Trường An từng khoác áo các CLB ĐT Long An, Quảng Ngãi, An Giang, Tây Ninh,… và còn lăn lộn ở cả giải vô địch Lào trong màu áo Champasak. Anh viết một tâm thư gửi HLV Park Hang-seo nhân sự kiện ông thầy người Hàn ghé thăm Quảng Ngãi và chứa đựng nhiều tâm tư với bóng đá quê nhà:
Kính ông Park!
Cám ơn vì ông đã đến và mang lại niềm vui tột cùng cho những người hâm mộ bóng đá Quảng Ngãi.
HLV Park Hang-seo trong một sự kiện ở Quảng Ngãi.
Bên cạnh những niềm vui đó luôn là một đam mê bóng đá khó cưỡng lại cùng giấc mơ cháy bỏng của người dân Quảng Ngãi hiền lành và chân chất. Nhưng các thú vui đấy từ nhiều năm qua dang dở vì nhiều lý do bị che đậy bởi ý thức và trách nhiệm của những nhà làm bóng đá Quảng Ngãi.
Nói về yêu bóng đá của người dân Quảng Ngãi chẳng hề thua kém ai. Đừng quên rằng mới đây trong trận chung kết của hai đội huyện Sơn Hà gặp đội huyện Mộ Đức tại giải Đại hội TDTT tỉnh Quảng Ngãi, số lượng khán giả đến sân vào khoảng hơn 10.000 người - hơn rất nhiều sân bóng ở V-League hiện tại. Ví dụ, nếu Quảng Ngãi có đội bóng thì tất cả các cầu thủ của tỉnh nhà đến từ các huyện thị ra sân thì con số khán giá sẽ tăng lên không biết bao nhiêu lần.
Giới trẻ Quảng Ngãi rất thích chơi bóng đá và thường xuyên tập luyện, tổ chức thi đấu. Đối với họ, được khoác áo cho đội bóng đại diện quê hương là một khát khao đầy thú vị. Xa hơn nữa, cầu thủ Quảng Ngãi nếu được khoác lên mình chiếc áo có hình quốc kỳ Việt Nam để góp mặt trong các đội tuyển quốc gia là một giấc mơ quá tuyệt diệu.
Thủ môn Trường An và Phó Chủ tịch VFF Cao Văn Chóng.
Nhưng rất tiếc những điều mơ ước đấy là quá xa xỉ, vì hiện nay Quảng Ngãi không có tên trên bản đồ bóng đá Việt Nam.
Nhìn vào thực trạng bóng đá Quảng Ngãi có tiềm năng đào tạo cầu thủ trẻ khá lớn, với số đông thanh thiếu niên và nhi đồng thuộc các huyện miền núi. Tiếc là giấc mơ trở thành cầu thủ chuyên nghiệp của họ rất khó trở thành hiện thực do cách tổ chức, khai thác và đầu tư không hiệu quả. Thực tế vẫn có một số cầu thủ với tố chất bẩm sinh đã từng ghi được nhiều thành tích ấn tượng tại các giải U quốc gia. Nhưng tất cả đều trở thành vô nghĩa và hoang phí khi tỉnh nhà không có đội bóng tham dự các giải đấu trong hệ thống thi đấu của VFF.
Vì sao Quảng Ngãi chưa có một đội bóng đại diện như một số địa phương khác?
Có thể do ngân sách của tỉnh nhà còn thiếu thốn nhưng nếu các nhà làm bóng đá giỏi xoay sở, họ vẫn đủ sức hô hào doanh nghiệp chung tay chăm sóc đội bóng đại diện cho mình. Thêm một lý do quan trọng khác là Quảng Ngãi chưa có được sự ủng hộ đặc biệt những người lãnh đạo có tâm huyết thật sự.
Thầy Park "gieo mơ ước" bóng đá cho trẻ em.
Ông Park đã đến quê nghèo của chúng tôi để khơi dậy tình yêu bóng đá. Chúng tôi cảm ơn ông một cách rất thật lòng!
Nhưng chúng tôi cũng xin ông đừng đến chỉ vì yêu cầu của một sự kiện hào nhoáng với những mục đích ngoài bóng đá. Người ta có thể đã mượn tình yêu với trái bóng tròn để làm việc khác mà ông không hề hay biết.
Bà con chúng tôi đang muốn nói với những quan chức bóng đá ở đây rằng: “Nếu không yêu, không đam mê bóng đá thực sự thì hãy để những người khác có tâm, có tầm hành động”. Nói thật với ông là những người yêu bóng đá tại Quảng Ngãi đã mơ ước và mơ ước rất nhiều lần, để rồi chợt nhận ra mơ ước đó chỉ là những ước mơ thôi.