Lợi ích thủy điện mâu thuẫn với lợi ích xã hội

Ngày 7-5, Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam đã tổ chức hội thảo “Phát triển thủy điện bền vững: Các bài học và khuyến nghị”. Các GS, TS đầu ngành về thủy điện, sông ngòi và Đoàn ĐBQH các tỉnh miền Trung-Tây Nguyên đã về dự.

“Quảng Nam đã sai vì quá nhiều thủy điện”

Ông Lê Phước Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, nói: “việc xây dựng ồ ạt thủy điện có hại nhiều hơn có lợi. Lợi thì lợi cục bộ nên người ta tính để làm sao cho có lợi cao nhất mà không tính đến hậu quả gây ra cho người dân. “Tỉnh sẽ giám sát chặt các thủy điện trên địa bàn. Thủy điện nào còn gây lo ngại, tỉnh sẽ không cho tích nước và kiến nghị trung ương không cho vận hành” - ông nói.

Còn ông Đinh Văn Thu - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam thì nhìn nhận: “Chúng tôi đã sai lầm khi phê duyệt và cho xây dựng quá nhiều thủy điện. Bây giờ chỉ có thể sửa chữa cái sai đó thôi. Trước đây tỉnh có 58 dự án thủy điện được phê duyệt nhưng nay đã loại bớt còn 34 dự án. Tỉnh sẽ tiếp tục rà soát, cắt giảm các thủy điện và không phê duyệt dự án mới… Vì những sai sót đó, thủy điện và chính quyền phải có trách nhiệm với người dân. Phải chia sẻ lợi ích cho người dân”.

Tại hội thảo, các ĐBQH và các nhà khoa học đã khiển trách sự vô trách nhiệm của chủ đầu tư thủy điện Sông Tranh 2, Ban Quản lý dự án thủy điện 3, đơn vị tư vấn… khi không đến tham dự hội thảo dù họ đã được mời. “Chúng tôi lên đập kiểm tra nhưng Ban Quản lý thủy điện Sông Tranh 2 lại không cho ghi hình, chụp ảnh, không minh bạch thông tin” - TS Đào Trọng Hưng nói.

GS Vũ Trọng Hồng, Chủ tịch Hội Thủy lợi Việt Nam, cho rằng: “Sông Tranh 2 bây giờ thì chưa vỡ ngay được nhưng không khắc phục sẽ vô cùng nguy hiểm. Về mặt khoa học, lớp đất đá của nền đập sau 30 năm sẽ bị hóa bùn và tai họa sẽ xảy ra. Đặc biệt, Sông Tranh 2 lại được xây dựng ngay trên khu vực động đất và chúng tôi chưa thấy đập nào lại chảy nước nhiều như thế”.

Khốn đốn vì thủy điện

TS Đào Trọng Hưng, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, cho hay: Thủy điện đang xây dựng ồ ạt. Có nơi dày đặc đến mức hồ chạm hồ. Ở Sapa chỉ 10 km nhưng có tới bảy thủy điện nhưng Tổng cục Lâm nghiệp không trả lời được thủy điện đã phá hủy bao nhiêu hecta rừng? Hiện có 119 dự án thủy điện liên quan đến rừng đặc dụng, rừng đầu nguồn. Khu bảo tồn Hoàng Liên Sơn, Sông Tranh, Cát Tiên… có tới 6-7 dự án thủy điện.

“Ở Hương Sơn (Hà Tĩnh), chỉ một thủy điện 30 MW nhưng đã phá đến 400 ha rừng mà dự án này vẫn chưa làm xong. Mất rừng thì không có gì có thể bù đắp được. Ở Bản Vẽ (Nghệ An), Nam Đông (Thừa Thiên-Huế), người dân không có sinh kế, thất nghiệp và đói kém triền miên vì thủy điện. Chưa hết, hiện các thủy điện ở miền Trung không hề có cửa xả đáy để cắt giảm lũ.

TS Đào Trọng Tứ, thành viên Mạng lưới Sông ngòi Việt Nam, lại cho rằng đang có tới 90% các thủy điện khi xây dựng đã không có dự toán chống lũ, cắt lũ cho hạ lưu. “Việc xây dựng thủy điện đang diễn ra ồ ạt, không tính toán. Thủy điện đang bộc lộ hạn chế và hậu quả nghiêm trọng” - TS Tứ nói.

Phó đoàn ĐBQH tỉnh Gia Lai Huỳnh Thành cho biết lợi ích nhà sản xuất điện đang mâu thuẫn với lợi ích xã hội, hậu quả lại trút xuống địa phương.

TS Vũ Ngọc Long, Giám đốc Trung tâm Đa dạng sinh học và Phát triển - Viện Sinh học nhiệt đới TP.HCM, nói: “Hậu quả do thủy điện gây ra là không thể kể hết. Khi xây dựng thủy điện Sông Ba đã làm biến mất một loài cá sấu quý hiếm trên con sông này. Thủy điện làm mất đi giá trị sinh học. Cái mất ấy không thể đo đếm, bù đắp được bằng tiền bạc”.

LÊ PHI

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm