Luật PPP dường như mới chỉ chú trọng BOT giao thông

(PLO)- Dư nợ các dự án PPP giao thông là khoảng 114 ngàn tỉ đồng, chiếm hơn 1% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 13-7, Liên đoàn Công nghiệp và Thương mại Việt Nam (VCCI) tổ chức hội thảo “Tháo gỡ rào cản chính sách để thực hiện tốt Luật PPP”.

Trình bày báo cáo, ông Nguyễn Minh Đức, Ban Pháp chế VCCI dẫn ra dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông để minh họa cho những vấn đề về các vướng mắc trong thực hiện Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công – tư (Luật PPP). Dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông là một trong các dự án đang lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện.

Lúc đầu PPP lúc sau quay về đầu tư công

Đây là dự án nằm trong số 3 dự án chuẩn bị đầu tư, 12 dự án đang lựa chọn nhà đầu tư của Bộ GTVT. Hiện nay, dự án cao tốc Bắc – Nam phía Đông đã phải chuyển từ PPP sang đầu tư công khi nhà nước đưa ra phương án hấp dẫn mà vẫn không thu hút được nhà đầu tư tư nhân.

“Nguyên nhân là các doanh nghiệp có năng lực không còn hào hứng bởi họ hầu như không thể tiếp cận được vốn tín dụng” - ông Đức cho hay.

Theo ông Đức, hiện các dự án PPP giao thông chiếm dư nợ khoảng 114 ngàn tỉ đồng, bằng hơn 1% tổng dư nợ tín dụng toàn hệ thống. Nợ xấu của tín dụng giao thông đến cuối năm 2021 là 7,4 ngàn tỉ , tương đương tỉ lệ 6,5%, cao hơn nhiều so với nợ xấu trung bình hệ thống cùng thời điểm là 1,5%.

“PPP giao thông trở thành lĩnh vực rủi ro tín dụng cao” - ông Đức nhận định.

Một vấn đề khác liên quan đến các dự án BOT giao thông là “vòng đời” của dự án thường kéo dài 20-30 năm, nhưng các dự án này cũng bị các chính sách vay vốn siết. Như vậy, hai yếu tố nói trên khiến cho tư nhân khó vay vốn để làm dự án PPP.

VCCI dẫn số liệu từ Bộ GTVT cho hay, bộ này hiện đang quản lý 72 dự án và 139 nhà đầu tư PPP. Trong số các dự án đang triển khai thì có 49 dự án có doanh thu thấp hơn dự kiến, 4 dự án chưa được thu phí hoặc phải dừng thu một trạm, nhiều dự án chỉ thu được 13-15% dự toán. Doanh thu trung bình chỉ khoảng 50-80% dự toán.

Đó cũng là lý do khiến các dự án PPP phải quay về phương thức đầu tư công.

Hội thảo tháo gỡ vướng mắc luật PPP do VCCI tổ chức ngày 13-7. Ảnh: TIẾN HUY

Hội thảo tháo gỡ vướng mắc luật PPP do VCCI tổ chức ngày 13-7. Ảnh: TIẾN HUY

“Nếu so sánh với các lĩnh vực PPP khác như môi trường, hạ tầng đô thị… thì PPP giao thông có lợi thế về nhân lực, kinh nghiệm quản lý dự án. Bên cạnh đó là cơ sở pháp lý thực hiện và các tài liệu cũng được chuẩn bị bài bản hơn nhưng hiện nay lại không được sử dụng” - ông Đức nói.

Luật PPP còn đơn giản, không bao quát hết được các hình thức đầu tư

Ông Dương Đăng Huệ, cố vấn pháp lý của Hiệp hội Các nhà đầu tư công trình giao thông đường bộ (VARSI) nhận định: “Hình như từ khi có Luật PPP, các dự án ngày càng teo lại”.

Ông Huệ đưa ra nhận định cá nhân và đoán định rằng có thể PPP là lĩnh vực phức tạp nhưng Luật PPP lại quá đơn giản, không bao quát hết được các vấn đề.

Ông Huệ dẫn ra 5 hình thức phổ biến trong phương thức đầu tư PPP và lưu ý rằng luật PPP chỉ có 11 điều nhưng chủ yếu tập trung vào BOT và bỏ sót nhiều vấn đề khác.

“Như thế ai dám đầu tư? Nhà đầu tư muốn vào cũng không đủ cơ sở pháp lý tham gia” - ông Huệ nêu vấn đề.

Ông Huệ còn cho rằng không chỉ luật PPP mà ngay cả Nghị định và Thông tư hướng dẫn cũng mờ nhạt khiến cho pháp luật về PPP khó đi vào cuộc sống.

“Sự nghèo nàn của pháp luật đã cản trở chính sách. Chừng nào chưa sửa Luật, Nghị định và các văn bản liên quan để tạo sự đồng bộ như Luật Xây dựng, Luật Đầu tư công, Luật Kinh doanh… thì không thể áp dụng được” - ông Huệ nhận xét.

Ông cũng đề cập đến sự bất bình đẳng giữa nhà nước và tư nhân trong các hợp đồng PPP và nhận xét là “tư nhân không có vai trò gì”.

Còn ông Nguyễn Trọng Hiệp - công ty Luật HPVN dẫn ra điều 70 luật PPP để nói về giải ngân.

Trong đó, ông Hiệp cho rằng Nhà nước cần thực hiện nghĩa vụ cơ bản của mình là giải ngân đúng tiến độ. Tuy thế, pháp luật hiện vẫn chưa có chế tài cụ thể nếu nhà nước không thực hiện trách nhiệm, nghĩa vụ của mình.

Vì vậy, quyền lợi các bên không được bảo đảm, các doanh nghiệp và nhà đầu tư gặp bất lợi khi thực hiện các dự án PPP.

Còn với quy định hiện hành, theo ông Hiệp, mới chỉ có quy định về “cơ quan ký kết hợp đồng dự án” PPP. Cụ thể ở đây là cơ quan của nhà nước. Mà cũng chỉ có cơ quan nhà nước mới có quyền yêu cầu Kiểm toán nhà nước vào kiểm toán dự án PPP chứ nhà đầu tư đối tác lại không có quyền này.

“Nhà nước chiếm ưu thế trong mối quan hệ với doanh nghiệp” - ông Hiệp nói về tương quan giữa nhà nước và nhà đầu tư trong thực hiện dự án PPP.

Hoàn thiện pháp lý cho hình thức O&M

Theo VCCI, nhu cầu vốn đầu tư hạ tầng rất lớn, đến năm 2025 cần 78 ngàn tỉ/năm, giai đoạn 2026-2030 cần 102 ngàn tỉ/năm.

Bên cạnh kiến nghị hoàn thiện các văn bản dưới luật để hướng dẫn luật PPP, các chuyên gia và VCCI còn đề nghị tháo gỡ các khó khăn liên quan đến tín dụng cho các dự án PPP.

Chẳng hạn cần phân loại từng dự án PPP, cần thông tư về cơ cấu lại nợ với các dự án BOT giao thông như các thông tư của NHNN dành cho các đối tượng gặp khó khăn do COVID-19. Các NHTM cũng cần chủ động giám sát doanh thu để giảm thiểu rủi ro tín dụng cho khách hàng đã có nợ xấu từ các dự án BOT trước đó.

Còn với cao tốc Bắc – Nam hiện đã chuyển sang đầu tư công, VCCI kiến nghị hoàn thiện quy định pháp luật về O&M (hình thức hợp đồng kinh doanh, bảo trì để nhiều doanh nghiệp có thể tham gia.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm