơn vị liên quan và báo cáo tham mưu của Cục ĐSVN, Bộ GTVT sẽ xem xét, đề xuất Bộ Tài chính phương án xử lý tài sản theo quy định.
Cầu đường sắt Bình Lợi là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được khởi công xây dựng năm 1898 và hoàn thành vào năm 1902.
Cây cầu này có giá trị lịch sử, văn hóa gắn với quá trình hình thành, phát triển lịch sử của Sài Gòn - TP.HCM và ngành đường sắt Việt Nam, có đủ tiêu chí để xếp hạng di tích theo quy định hiện hành.
Năm 2019, sau khi cầu sắt Bình Lợi mới đi vào hoạt động thì cầu sắt Bình Lợi cũ chấm dứt sứ mệnh sau 117 năm hoạt động.
Trên cơ sở đề nghị của TP, hai nhịp cầu sắt cũ và tháp canh cũ bên phía bờ TP Thủ Đức được giữ lại để bảo tồn.