Lời khai của hoa hậu Phương Nga và hệ quả pháp lý

Chiều 21-9, sau một ngày thẩm vấn, TAND TP.HCM đã quyết định trả hồ sơ vụ án hoa hậu Phương Nga (Trương Hồ Phương Nga, sinh năm 1987, hoa hậu người Việt tại Nga năm 2007) lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Bị cáo Nga bị truy tố theo khoản 4 Điều 139 BLHS, khung hình phạt lên đến chung thân. Cùng bị truy tố với Phương Nga còn có Nguyễn Đức Thùy Dung, sinh năm 1989, là bạn thân ở chung nhà với Nga.

Bị cáo Nga tại phiên xử ngày 21-9. Ảnh: H.YẾN

Tòa yêu cầu VKS điều tra bổ sung nhiều vấn đề không thể làm rõ tại phiên xử, trong đó có “hợp đồng tình ái” mà cả hai bị cáo khai tại tòa.

Xung quanh lời khai cùng quyết định trả hồ sơ của tòa, nhiều bạn đọc đặt ra nhiều giả thiết: Giả sử công an làm rõ những lời khai của hoa hậu Phương Nga và bị cáo Dung là sự thật thì vụ án sẽ theo hướng nào? Ngược lại, nếu lời khai của cô hoa hậu này là “dựng chuyện”, cô có bị khép vào tội vu khống đại gia Cao Toàn Mỹ…
Theo luật sư Đặng Trường Thanh (Đoàn Luật sư TP.HCM), việc tòa án trả hồ sơ là quyết định hoàn toàn đúng đắn. Bởi lời khai của các bị cáo là hoàn toàn mới, chưa được điều tra, xác minh từ giai đoạn điều tra, truy tố. Điều này là vô cùng cần thiết để tránh làm oan người vô tội cũng như tránh chuyện bỏ lọt tội phạm.
“Cơ quan tố tụng phải làm rõ có hay không “hợp đồng tình ái”? Có hay không việc ép buộc viết giấy nhận nợ? Có hay không việc mua nhà… để từ đó xác định vụ án này là lừa đảo hay chỉ là tranh chấp dân sự” - luật sư Thanh nói.
Trước đó, tại phiên xử, các bị cáo khai là giữa hoa hậu Phương Nga với đại gia Toàn Mỹ có mối quan hệ tình cảm. Cả hai có làm một “hợp đồng tình cảm, tình dục”, được lưu giữ trên email. Sau đó phát sinh mâu thuẫn nên ông Mỹ “lật kèo”, tố cáo Nga chiếm đoạt tiền.
Theo luật sư Thanh, cơ quan điều tra sẽ có nhiều việc phải làm để xác định đúng bản chất thực của vụ án như truy vết email; xác minh nhân chứng; đối chất... cùng hàng loạt biện pháp tố tụng khác chứ không đơn thuần dựa vào lời khai của các bị cáo. Từ đó, cơ quan tố tụng mới có hướng xử lý tiếp theo.
Về giả thiết rằng sau khi cơ quan tố tụng xác minh, làm rõ lời khai của cô hoa hậu và bị cáo Dung là không đúng, là “dựng chuyện” để kéo dài vụ án thì hai người sẽ chịu trách nhiệm pháp lý gì về những lời khai này? Họ có bị xử lý tội khai báo gian dối hay vu khống hay không?
Luật sư Thanh giải thích: Trong hình sự, cùng với việc gỡ tội thì cơ quan tiến hành tố tụng (công an, tòa án, VKS) còn có nghĩa vụ buộc tội, chứng minh hành vi phạm tội của bị can, bị cáo. Ngược lại, bị can, bị cáo không có nghĩa vụ này mà họ có hàng loạt quyền để bảo vệ mình như quyền im lặng, quyền bào chữa và nhờ người bào chữa; quyền đưa ra tài liệu, đồ vật, yêu cầu; quyền cung cấp thông tin cho cơ quan tố tụng; quyền trình bày ý kiến… để gỡ tội hoặc chứng minh vô tội.
“BLHS có tội khai báo gian dối hoặc cung cấp tài liệu sai sự thật nhưng chủ thể của tội này là người giám định, phiên dịch, làm chứng còn bị can, bị cáo không là chủ thể của tội này. Vì thế, giả sử cơ quan tố tụng chứng minh bị cáo khai báo gian dối về cái gọi là “hợp đồng tình ái” cũng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự” - luật sư Thanh nói.

Bị cáo Nga tại tòa. Ảnh: H.YẾN

Giả sử cơ quan tố tụng chứng minh những lời khai của hai bị cáo là “dựng chuyện”, vậy họ có bị xử lý về tội vu khống? Theo luật sư Thanh, nếu là người bình thường bịa đặt “hợp đồng tình ái” thì ông Mỹ có quyền yêu cầu cơ quan tố tụng xử lý họ về tội vu khống.

Tuy nhiên trong trường hợp này, hai bị cáo đang trình bày ý kiến về bản cáo trạng, thực hiện quyền tự bào chữa nên họ có quyền lập luận, cung cấp thông tin mà họ cho là có căn cứ để cơ quan tố tụng xem xét đúng bản chất vụ án. “Cũng như trường hợp trên, sau khi trả hồ sơ mà cơ quan tố tụng xác định họ khai không đúng sự thật, hai người cũng không bị truy cứu về tội này vì họ đang thực hiện quyền tự bào chữa theo luật định” - luật sư Đặng Trường Thanh thông tin.
“Thực tế, tại phiên xử, những lời khai của các bị cáo đã được tòa ghi nhận mà những lời khai này có thể làm thay đổi bản chất vụ án, lại chưa được điều tra, xác minh nên tòa đã trả hồ sơ để làm rõ là tôn trọng triệt để các nguyên tắc của tố tụng hình sự” - luật sư nhận định.
Cáo trạng xác định Nga quen với ông Cao Toàn Mỹ, Giám đốc Công ty Vina Cyber ở quận 3, TP.HCM, qua mạng xã hội Facebook. Sau đó, Nga nói với ông Mỹ rằng có thể mua nhà với giá rẻ hơn thị trường. Tin lời, ông Mỹ đưa Nga 6 tỉ đồng để nhờ mua một căn nhà tại quận 5 nhưng Nga không giao nhà. Tiếp đến, Nga nói với ông Mỹ có căn nhà có giá 16,5 tỉ đồng ở quận 1, lần này ông Mỹ đưa cho Nga 10,5 tỉ đồng. Sau khi đưa cho Nga 16,5 tỉ đồng mà không có nhà, ông Mỹ làm đơn tố cáo tới công an. Còn Nga đã bàn với Dung làm giả một số giấy tờ nhằm mục đích chứng minh Nga không dính líu tiền bạc gì với ông Mỹ.
Tại tòa, Dung cho rằng cả hai không có hành vi chiếm đoạt tiền của ông Mỹ. Dung khai giữa ông Mỹ và Nga có mối quan hệ tình cảm. Cả hai có làm một “hợp đồng tình cảm, tình dục” hẳn hoi, được lưu giữ trên email.
Nga thì khai: Từ năm 2012, bị cáo và ông Mỹ chính thức quan hệ tình cảm. Khi biết ông Mỹ đã có gia đình, bị cáo đặt vấn đề 16,5 tỉ đồng nếu ông Mỹ muốn duy trì mối quan hệ. Theo bị cáo Nga, trong hợp đồng này ghi rõ Nga phải duy trì mối quan hệ với ông Mỹ ít nhất bảy năm… Hằng ngày ông Mỹ ghé nhà thăm bị cáo tại căn hộ ở quận 2. Cụ thể, thứ Hai, Tư và Sáu là ghé buổi trưa, còn thứ Ba, Năm và Bảy vào buổi chiều…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm