Ngày 9-1, Bộ Công Thương, Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ và Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ logistics Việt Nam tổ chức hội nghị thu hút đầu tư, kinh doanh logistics (dịch vụ vận chuyển hàng hóa) vùng ĐBSCL.
Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ đánh giá vùng ĐBSCL có nhiều tiềm năng phát triển logistics. Tuy nhiên, nhìn chung kết cấu hạ tầng logistics trong vùng ĐBSCL còn những mặt hạn chế, chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Ông Huệ cho biết ông đã đi thị sát một số cảng ở TP Cần Thơ. Qua đó cho thấy cảng Cái Cui bên Vinaline sở hữu phương tiện bốc xếp chưa nhiều, bên Tân Cảng tốt hơn nhưng hai cảng này cách nhau 200 m, nếu nối lại thì sẽ thành một cảng có điều kiện tốt.
“Tôi nói vui, nếu không có một bàn tay đạo diễn thì hết nhiệm kỳ chưa đi hết 200 m này. Hậu giang có kho lạnh -200° rất tốt. Tôi nghe nói chuẩn bị làm cảng ở Hậu Giang. Không biết như thế nào, sao không tập trung vào một cảng Cái Cui ở Cần Thơ thôi? Kho lạnh Hậu Giang có rồi thì Cần Thơ có cần kho lạnh nữa không? Đây là bài toán hệ thống, kết nối. Nếu cứ phân tán, cát cứ thế này không phát triển được" - Phó Thủ tướng nói.
Cảng Tân Cảng - Cái Cui TP Cần Thơ. Ảnh: PC
Phát biểu chỉ đạo tại hội nghị, Phó Thủ tướng yêu cầu các địa phương cần quán triệt tinh thần của Chính phủ về phát triển kinh tế, phát triển doanh nghiệp (DN), xây dựng bộ máy hành chính phục vụ, liêm chính, hành động, tạo thuận lợi cho các DN sản xuất kinh doanh, qua đó tạo chuyển biến mạnh mẽ trong thu hút đầu tư, kinh doanh, bảo đảm phát triển kinh tế bền vững.
Phải xây dựng một môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi nhất cho DN. Trong đó hỗ trợ tối đa, tăng cường trao đổi, đối thoại với nhà đầu tư để kịp thời tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, trong đó có đầu tư kinh doanh logistics vào vùng ĐBSCL.
Các bộ, ngành liên quan, nhất là Bộ Công Thương, Bộ GTVT, Bộ KH&ĐT, cần tiếp tục rà soát cơ chế, chính sách, pháp luật liên quan hiện hành để tiếp tục cụ thể hóa, sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm khắc phục những chồng chéo, chưa thống nhất; tiếp tục tạo điều kiện cho phát triển dịch vụ logistics, huy động tối đa mọi nguồn lực trong nước và ngoài nước phục vụ phát triển dịch vụ này; khuyến khích và tạo thuận lợi cho DN thuộc các thành phần kinh tế tham gia đầu tư kinh doanh logistics.
Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ chủ trì, phối hợp với các địa phương liên quan lập kế hoạch hành động chung của vùng về phát triển cơ sở hạ tầng logistics và dịch vụ logistics; trong đó nghiên cứu đề xuất việc xây dựng Quy hoạch phát triển logistics chung của vùng ĐBSCL trên cơ sở liên kết hài hòa với các địa phương, tiểu vùng và hành lang giao thông vận tải huyết mạch; lập hồ sơ thông tin về các địa điểm, lĩnh vực logistics cần thu hút đầu tư để sẵn sàng cung cấp cho các nhà đầu tư...