Luật “bỏ quên”, dược sĩ làm xét nghiệm… chui

Dược sĩ đi bán thiết bị y tế

Dược sĩ P.T.V., trưởng khoa xét nghiệm của một bệnh viện (BV) công lập trăn trở: “Sau khi tốt nghiệp dược sĩ đại học, tôi vào làm ở khoa xét nghiệm. Theo quy định trước đây, tôi đã được Sở Y tế cấp chứng chỉ hành nghề và được bổ nhiệm làm trưởng khoa xét nghiệm. Nhưng đến năm 2011, khi nộp đơn xin gia hạn chứng chỉ hành nghề thì BV thông báo… chờ Sở Y tế xét duyệt. Đến khi quy định mới về cấp chứng chỉ hành nghề có hiệu lực thì nhiều bác sĩ, cử nhân làm cùng khoa xét nghiệm được cấp chứng chỉ hành nghề, trong khi đó dược sĩ xét nghiệm lại không được công nhận. Chờ mãi đến đầu năm 2014, tôi vẫn chưa được cấp chứng chỉ hành nghề. Làm việc ở BV công mà giống như đang làm chui vậy! “Chờ mãi, nhiều lúc tôi muốn đi bán thuốc hoặc xin cấp chứng chỉ hành nghề dược, dù trong quá trình làm việc, tôi đã được BV đưa đi đào tạo, huấn luyện về xét nghiệm ở các nước trên thế giới như Thái Lan, Bỉ…”.

Việc cấp chứng chỉ cho người hành nghề xét nghiệm ở các BV đa khoa, chuyên khoa, BV y học cổ truyền đã hoàn tất từ ngày 1/1/2014 theo hướng dẫn của Nghị định số 87/2011/NĐ-CP ngày 27/9/2011, thế nhưng tình trạng dược sĩ xét nghiệm không được cấp chứng chỉ hành nghề vẫn tồn tại ở hầu hết các BV công lập lẫn tư nhân tại TP.HCM. Đặc biệt, hiện rất nhiều BV lớn đang có dược sĩ làm mảng xét nghiệm, thậm chí là trưởng khoa xét nghiệm. Điển hình như BV Chợ Rẫy cũng đang kẹt việc xin Bộ Y tế cấp chứng chỉ hành nghề cho hai dược sĩ xét nghiệm, trong đó một người là phó giám đốc trung tâm truyền máu, một dược sĩ là phó phòng xét nghiệm.

Không chịu cảnh hoạt động… chui, một số dược sĩ đã bỏ công việc ở BV, chuyển sang các công ty nước ngoài làm xét nghiệm hoặc buôn bán thiết bị y khoa. Điển hình như dược sĩ H.Đ. làm ở khoa xét nghiệm của BV tư đã bỏ nghề và chuyển sang làm cho một công ty dược của nước ngoài. Dược sĩ này bức xúc: “Đã hơn 50 tuổi, tôi có nhiều chứng chỉ xét nghiệm được học ở nước ngoài, nhưng không thể làm việc hợp pháp ở các BV, trong khi các công ty nước ngoài thì cần kinh nghiệm của tôi để đào tạo, huấn luyện các dược sĩ trẻ của họ”.

Nhiều dược sĩ làm mảng xét nghiệm rất giỏi nhưng không được “thừa nhận” hợp pháp

“Quên” đưa vào luật?

Dược sĩ Nguyễn Thanh Tòng, Phó chủ tịch Hội Hóa sinh Việt Nam cho biết: bác sĩ, kỹ thuật viên đã được cấp chứng chỉ hành nghề xét nghiệm nhưng dược sĩ lại không. Nguyên nhân do Luật Khám chữa bệnh số 40/2009/QH12 đã… “bỏ quên” đối tượng dược sĩ làm mảng xét nghiệm. Ở điều 17, mục 1, chương III quy định về “Người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh” của Luật nêu rõ: “Người xin cấp chứng chỉ hành nghề gồm: bác sĩ, y sĩ, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên, lương y, người có bài thuốc gia truyền hoặc có phương pháp chữa bệnh gia truyền” mà không đề cập đến dược sĩ xét nghiệm. Như vậy, nếu dược sĩ vẫn tiếp tục làm xét nghiệm thì xem như vi phạm pháp luật. Nhiều dược sĩ trong hội đã lên tiếng với Sở Y tế nhưng Sở cũng bất lực vì Sở chỉ thực thi theo luật.

Nguyên nhân khiến Luật Khám chữa bệnh “quên” dược sĩ xét nghiệm là do hiện nay các trường đại học y dược Việt Nam chỉ đào tạo dược sĩ về dược liệu học nói chung và hầu hết đều ra bán thuốc, chứ không chia ra nhiều chuyên khoa như trước đây: dược sĩ chuyên về công nghiệp dược, dược sĩ xét nghiệm, dược sĩ BV, dược sĩ bán thuốc. Trong khi thực tế, có nhiều dược sĩ được đào tạo ở nước ngoài chuyên về xét nghiệm rồi về Việt Nam hành nghề. Hoặc trước đây, một số dược sĩ được đào tạo theo chương trình cũ nên họ vẫn làm được xét nghiệm.

Hiện nay, các BV đang thiếu nhân sự làm mảng xét nghiệm, trong khi việc đào tạo bác sĩ xét nghiệm từ các trường ở Hà Nội, TP.HCM… chỉ đủ cho mỗi địa phương. Thế nhưng, nhiều bác sĩ được đào tạo chuyên sâu về xét nghiệm, ra trường lại không theo mảng này mà học thêm để chuyển sang mảng khác. Trong khi, cử nhân xét nghiệm chỉ làm công tác chạy máy, chứ không phải như dược sĩ xét nghiệm phải chịu trách nhiệm chung cho cả phòng xét nghiệm.

Một dược sĩ xét nghiệm "chuẩn" phải mất đến mười năm đào tạo, trong đó có 5 năm học dược sĩ và 5 năm học chứng chỉ xét nghiệm, mỗi năm một chứng chỉ chuyên môn như: độc chất học; vệ sinh thực phẩm, nước uống; vi sinh; miễn dịch; sinh hóa. Những dược sĩ này bên cạnh chuyên môn phải có nền tảng khoa học cơ bản rất tốt mới làm được các xét nghiệm. Ngoài ra, hầu hết họ đều học tập ở nước ngoài vì ở Việt Nam việc đào tạo ngành xét nghiệm rất chung chung, chưa có cơ sở nào đào tạo đầy đủ các chứng chỉ này.

Giải pháp tốt nhất hiện nay, theo dược sĩ Nguyễn Thanh Tòng, là nên có lớp chuẩn hóa về xét nghiệm để những dược sĩ xét nghiệm bấy lâu nay được tiếp tục hành nghề vì họ có chuyên môn cao, tránh chảy máu chất xám. Ngoài ra, nếu thật sự luật có thiếu sót thì các cơ quan soạn thảo, thẩm tra luật cũng nên bàn bạc, đề ra giải pháp hợp lý. Không thể để tình trạng những người có tay nghề cao bỗng một ngày trở thành những người hoạt động chui vì thiếu luật.

Theo Văn Thanh (PNO)

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới