Luật phải hạn chế tối đa rủi ro trên mạng

Thông tin riêng tư của cá nhân bị lộ, bị lọt qua mạng. Dự án Luật An toàn thông tin được xây dựng nhằm khắc phục tình trạng trên. Tuy nhiên, tại buổi Quốc hội thảo luận về dự án luật này chiều 24-6 cho thấy dự thảo luật vẫn chưa được như mong đợi.

“Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu”

“Trong tuần qua, một nữ sinh 15 tuổi ở Đồng Nai đã uống thuốc diệt cỏ tự tử. Vì sau khi bị bạn trai tung clip sex của hai người lên mạng, chỉ sau khi xuất hiện hai ngày thì video clip này đã lan truyền rất nhanh, đã có đến hàng ngàn người xem. Điều này đã có tác động rất lớn đến tâm lý nữ sinh và kết quả đã dẫn đến cái chết đau lòng của nữ sinh này! Có một câu nói của người thân nữ sinh này sau ba ngày chạy chữa cho em tại bệnh viện làm tôi phải hết sức suy nghĩ: Xin cộng đồng mạng hãy tha cho cháu!” - đại biểu (ĐB) Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) nêu một thực tế vừa xảy ra.

“Nhưng câu hỏi đặt ra là có cách nào, có biện pháp nào ứng cứu khẩn cấp đối với người thân, đối với gia đình của em nữ sinh khi phát hiện ra vấn đề này? Cơ quan quản lý nhà nước có biện pháp gì ứng cứu khẩn cấp đối với gia đình nữ sinh trong suốt thời gian ba ngày đó, khi gia đình nữ sinh cũng không biết cầu cứu vào đâu, không biết liên hệ với ai để ngăn chặn sự phát tán này?” - ĐB Hải nêu câu hỏi.


Mặt trái của thế giới ảo đang gây ra hậu quả không nhỏ cho xã hội. Ảnh: HTD

“Trong thời gian nghỉ giải lao giữa buổi họp Quốc hội sáng 24-6, tôi đã có trao đổi với Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Bắc Son về vụ việc này thì được biết clip này do bạn trai nữ sinh đưa lên mạng, thuộc loại thông tin riêng, không phải thông tin cá nhân” - ĐB Hải cho biết. Theo nhìn nhận của ĐB này, việc bảo vệ thông tin riêng cũng như quy định khác về thông tin riêng còn chưa được quy định rõ ràng trong luật. “Theo tôi, việc xây dựng Luật An toàn thông tin là một cơ hội để chúng ta có thể giảm thiểu tác động xấu, tác động mặt trái của mạng Internet, mạng xã hội đến thanh thiếu niên, mà trước hết cần bổ sung thêm về các quy định đối với việc bảo vệ các thông tin riêng trên mạng” - ĐB Hải nói.

Một thực tế khác được ĐB Đỗ Mạnh Hùng (Thái Nguyên) đưa ra: “Một ngày tôi truy cập mạng vài lần nhưng mỗi lần vào mạng đều có cảm giác truy cập của mình đang bị người khác kiểm soát. Họ cũng truy cập vào, thậm chí họ sử dụng thông tin của mình vào những mục đích của riêng họ. Tôi cảm thấy bất an lắm!”.

Cần quy định hành vi nghiêm cấm và chế tài

Về việc bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng, theo ĐB Ma Thị Thúy (Tuyên Quang), Hiến pháp quy định quyền được đảm bảo an toàn đối với thông tin về đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình và mọi người có quyền bí mật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác. Không ai được bóc, mở, kiểm soát, thu giữ trái luật thư tín, điện thoại, điện tín và các hình thức trao đổi thông tin riêng tư của người khác. “Tuy nhiên, về bảo vệ thông tin cá nhân dự thảo còn quy định chung chung, chưa rõ ràng. Trong khi đó, dự thảo lại quy định cá nhân có trách nhiệm tự bảo vệ thông tin cá nhân của mình. Nếu quy định như vậy thì làm sao có thể tất cả cá nhân đều hiểu biết hết về công nghệ thông tin để tự bảo vệ được thông tin cá nhân của mình trên mạng!” - ĐB Thúy băn khoăn.

Bà Thúy đề nghị ban soạn thảo bổ sung chặt chẽ hơn các quy định về bảo vệ thông tin cá nhân trên mạng. Quy định rõ hơn các hành vi bị nghiêm cấm, cũng như chế tài xử lý vi phạm để luật đi vào cuộc sống dễ thực hiện và khả thi hơn.

Mặt khác, theo ĐB Nguyễn Quốc Bình (Hà Nội), việc nói sai, xuyên tạc có dụng ý hay không dụng ý trên mạng hiện nay đang phát triển rất mạnh, gây ra nhiều hậu quả. Trong đó làm xói mòn văn hóa cộng đồng, gây mất niềm tin vào xã hội. Gốc của vấn đề là chưa có một luật nào ghi rõ trách nhiệm về vấn đề này. “Do vậy, tôi đề nghị bổ sung nguyên tắc số một là cá nhân, tổ chức khi tham gia cung cấp thông tin phải có trách nhiệm với các thông tin mà mình cung cấp, chống thoái thác trách nhiệm” - ĐB Bình đề xuất.

Bảo vệ cách nào?

Thực tế đọc toàn bộ dự thảo luật nhiều người vẫn chưa hiểu, chưa thấy cuối cùng thông tin họ cần bảo vệ thì sẽ được bảo vệ bằng cách nào và tại sao làm như thế thì an toàn. Đơn cử một vấn đề rất thời sự là bảo vệ thông tin cá nhân, luật có năm điều tập trung vào các thông tin cá nhân trên mạng... nhưng chưa nêu rõ được cách đảm bảo an toàn, tránh rủi ro cụ thể như thế nào.

ĐB NGUYỄN PHI THƯỜNG, Hà Nội

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm