KHU LIÊN HỢP XỬ LÝ CHẤT THẢI RẮN ĐA PHƯỚC - BÀI 2

Loay hoay tìm… rác cho phân compost

Trong Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước (Bình Chánh, TP.HCM), ngoài bãi tập kết và xử lý rác, nhà máy sản xuất phân compost… Công ty Xử lý chất thải rắn Việt Nam (Vietnam Waste Solutions - VWS) còn có kế hoạch xây dựng nhà máy điện nhờ thu khí gas metan từ rác. Theo thiết kế, nhà máy có công suất 12 MW, vốn đầu tư khoảng 16-17 triệu USD, sẽ khởi công vào khoảng cuối năm 2012.

Nhà máy sản xuất phân compost trị giá chục triệu USD đang nằm chờ nguyên liệu.

Cần rác để sản xuất… điện và phân compost

Cơ chế hoạt động của nhà máy điện rất dễ hiểu. Trong thời gian vận hành bãi chôn lấp hợp vệ sinh, hệ thống giếng dọc hoặc ngang được lắp đặt trong lòng lớp rác sẽ thu dẫn lượng khí gas metan phát sinh từ rác về nhà máy sản xuất điện. Trước mắt, lượng gas thu được sẽ dùng để phát điện phục vụ cho các hoạt động bên trong khu liên hợp. Sau đó phần điện dư sẽ hòa vào lưới điện quốc gia. Do nguồn nguyên liệu sử dụng là rác thải nên đây thực sự là nguồn năng lượng xanh, rất hữu ích trong việc bảo vệ môi trường. Có thể thấy, nhà máy điện này vừa giải quyết được lượng rác thải, đồng thời có thể tái sinh để phục vụ cho lợi ích của con người.

Hiện mỗi ngày, TP.HCM thải ra khoảng hơn 7.000 tấn rác sinh hoạt và VWS tiếp nhận gần 50% số lượng này (3.000 tấn/ngày). Theo báo cáo từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM, lượng rác thải sinh hoạt của TP gia tăng đáng kể. Nếu như trong năm 2010, lượng rác thải của TP.HCM là 6.200 tấn/ngày thì trong năm 2011 lên đến 7.100 tấn/ngày. Và trung bình mỗi năm lượng rác ở TP.HCM tăng lên gần 10%. Việc gia tăng lượng rác thải hằng ngày này cũng không là vấn đề nan giải của TP.HCM khi VWS chuẩn bị đưa vào sử dụng hai nhà máy, gồm: sản xuất phân compost và thu khí metan để phát điện.

Tuy nhiên, điều đáng quan tâm là khi nhà máy sản xuất phân compost đi vào hoạt động thì sẽ xảy ra việc thiếu rác! Bởi lẽ cứ một tấn rác thải sẽ sản xuất được 600 kg phân compost. Vì vậy, VWS mong muốn được gia tăng lượng rác tiếp nhận mỗi ngày. Nhưng hiện tại, trong khi đang chờ TP và Sở Tài nguyên và Môi trường cân nhắc và lựa chọn phương án tối ưu nhất thì bài toán nguyên liệu đầu vào cho nhà máy sản xuất phân compost vẫn phải… ráng đợi. Sẽ quá lãng phí nếu dây chuyền phân loại rác tái chế và sản xuất phân compost có công suất 500 tấn/ngày, trị giá khoảng 10 triệu USD vẫn chưa hoạt động.

Nguyên liệu lý tưởng để sản xuất phân compost.

Nói về dây chuyền đang nằm “trùm mền” này, ông David Dương, Tổng Giám đốc VWS, cho biết: “Với số vốn đầu tư như thế mà không hoạt động thì rất lãng phí, công ty cũng bị thiệt hại về kinh tế vì nhà máy nằm không mà vẫn phải trả lãi vay. Trong khi nếu đi vào hoạt động thì dây chuyền này còn giải quyết việc làm cho khoảng 400-500 người”.

Vài năm trước, TP.HCM đã triển khai nhiều hoạt động nhằm tuyên truyền cho người dân về lợi ích của việc phân loại rác tại nguồn. Tuy nhiên, hiệu quả đạt được vẫn chưa cao vì nhiều người dân vẫn chưa mặn mà với cách làm này. Hy vọng trong thời gian tới, TP.HCM sẽ đẩy nhanh việc phân loại rác tại nguồn để có đủ lượng rác phân loại cung cấp cho nhà máy. Tuy nhiên, để triển khai thực hiện chương trình này trên toàn TP với sự hưởng ứng của người dân, có thể chúng ta phải mất nhiều năm. Vì vậy, VWS đang tìm hướng ra cho dây chuyền phân loại rác tái chế có thể đi vào hoạt động trong thời gian chờ đợi. “Chúng tôi mong muốn tất cả các dây chuyền của nhà máy đều được hoạt động, để vừa có nguồn thu thêm từ rác tái chế và từ phân compost, vừa góp phần giải quyết thêm công ăn việc làm cho người lao động trong tình hình khủng hoảng kinh tế hiện nay. Nếu hoạt động hết công suất, toàn bộ Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước có thể tạo khoảng 1.200-1.500 việc làm” - ông David Dương cho biết.

Rác thải: Nguyên liệu của ngành giấy

Theo Bộ Công Thương, nhu cầu tiêu dùng giấy của cả nước năm 2012 ước khoảng 2,9 triệu tấn các loại, trong đó nhập khẩu khoảng 1,23 triệu tấn. So với năm 2011, lượng giấy nhập khẩu tăng hơn 230.000 tấn. Hiện nay, giá giấy in, giấy viết sản xuất trong nước có mức giá tương đương với giấy nhập khẩu, trung bình 21 triệu đồng/tấn, giá giấy in báo nhập khẩu đang cao. Nếu việc phân loại rác tại nguồn được thực hiện thì sẽ giúp giảm lượng giấy nhập khẩu, hạ giá thành sản xuất. Bởi lẽ, VWS có thể cung cấp nguồn giấy tái chế cho các công ty sản xuất giấy trong nước… từ chính rác thải. Thế nhưng hiện dàn máy này vẫn đang trong tình trạng đắp chiếu nằm chờ… hướng giải quyết.

Chăm sóc trẻ em nhân ngày Quốc tế thiếu nhi 1-6-2012 tại Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước.

Một vấn đề khác khá nóng hổi đó là mỗi ngày các cơ sở kinh tế ở TP.HCM thải ra hàng trăm tấn chất thải nguy hại. Tuy nhiên, có rất ít chất thải nguy hại được xử lý đúng quy trình, bảo đảm an toàn cho môi trường. Phần còn lại đổ tràn lan ra môi trường. Mặc dù từ năm 2007, TP đã kêu gọi xã hội hóa đầu tư cho lĩnh vực này nhưng đến nay vẫn thiếu vắng các doanh nghiệp tham gia. Bởi vì không phải loại rác nào cũng đốt được, nhiều loại phải chôn lấp với quy trình tuyệt đối an toàn. Điều đó đòi hỏi đơn vị xử lý phải đủ tiềm lực mới có thể thực hiện một cách triệt để. Do vậy, vấn đề xử lý chất thải nguy hại vẫn là thách thức đối với nhà quản lý. Thực tế đến nay, TP.HCM vẫn chưa đơn vị nào xử lý rác thải nguy hại quy mô và tầm cỡ. Vì vậy, TP cần sớm xem xét, giao cho những nhà đầu tư có uy tín.

Mặc dù còn có những khó khăn nhưng hiện Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đa Phước vẫn đang vận hành ổn định. Đây được xem là một dự án xã hội hóa đầu tiên về rác… do Việt kiều đầu tư. Từ thành công này, VWS đã được Chính phủ chọn là nhà đầu tư dự án Khu xử lý chất thải công nghệ xanh tại huyện Thủ Thừa, Long An. Một dự án tầm cỡ nhằm xử lý chất thải rắn sinh hoạt và chất thải độc hại cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam. Dự án này sẽ là mô hình thí điểm xã hội hóa, cổ phần hóa nhằm thu hút vốn các nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Cùng với các hoạt động thực hiện dự án, công tác từ thiện xã hội luôn đi kèm như trách nhiệm cộng đồng của VWS. Thông qua việc thành lập Quỹ Hỗ trợ cộng đồng David Dương, công ty đã triển khai nhiều hoạt động đóng góp cho giáo dục, y tế, xây dựng nhà tình thương, tình nghĩa, thăm viếng người già neo đơn, tặng học bổng, sổ tiết kiệm cho người nghèo… Điều đó nhằm chia sẻ với những hoàn cảnh khó khăn, vì sự phát triển của xã hội. Tính đến nay VWS đã đóng góp cho các hoạt động xã hội trên 30 tỉ đồng.

PHI NGUYỄN - NGỌC CHÂU

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới