Theo dòng thời sự

Lừa vay tiền: Cảnh báo hoài, sao vẫn còn nạn nhân?

(PLO)- Theo thống kê của Cục An toàn thông tin, trong sáu tháng đầu năm, số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Một trong những hình thức lừa đảo được nêu tên là giả danh công ty tài chính để cho vay tiền. Dù các cơ quan chức năng và báo chí đã thông tin rất nhiều về các chiêu thức lừa đảo này nhưng thực tế vẫn liên tục có nạn nhân mới, vì sao vậy?

Đặc điểm chung của các nạn nhân bị lừa khi vay tiền này là họ đang thật sự cần vay một khoản tiền và được kẻ gian chào mời, dẫn dụ rơi vào bẫy. Kết cục, không những không vay được tiền mà họ còn bị mất một số tiền lớn, đến khi biết bị lừa thì mọi chuyện đã muộn.

Các đối tượng lừa đảo thường sử dụng thủ đoạn đánh vào tâm lý những người đang cần tiền gấp muốn được vay vốn với số tiền lớn, thủ tục nhanh gọn. Thông qua các tài khoản mạng xã hội ảo, các đối tượng này đưa ra những lời chào mời hấp dẫn khi cho vay vốn với nhiều ưu đãi như thủ tục đơn giản không cần tài sản đảm bảo, hạn mức cho vay lớn, lãi suất thấp, giải ngân trong ngày, cho vay ngay cả trường hợp đang có nợ xấu… Sau khi tiếp cận được “con mồi”, đối tượng yêu cầu cài đặt ứng dụng vay vốn online hoặc gửi các đường link vào website cho vay để làm thủ tục đăng ký vay tiền.

Kịch bản tiếp theo được tạo ra là đối tượng sẽ yêu cầu người vay chuyển trước một số tiền để kích hoạt tài khoản. Sau đó tạo ra vô vàn kịch bản khác để yêu cầu người vay nộp thêm tiền để đặt cọc, mua bảo hiểm hợp đồng vay. Tiếp nữa là một ma trận các lỗi được nêu ra để yêu cầu người vay nộp tiền “sửa lỗi” thì mới được vay (như lỗi nhập sai cú pháp, lỗi vay vượt quá số tiền quy định…).

Nếu người vay không đồng ý nộp tiền xử lý từng khoản sửa lỗi như trên thì sẽ bị đe dọa là thủ tục khoản vay đã được duyệt nên dù chưa nhận tiền vẫn bị nhắc nợ trên hệ thống. Vì lo lắng, người vay tìm mọi cách xoay xở, chuyển tiền.

Sau khi nhận được các khoản tiền nói trên, đối tượng sẽ nhanh chóng khóa tài khoản mạng xã hội, khóa SIM và rút tiền khỏi tài khoản để xóa mọi dấu vết.

Tất cả thủ đoạn của đối tượng lừa đảo đã được ngành công an và các ngành liên quan cảnh báo liên tục bằng nhiều hình thức khác nhau trong các nhóm Zalo của khu dân cư, trên các phương tiện thông tin đại chúng… Vì sao trên thực tế vẫn liên tục có nạn nhân mới?

Trước tiên, phải thừa nhận một thực tế là có cầu ắt có cung. Dù hệ thống ngân hàng đã mở rộng các phương thức cho vay nhưng vẫn chưa đủ đa dạng để đáp ứng nhu cầu vay tín chấp của nhiều người. Các đối tượng hoạt động qua mạng xã hội ẩn danh với kịch bản được đặt ra quá hoàn hảo khiến người vay chưa kịp xử lý khoản rắc rối này thì lại gặp tiếp một rắc rối khác, liên tục như thế, đến khi tỉnh ra thì đã quá muộn. Do đó trong câu chuyện này, yếu tố nạn nhân đóng vai trò quan trọng. Người vay cần nâng cao ý thức cảnh giác, phải biết giật mình tự hỏi: Nếu dễ vay quá, vậy thì liệu có an toàn không? Thông tin của phía cho vay liệu mình đã nắm đầy đủ? Việc vay - trả có đúng pháp luật không?...

Trước số vụ lừa đảo trực tuyến tại Việt Nam tăng 64,78% so với cùng kỳ năm ngoái, Cục An toàn thông tin (Bộ TT&TT) đã phát động chiến dịch Tháng hành động tuyên truyền về nhận diện và phòng, chống lừa đảo trực tuyến. Chiến dịch diễn ra từ ngày 23-6 đến 23-7-2023 dưới sự chủ trì của Cục An toàn thông tin nhằm tăng cường nhận thức, kiến thức về lừa đảo trực tuyến, bảo vệ người dân trước những rủi ro tiềm ẩn trên không gian mạng.

Lại một hồi chuông nữa được gióng lên trên cả nước. Cùng với việc vào cuộc mạnh mẽ của cơ quan chức năng thì chính người dùng mạng xã hội phải đọc và xem thông tin có chọn lọc, chịu tiếp nhận những dòng tin cảnh báo này để biết cách tự bảo vệ mình.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm