Đến chiều 2-12, theo Văn phòng thường trực Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn tỉnh Bình Định, mưa lũ trên địa bàn tỉnh đã làm bốn người chết, ba người bị thương. Ngoài ra, thiệt hại nặng nhất là vùng trồng mai nổi tiếng ở thị xã An Nhơn với hàng ngàn chậu mai chuẩn bị tết bị ngập úng, có nguy cơ mất trắng.
Thống kê ban đầu ở tỉnh có gần 4.000 ngôi nhà bị ngập, hàng ngàn hecta hoa màu bị chìm. Hiện 112 hồ chứa ở tỉnh này đã đầy nước, trong đó có 104 hồ xả nước qua tràn.
Ông Trần Châu, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định, cho biết đây là đợt lũ thứ hai trong một tháng qua khiến hàng ngàn gia đình lâm vào cảnh hết sức khó khăn.
Mưa lũ trong ba ngày qua trên địa bàn tỉnh Quảng Ngãi đã khiến một người mất tích; cô lập hàng trăm hộ dân ở huyện Mộ Đức, Đức Phổ, Nghĩa Hành. Theo thông tin từ cơ quan chức năng, tỉnh Quảng Ngãi đã chủ động được việc xả lũ ở hồ chứa Diên Trường, Liệt Sơn và Núi Ngang nên không gây thiệt hại nặng về người và tài sản ở vùng hạ lưu.
Người dân thị xã An Nhơn (Bình Định) tìm cách cứu mai bị ngập trong lũ. Ảnh: DT
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Quảng Ngãi Đặng Văn Minh yêu cầu đơn vị quản lý hồ chứa phải tuân thủ nghiêm ngặt quy trình xả lũ, hạn chế thiệt hại do quá trình xả lũ hồ gây ra.
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Trung ương, ngày 2-12, tình trạng ngập lụt tại các huyện Ba Tơ, Nghĩa Hành, Tư Nghĩa, Minh Long (Quảng Ngãi); An Lão, Tây Sơn, Hoài Ân, Hoài Nhơn, Quy Nhơn (Bình Định) giảm dần. Mực nước trên các sông ở Quảng Ngãi tiếp tục lên. Nguy cơ cao xảy ra sạt lở đất ở vùng núi các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định. Ngày 3-12, ở các tỉnh từ Quảng Trị đến Khánh Hòa có mưa, mưa vừa, riêng từ Thừa Thiên-Huế đến Quảng Ngãi có mưa to đến rất to.
Từ ngày 4-12, xả lũ hồ Dầu Tiếng Các đơn vị, người dân cần chủ động phòng, chống ngập úng… “Từ 7 giờ ngày 4-12 đến 7 giờ ngày 10-12, hồ Dầu Tiếng sẽ xả lũ với lưu lượng 150 m3/giây. Đề nghị UBND các quận, huyện (nhất là huyện Củ Chi, Hóc Môn; quận 12, Gò Vấp, Bình Thạnh và Thủ Đức), Trung tâm Chống ngập TP và các đơn vị liên quan chuẩn bị sẵn sàng lực lượng, phương tiện, vật tư để chủ động phòng, chống, ứng phó khi xảy ra tình huống bất lợi”. Ngày 2-12, Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn TP.HCM đã có công văn khẩn gửi các cơ quan có liên quan về việc vận hành điều tiết hạ thấp mực nước hồ Dầu Tiếng. Ngoài ra, Ban cũng lưu ý dù thời điểm trên thủy triều ở hạ du sông Sài Gòn đang xuống dần về mức báo động I (1,3 m) nhưng các đơn vị, người dân không được chủ quan. Ban đề nghị mọi người phải chú ý theo dõi các bản tin dự báo thủy văn để vận hành các cống ngăn triều một cách có hiệu quả nhằm phòng, chống ngập úng, đảm bảo an toàn cho khu dân cư. LÊ THOA |