Tôi sinh ra và lớn lên ở miền Trung, 18 tuổi tôi ra Bắc, 22 tuổi thì vào Nam lập nghiệp. Hành trang mang theo vào Sài Gòn vỏn vẹn chỉ có tám bộ quần áo và 6 triệu đồng. Hơn một năm gắn bó với mảnh đất này, tôi mang ơn rất nhiều người.
Cô Hương là chủ quán cơm Hương Phi trên đường Nguyễn Xí, quận Bình Thạnh, ngay trước nhà tôi thuê trọ. Quán nhỏ, không có chỗ để xe nhưng rất đông khách. Cô Hương tóc ngắn, giọng sang sảng, nhìn có vẻ dữ dằn, lần đầu tiên gặp mặt khó mà có cảm tình. Nhưng ai tiếp xúc rồi mới biết cô nghĩ sao nói vậy, tâm lành.
Tôi đi phỏng vấn vài nơi nhưng chưa có kết quả xin việc. Tiền trong túi cứ cạn dần dù tôi không dám tiêu xài phung phí, vài chục ngàn đồng cũng phải tính toán, vì tự biết thân phận rằng hết tiền chẳng biết kêu ai.
Đầu tiên, tôi cắt giảm tiền ăn tối đa. Mỗi ngày tôi chỉ cho phép mình ăn không quá 20.000 đồng. Tôi đi mua nồi cơm điện về nấu cơm, luộc rau, luộc trứng, tất tần tật bằng nồi cơm ấy. Hôm nào đổi món thì ra quán cô Hương mua thức ăn: ruốc 12.000 đồng/suất, trứng 15.000 đồng, đắt nhất là thịt, cá, lòng gà cỡ 17.000 đồng. Mua về, tôi chia hai bữa ăn, cơm trắng thì tự nấu. Gạo cũng là loại rẻ nhất: 9.500 đồng/kg.
Cô Hương - chủ quán cơm Hương Phi (Nguyễn Xí, Bình Thạnh) mang cơm đến tận bàn ăn cho khách, nhiều người bị thiếu thức ăn được cô cho thêm mà không tính tiền. Ảnh: HOÀNG GIANG
Trước đó, tôi có hỏi qua cô Hương: “Cháu chỉ mua thức ăn thôi thì có được không?”, cô cười: “Ừ, cứ sang đây”.
Và rồi tôi để ý những phần thức ăn mình mua thường nhiều hơn của người khác, có lúc cô Hương thêm vài miếng thịt, lúc thì cô lựa đi lựa lại tìm khúc cá to nhất. Tôi chỉ mua trứng hoặc ruốc, cô Hương lại cho thêm mấy miếng lòng gà hoặc thịt xào măng… Có hôm cô Hương tính tiền cả bịch ruốc to chỉ 10.000 đồng.
Tôi chỉ mua mỗi thức ăn mặn nhưng lần nào cô Hương cũng cho thêm bịch canh, mang về được cả tô to thay vì chỉ một bát nhỏ như mọi người. Thậm chí lẽ ra ai chọn canh cá thì mới có cá để ăn, nếu mua các món cơm còn lại sẽ chỉ có canh rau hoặc củ; vậy nhưng có những hôm cô Hương dúi cho tôi cả bọc canh có khá nhiều miếng cá. Cô nói gọn: “Lấy về mà ăn”.
Cô Hương còn dặn tôi về những món phải hâm nóng lại rồi mới được ăn, ăn nguội đau bụng, “Muốn ăn canh rau thì chiều tối tạt qua quán ăn lấy, cô cho, đừng mua tốn tiền”.
Sau này, có hai chị khác tới ở trọ, kể chuyện: Ngày xưa bạn chị từng ăn nợ quán cô Hương cả mấy tuần liền vì nhà chưa gửi tiền lên kịp, lương làm thêm phải nộp học phí. Cô thương sinh viên nghèo nên bảo qua đây ăn, hôm nào có trả cô.
Cuối cùng tôi cũng tìm được việc đúng theo sở thích, có nguồn thu nhập ổn định. Xung quanh chỗ tôi trọ có thêm nhiều quán ăn mới, nhiều món hơn, ngon hơn. Nhưng những ngày nghỉ tôi vẫn ra quán cô Hương ăn cơm. Với tôi, món ăn ở quán cô vẫn ngon nhất vì không chỉ có vị thơm của thịt, cá, gia vị, không chỉ ngon bởi thức ăn luôn nóng hôi hổi mà còn bởi nó mang cả tấm lòng tử tế, chân thật.
Sài Gòn đâu chỉ có ồn ã, ngập nước, tắc đường, kẹt xe…
“Cẩn thận nghen con” Có lần đi làm về trên đường Cách Mạng Tháng Tám, quận 3, tôi vội nên tính vượt đèn đỏ, chẳng may lỡ đụng xe vào một cô lớn tuổi đi trước. Xe tôi ngã cái rầm, mọi người quay lại nhìn, cứ tưởng sẽ bị chửi kiểu: “Mắt mũi để đâu vậy”, “Đi đứng kiểu gì đấy”… nhưng không phải, cô nhìn mọi người rồi xua tay phân bua: “Không sao, trời nắng quá con bé bị choáng. Có sao không con?”. Có chú đi qua còn dặn: “Đi cẩn thận nghen con”. Tôi không phải dễ mủi lòng nhưng thú thực mỗi lần nhớ lại cứ thấy xúc động và hối hận. Cũng chuyện ấy mà sau này tôi không chạy ẩu nữa. NGUYỄN THỊ NGA, phường 4, quận Tân Bình, TP.HCM Bỏ công việc để chỉ đường cho người dưng Lên TP lần đầu tiên, tôi bị ngợp bởi lượng xe lưu thông ở đây quá đông. Lần đó, dì tôi nhà ở huyện Hóc Môn đang bị bệnh nặng, tôi phải thay mặt mẹ lên thăm dì. Cứ chạy một đoạn phải dừng lại hỏi thăm đường ở các bác xe ôm. Đến chợ Hóc Môn, tôi hỏi hướng đi đến đường số 10, có người thì lắc đầu, có người thì chỉ vòng vòng, tôi gọi người thân thì lại không liên lạc được. Trời nắng cháy da, người thì mệt lả. Bỗng ở góc đường bên kia có một anh sửa xe kêu lớn: “Anh gì ơi, tìm đường ở đâu mà trưa giờ chạy vòng vòng vậy?”. Tôi cũng trả lời nhưng chẳng hy vọng gì. Nghe xong, anh ấy nói: “Đường này khó tìm lắm” rồi bỏ dở việc, dắt xe máy ra bảo tôi đi theo. Tìm được đến nhà dì, tôi mừng quá đứng nói chuyện với người nhà vài câu, lúc nhớ đến anh, định quay sang cảm ơn thì anh đã quay xe chạy đi mất. Cảm ơn anh sửa xe tốt bụng! TRẦN CÔNG MẠNH, huyện Bến Lức, Long An Quên ví cả tuần vẫn không mất Hồi năm ba đại học, trên đường tôi đi học về, xe bị thủng lốp phải dẫn bộ tìm chỗ vá. Vá xe xong, tôi lấy ví ra trả tiền, rồi lên xe đạp về đến nhà trọ thì thấy ví không còn, dây kéo ba lô bị mở ra. Thế là xong, mất hết tiền ăn cả tháng, tiền mẹ vừa gửi lên đóng học phí cũng mất sạch. Cứ nghĩ đến cái ví là tôi lại khóc vì toàn bộ tài sản, giấy tờ nằm trong ấy. Một tuần trôi qua, đang đạp xe trên đường thì bỗng có tiếng ông cụ gọi: “Ơi cháu ơi”, tôi quay qua thấy ông cụ sửa xe lần trước, nghĩ ông gọi nhầm người nên định chạy tiếp. Ông cụ chạy bộ theo la to: “Cháu bỏ quên cái bóp ở tiệm ông, vào đây ông đưa lại cho”. Tôi đứng đơ người. Ông kể: “Cháu làm rớt bóp ở đây mấy ngày rồi, ông không biết cháu ở đâu nên để đây, chờ khi nào cháu lại sẽ đưa”. Trời ơi, trong ví không mất thứ gì. Tôi quá may mắn gặp được người như ông cụ, cảm ơn ông rồi mà vẫn muốn cảm ơn nhiều lần nữa. PHAN THỊ MỸ AN, sinh viên năm cuối PLO mở chuyên mục ‘Người Sài Gòn tử tế’ TP.HCM - TP nghĩa tình… Nơi sẵn sàng cưu mang những người khó khăn, bất hạnh và không thiếu những con người tử tế. Họ là ai? Mời bạn đọc đón xem chuyên mục “Người Sài Gòn tử tế”, được phát trên plo.vn lúc 8 giờ thứ Năm hằng tuần, bắt đầu từ ngày 1-9-2016. |