Bảng giá làm bằng giả được rao bán công khai trên mạng Facebook -Ảnh: Đ.Thiện |
Anh T. kể về việc em trai của mình tên H. đã bị lừa mất 5,5 triệu đồng bởi tin lời kẻ lừa đảo rao bán bằng giả. Anh T. cho biết em trai mình nhận được tin nhắn rao bán bằng giả từ các số điện thoại 097297xxxx và 096647xxxx cách nay khoảng hai tháng.
Cùng thời điểm này có người bạn mách bảo cho anh T. rằng trên mạng Facebook có quảng cáo dịch vụ làm mọi loại bằng giả theo yêu cầu người dùng. Trong khi đó, em trai của anh đang cần gấp tấm bằng tốt nghiệp trung học cơ sở nên anh T. đã liên lạc với người rao bán bằng.
Dễ dàng mất hơnchục triệu đồng
“Khi hai bên trao đổi các thông tin cần thiết để làm bằng, bên kia đề nghị chúng tôi đóng cọc 500.000 đồng rồi sau đó mới làm bằng. Khoảng một tuần sau, bên kia gọi điện cho biết bằng đã làm xong. Chúng tôi đề nghị giao bằng tận nơi mới thanh toán tiền. Tuy nhiên, bên kia nói người giao bằng không liên quan nên bắt chúng tôi phải chuyển tiền trước. Khi em tôi chuyển 2,5 triệu đồng thì bên kia bảo tấm bằng này “khó làm lắm” nên phải thêm 2,5 triệu đồng nữa mới được."
"Em tôi làm theo và đã chuyển đủ tiền vào tài khoản thuộc Ngân hàng VietinBank chi nhánh Bình Thạnh, TP.HCM cho người tên L.. Bên đó hỏi địa chỉ nhà và bảo chúng tôi đợi, sẽ có người đến giao bằng. Sau đó có người gọi cho chúng tôi và nói đang ở bến xe chuẩn bị đi giao bằng, nhưng điện thoại sắp hết tiền nên nhờ nạp thêm để liên lạc. Tôi đã nạp 50.000 đồng nhưng liền ngay sau đó không thể liên lạc với những kẻ bên kia nữa” - anh T. kể lại.
Trường hợp chị A. còn bị lừa nặng hơn. Chị A. cho biết vô tình đọc trên trang mạng xã hội Facebook quảng cáo chuyên làm các loại bằng cấp giả, bằng gì cũng có. Trong khi đó chị có một người em gia cảnh kinh tế khó khăn nhưng lại muốn học liên thông lên đại học, nên chị đã “thử liều” hỏi mua một tấm bằng trung cấp dược.
Chị A. liên lạc được với người đại diện trang mạng rao bán bằng giả tên là L.V.D.. Sau rất nhiều tin nhắn trao đổi, chị A. và L.V.D. thỏa thuận chị sẽ chuyển trước 3 triệu đồng, khi làm bằng xong và bàn giao sẽ chuyển hết số còn lại là 12 triệu đồng. Vài hôm sau D. gọi cho chị A. thông báo bằng đã làm xong và có cả “hồ sơ gốc”, nhưng nếu muốn có bằng thì phải gửi tiền đầy đủ trước bởi D. lo ngại chị A.
“giả danh nhà báo, công an”. “Lúc này tôi đã có linh cảm không tốt nhưng cứ nghĩ thương cảnh người em tội nghiệp và trời xui đất khiến thế nào tôi đã tin và chuyển nốt 12 triệu đồng còn lại cho người ta. Sau đó tôi gọi điện nhiều lần nhưng anh ta đều không nghe máy dù điện thoại vẫn đổ chuông” - chị A. nói.
Chị A. thử tìm hiểu riêng và phát hiện kẻ lừa chị đã giăng bẫy ở nhiều trang mạng khác với nhiều hình thức khác, cả số điện thoại cũng khác. “Đây có thể là một nhóm người đã thực hiện các vụ lừa đảo ở nhiều nơi trên mạng hòng giăng bẫy bất kỳ người dùng cả tin nào” - chị A. nhận định.
“Té nước theo mưa”
Khi chúng tôi hỏi tại sao không yêu cầu bên “dịch vụ” cho xem hình ảnh bằng cấp hoàn chỉnh rồi mới chuyển tiền, cả hai nạn nhân nêu trên đều cho biết những người rao bán bằng giả tỏ ra rất am hiểu về bằng cấp và các thủ tục liên quan (hỏi han rất kỹ nạn nhân về các thông tin cụ thể để làm bằng, hứa đối chiếu văn bằng với giấy tờ gốc khi giao nhận), đồng thời cách nói chuyện rất thuyết phục, tạo sự tin tưởng nơi người dùng về cách làm việc “đàng hoàng” của họ.
Bên cạnh hai trường hợp bị lừa nêu trên, chúng tôi ghi nhận rất nhiều thuê bao di động tiếp tục nhận được những tin nhắn quảng cáo dịch vụ làm bằng giả một cách công khai.
Theo các chuyên gia an ninh mạng, trò lừa đảo bằng giả nêu trên đang “té nước theo mưa” cùng hiện tượng rao bán bằng giả trên mạng. Trò lừa này cũng giống hầu hết trò lừa đảo "trúng thưởng xổ số" đang ráo riết tấn công người dùng di động.
Chúng chỉ khác nhau ở hình thức thể hiện, một bên mang đến cho người dùng ảo tưởng của từ trên trời rơi xuống, một bên đánh trúng nhu cầu cần làm bằng giả của một số người. Chiêu lừa “đánh vào nhu cầu” có vẻ dễ ăn hơn nên những kẻ lừa đảo đã không ngần ngại công khai số điện thoại liên lạc, tài khoản ngân hàng để trục lợi nhiều hơn từ người dùng.
Sẽ phối hợp kiểm tra Chúng tôiđã chuyển phản ảnh của bạn đọc về các số điện thoại nhắn tin quảng cáo dịch vụ làm bằng giả, lợi dụng để lừa đảo đến các nhà mạng liên quan. Chiều 29-4 sau khi tiếp nhận phản ảnh của bạn đọc, đại diện MobiFone cho biết: “Chúng tôi sẽ tiếp nhận và phối hợp với các cơ quan chức năng để xác định và xử lý các thuê bao có hành vi vi phạm pháp luật”. |