Mới đây, Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ LĐ-TB&XH) đã có cảnh báo về hoạt động lừa đảo đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Cụ thể là các vụ việc xảy ra trên môi trường mạng, sử dụng công nghệ cao và sự việc này đang có dấu hiệu gia tăng.
Sử dụng hình ảnh đưa tiễn ở sân bay để tạo niềm tin
Trước đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã đưa ra nhiều cảnh báo về tình trạng có một số đối tượng đưa ra chiêu trò việc nhẹ lương cao, đưa thông tin mập mờ để thu tiền của người lao động (NLĐ) để lừa đảo.
Theo đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước đã chỉ ra các tổ chức, cá nhân không có chức năng đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài đã sử dụng các website như www.nhatban24h.vn, www.xuatkhaulaodong-24h.com... ;để tìm kiếm NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài.
Trước khi xuất ngoại làm việc, người lao động trải qua thời gian học tiếng, định hướng từ 6-8 tháng, chứ không thể đốt cháy giai đoạn. Ảnh: ETL
Trao đổi với PV, ông Nguyễn Như Tuấn, Phó Trưởng phòng Thông tin - Tuyên truyền, Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết: Các website này được xây dựng chuyên nghiệp, đăng tải nhiều thông tin đơn hàng tuyển dụng lao động đi làm việc tại các thị trường như Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc, Singapore, Rumani, Ba Lan, Úc, New Zealand, Philippines, CHLB Đức, Hy Lạp…
470 là số doanh nghiệp được cấp phép hoạt động trong lĩnh vực đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần liên hệ trực tiếp với các doanh nghiệp có giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài để tìm hiểu thông tin về công việc, thị trường, chi phí, điều kiện sinh hoạt… trước khi tham gia.
“Thậm chí với thị trường Hy Lạp, mặc dù cục mới có chủ trương cho sáu công ty tuyển nguồn nhưng đã có nhiều nơi đăng thông tin tuyển lao động rầm rộ” - ông Tuấn nói.
Khi truy cập vào địa chỉ hai website do Cục Quản lý lao động ngoài nước chỉ đích danh, PV thấy có thông tin về hoạt động xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở các thị trường mà Việt Nam có quan hệ lao động quốc tế chính thức. Tuy nhiên, hai website này không có đăng ký cơ quan chủ quản, địa chỉ liên hệ không rõ ràng.
Ông Nguyễn Như Tuấn cũng đưa ra cảnh báo về chiêu trò của các công ty lừa đảo này. Cụ thể, sau khi NLĐ có nhu cầu đi XKLĐ đăng ký số điện thoại sẽ được họ giới thiệu qua các doanh nghiệp về XKLĐ khác để tư vấn. Sau đó, NLĐ sẽ chuyển tiền dịch vụ vào các tài khoản do họ cung cấp. Phần lớn các doanh nghiệp này không được cấp giấy phép hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Để tạo niềm tin, các doanh nghiệp này sử dụng môi trường mạng để quảng bá thông tin qua các trang Facebook, Zalo. Nội dung các trang này đăng tải nhiều thông tin hoạt động liên quan đến XKLĐ như hình ảnh đưa tiễn lao động tại sân bay; quá trình NLĐ làm việc ở nước ngoài, hình ảnh chụp với visa của nước tiếp nhận đã được cấp nhằm tạo uy tín với người có nhu cầu XKLĐ.
Nên đến trực tiếp để tìm hiểu thông tin
Cũng theo ông Nguyễn Như Tuấn, thủ đoạn tiếp theo của các đối tượng lừa đảo là sau khi NLĐ chuyển tiền, các tài khoản nhận tiền sẽ cung cấp bản chụp phiếu biên nhận, CCCD và bản hợp đồng có đóng dấu của công ty để NLĐ tin tưởng và tiếp tục đóng các khoản phí khác.
Thiếu sót của NLĐ là do phần lớn ở xa, không đến trực tiếp địa chỉ được giới thiệu để xác minh thông tin và trực tiếp ký hợp đồng, chỉ liên hệ, trao đổi và làm việc thông qua mạng xã hội và số điện thoại. Đa số địa chỉ lừa đảo đều không có trên thực tế, nếu có thì địa chỉ đó cũng không phải là tên doanh nghiệp chuyên về XKLĐ như quảng cáo. Bên cạnh đó, NLĐ không nên tin tưởng vào các văn bản, giấy tờ liên quan đến hoạt động XKLĐ trên mạng vì chúng hoàn toàn có thể bị cắt ghép, chỉnh sửa.
Từ đó, Cục Quản lý lao động ngoài nước khuyến cáo để tránh bị lừa đảo, NLĐ có nhu cầu đi làm việc ở nước ngoài cần nâng cao cảnh giác. Tuyệt đối không tin vào các thông tin mời chào, hứa hẹn về XKLĐ trên các website, Facebook, Zalo có thông tin không rõ ràng. Cục cũng lưu ý NLĐ tuyệt đối không giao dịch, liên hệ với các doanh nghiệp, cá nhân không có chức năng hoạt động dịch vụ đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài.
Để tìm hiểu các thông tin về XKLĐ, NLĐ có thể tra cứu thông tin về các doanh nghiệp có giấy phép tại trang thông tin điện tử của Cục Quản lý lao động ngoài nước tại địa chỉ www.dolab.gov.vn.
Địa chỉ tố lừa đảo xuất khẩu lao động
NLĐ cần tư vấn, cung cấp thêm thông tin hoặc phản ánh thông tin về các tổ chức, cá nhân có dấu hiệu lừa đảo trong hoạt động đưa NLĐ đi làm việc ở nước ngoài nên liên hệ với Cục Quản lý lao động ngoài nước theo số điện thoại 02438249517, máy lẻ 512 và 513, địa chỉ tại 41B Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm, TP Hà Nội.