Bị Hàn Quốc từ chối, người lao động Quảng Bình chới với

(PLO)-  Với những người lao động nghèo, việc bị từ chối sang Hàn Quốc lao động theo kế hoạch không chỉ là nỗi buồn mà còn là nỗi lo về gánh nặng nợ nần, công việc mưu sinh.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Vừa qua, phía Hàn Quốc đã từ chối tiếp nhận, đưa thêm 55 lao động thời vụ đợt 2 của tỉnh Quảng Bình sang làm việc ngay gần sát ngày nhập cảnh. Nguyên nhân là do người lao động (NLĐ) được đưa sang Hàn Quốc trong đợt 1 năm 2022 có 41 người thì 34 người đã bỏ trốn sau khi nhập cảnh.

Bật khóc vì ôm nợ mà không được đi

Bị từ chối tiếp nhận lao động tại Hàn Quốc sát ngày nhập cảnh, NLĐ đã đăng ký đi đợt 2 chới với, điêu đứng.

Chị Trương Thị Lý (34 tuổi), trú thôn 4, xã Lâm Trạch, huyện Bố Trạch, cho biết gia đình mình có hoàn cảnh khó khăn, thuộc diện gia đình chính sách nên được chính quyền địa phương quan tâm, tạo điều kiện cho hai vợ chồng đi đợt 2 này. Sau khi phỏng vấn đậu, chị được cho đi học các kỹ năng, chờ đến ngày sang Hàn Quốc. “Vợ chồng tôi vui lắm. Để có tiền đóng quỹ, vợ chồng tôi đã bán một con bò và tất cả lợn được gần 30 triệu để trang trải. Còn hai đứa con nhỏ, chúng tôi cũng gửi nhờ để sửa soạn lên đường. Giờ không đi được, vợ chồng tôi thực sự không biết bắt đầu từ đâu để mưu sinh, lấy lại tiền đã bán bò bán lợn” - chị Lý bật khóc.

Anh Ngô Đình Quang (phải) kể lại: “Có người rủ rê, lôi kéo tôi ở lại bất hợp pháp nhưng vì lợi ích chung, tôi đã gạt đi và lựa chọn trở về”. Ảnh: BẢO THIÊN

Tương tự, chị Cao Thị Hải (trú thị trấn Nông trường Việt Trung, huyện Bố Trạch) rầu rĩ cho biết khi hay tin phía Hàn Quốc từ chối cấp thị thực cho NLĐ thời vụ tỉnh Quảng Bình đợt 2, chị đã không kìm được nước mắt. “Cảm giác mọi thứ khép lại ngay trước mắt mình mà bất lực” - chị Hải nói.

Lúc trúng tuyển, chị vui mừng khôn tả và khấp khởi hy vọng về một tương lai không phải chạy vạy bữa đói, bữa no. Không có tiền, chị Hải vay mượn anh em, họ hàng để đóng tiền ký quỹ, tiền học và trang trải thủ tục, chỗ ăn ở suốt gần một tháng trời ở TP Đồng Hới.

Khi mọi thứ đã sẵn sàng, chỉ đợi đến ngày lên đường thì thông tin không được cấp thị thực khiến chị ngã gục. “Tôi buồn lắm. Tiền bạc đã hết, chưa kể xin nghỉ việc ở công ty cũ để đi Hàn Quốc giờ họ không cho quay lại nữa. Trước mắt, chưa biết phải tính sao để trả nợ và trang trải cuộc sống sắp tới” - chị Hải nghẹn ngào.

“Lương tháng không bằng lương tâm”

Trở về nước sau khi kết thúc hợp đồng, những lao động đi làm thời vụ đợt 1 chia sẻ đã vượt qua nhiều cám dỗ, lôi kéo nơi xứ lạ để không bỏ trốn ra ngoài.

Quá trình tuyển chọn, tập huấn cho NLĐ trước khi đi lao động tại Hàn Quốc được tổ chức kỹ lưỡng. Ảnh: Sở LĐ-TB&XH QB

Quá trình tuyển chọn, tập huấn cho NLĐ trước khi đi lao động tại Hàn Quốc được tổ chức kỹ lưỡng. Ảnh: Sở LĐ-TB&XH QB

Là một trong bảy NLĐ vừa trở về nước sau năm tháng làm việc tại Hàn Quốc, chị Nguyễn Thị Thạnh (trú tại xã Thái Thủy, huyện Lệ Thủy) tâm sự về đến Việt Nam, chị cảm thấy rất mừng vì gặp lại gia đình, trở về với quê hương sau kỳ lao động vất vả.

Chị cảm thấy mình đã lựa chọn đúng đắn khi không bị cuốn theo những người đã bỏ trốn. “Có những thời điểm tôi thực sự hoang mang vì những người đồng hương cứ thế bỏ trốn khỏi nơi làm việc. Tuy nhiên, nhờ sự động viên của người thân, gia đình ở quê nhà nên mấy anh em còn lại cứ động viên nhau rằng lương tháng không bằng lương tâm. Không thể vì mình mà phụ lòng tin của biết bao nhiêu người và ảnh hưởng đến bao người khác” - chị Thạnh kể lại.

Theo chị Thạnh, khi về đến nhà, nhiều họ hàng cũng ngạc nhiên, thắc mắc hỏi chị sao không ở lại mà kiếm thêm tiền. “Nhưng tôi biết nhiều anh em trốn ra ngoài đang phải sống chật vật và bất an lắm. Chưa kể nếu mình làm vậy còn ảnh hưởng tới những người sắp đi đợt tới” - chị Thạnh chia sẻ.

Cũng như chị Thạnh, anh Ngô Đình Quang (trú tại phường Nam Lý, TP Đồng Hới) kể lại: “Có người rủ rê, lôi kéo tôi ở lại bất hợp pháp nhưng vì lợi ích chung, tôi đã gạt đi và lựa chọn trở về”.

Theo bà Đinh Thị Ngọc Lan, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Bình, sở đã có văn bản đề xuất hỗ trợ mỗi NLĐ đợt 2 bị phía Hàn Quốc từ chối là 9 triệu đồng/người để trả cho các khoản học ngoại ngữ, nghề, giáo dục định hướng và một số khoản kinh phí khác. Đồng thời, đề nghị UBND tỉnh quan tâm, hỗ trợ thêm kinh phí từ nguồn ký quỹ của những NLĐ đợt 1 đã bỏ trốn khỏi nơi làm việc.

“Nhằm hỗ trợ cho 55 NLĐ đợt 2 này, sở đang phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan ưu tiên giới thiệu việc làm trong nước và đi làm việc ở nước ngoài theo các chương trình khác, phù hợp nếu có nhu cầu” - bà Lan cho biết thêm.

Yêu cầu Quảng Bình báo cáo cụ thể từng trường hợp bỏ trốn

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, ông Nguyễn Gia Liêm, Phó Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, cho biết đã nắm thông tin về sự việc nhiều NLĐ thời vụ tỉnh Quảng Bình bỏ trốn sau khi nhập cảnh. Hiện đơn vị đang yêu cầu địa phương báo cáo cụ thể từng trường hợp trên và có hướng xử lý, vì ảnh hưởng đến hợp tác giữa Việt Nam và Hàn Quốc.

“Thực tế nhiều năm qua chúng ta luôn khuyến cáo NLĐ không nên bỏ trốn, phá vỡ hợp đồng lao động bởi nó làm mất cơ hội việc làm của nhiều người khác và làm xấu đi hình ảnh NLĐ Việt Nam đối với nước bạn…” - ông Liêm nói. VIẾT LONG ghi

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm