Loạt diễn biến đáng ngại ở bán đảo Triều Tiên

(PLO)- Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan dự kiến sẽ cập cảng Hàn Quốc trong tuần này trong bối cảnh căng thẳng gia tăng trên bán đảo Triều Tiên.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Đầu tuần này, bán đảo Triều Tiên chứng kiến loạt diễn biến đáng chú ý. Tàu sân bay Mỹ USS Ronald Reagan tham gia tập trận hải quân chung với Hàn Quốc và Nhật, sau đó sẽ ghé cảng Hàn Quốc vào ngày 12-10.

Trong khi đó, Triều Tiên chỉ trích Mỹ “quân sự hóa không gian” nhằm tăng cường khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu cũng như đảm bảo “quyền lực tối cao thế giới".

20231010000825_0.jpg
Tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ tập trận chống tàu ngầm với Hàn Quốc và Nhật hồi tháng 9. Ảnh: YONHAP

Tàu sân bay Mỹ sắp cập cảng Hàn Quốc

Cụ thể, hãng tin Reuters đưa tin tàu sân bay chạy bằng năng lượng hạt nhân USS Ronald Reagan của Mỹ dự kiến sẽ ghé cảng Busan (miền nam Hàn Quốc) vào ngày 12-10.

Bộ Quốc phòng Hàn Quốc cho biết tàu USS Ronald Reagan, sẽ ở lại cảng Busan tới ngày 16-10, nhằm tăng cường năng lực phòng thủ của Hàn Quốc và Mỹ trong trường hợp có bất kỳ hành động khiêu khích nào của Triều Tiên. Năm ngoái, tàu sân bay này ghé Hàn Quốc lần đầu tiên sau 4 năm.

USS Ronald Reagan là tàu sân bay thứ hai của Mỹ đến thăm Seoul trong năm nay sau khi tàu sân bay USS Nimitz cập cảng Busan hồi tháng 3 để tập trận hải quân với Hàn Quốc.

Trong diễn biến liên quan, Hải quân Hàn Quốc cho hay vào ngày 9 và 10-10 lực lượng nước này cùng với Hải quân Mỹ và lực lượng phòng vệ Nhật tập trận ngăn chặn hàng hải chung tại vùng biển gần đảo Jeju (Hàn Quốc).

Theo Hải quân Hàn Quốc, cuộc tập trận, được tổ chức lần đầu tiên kể từ năm 2016, nhằm mục đích răn đe và đáp trả "các mối đe dọa hạt nhân và tên lửa ngày càng gia tăng" của Triều Tiên.

Tham gia tập trận có các tàu khu trục trang bị hệ thống Aegis - ROKS Yulgok Yi I của Hàn Quốc, tàu sân bay USS Ronald Reagan của Mỹ và tàu khu trục trực thăng JS Hyuga của Nhật.

Triều Tiên tố Mỹ quân sự hóa không gian

Ngày 10-10, hãng thông tấn Triều Tiên KCNA nhấn mạnh chương trình vệ tinh do thám của Triều Tiên là một biện pháp "không thể thiếu" để chống lại hoạt động “quân sự hóa không gian” của Mỹ.

20231010000250_0.jpg
Triều Tiên phóng tên lửa Chollima-1 mang theo vệ tinh trinh sát quân sự Malligyong-1 hồi tháng 5. Ảnh: HERALD DB

Theo ông Ri Song-jin, nhà nghiên cứu của Cục Công nghệ Hàng không Vũ trụ quốc gia, cáo buộc mục đích của việc Mỹ “quân sự hóa không gian” là nhằm tăng cường khả năng tấn công hạt nhân phủ đầu của nước này cũng như đảm bảo “quyền lực tối cao thế giới".

Ông Ri cáo buộc Mỹ đang tìm kiếm quyền bá chủ quân sự lớn hơn ở châu Á bằng cách mở rộng lực lượng không gian của nước này thông qua chuyến thăm Nhật gần đây của tổng chỉ huy Lực lượng Không gian Mỹ và việc triển khai một đơn vị của Lực lượng Không gian tới Hàn Quốc.

“Những động thái đó chẳng qua chỉ là tấm màn ngụy trang che đậy kịch bản tấn công phủ đầu các nước chống Mỹ” - ông Ri nói.

Bình Nhưỡng đã 2 lần thất bại trong việc đưa vệ tinh do thám lên quỹ đạo, vào tháng 5 và tháng 8, và tuyên bố sẽ thử lại vào tháng 10 này.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm