Việt Nam lắm tỉ phú nhưng 8 dự án PPP thì không ai đầu tư

Sáng 6-1, đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) TP.HCM đã tiếp tục phiên thảo luận tổ trong khuôn khổ của kỳ họp bất thường, QH khoá XV.

Tại phiên thảo luận, ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, bày tỏ quan tâm về việc chuyển sang hình thức đầu tư công để thực hiện dự án cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 – 2025.

dbqh-tphcm-dau-tu-ppp

ĐB Trương Trọng Nghĩa, Phó Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM, nêu ý kiến về việc đầu tư PPP. Ảnh: NGÂN NGA

ĐB Nghĩa đặt vấn đề: “Phải chăng chúng ta đã thất bại trong việc kêu gọi đầu tư theo phương thức PPP?”. Theo ĐB Nghĩa, cần rà soát và kiểm điểm lại vì sao các dự án PPP ít được nhà đầu tư hưởng ứng trong khi vốn nhàn rỗi của các tập đoàn doanh nghiệp rất nhiều.

“Vừa rồi, đấu giá đất Thủ Thiêm, sao người ta đổ vốn vào giá đất cao như thế, cao ngút trời nhưng lại không đổ vốn vào cao tốc Bắc – Nam” – ĐB Nghĩa nói và nhìn nhận các nhà đầu tư trong nước không mặn mà với dự án này dù không thiếu tiền.

Lý giải nguyên nhân của việc này, ĐB Nghĩa cho rằng các văn bản dưới luật và cách tổ chức thực hiện dự án PPP chưa bảo vệ tốt nhà đầu tư. Chẳng hạn có trường hợp trạm thu phí nhẽ ra phải đặt chỗ này nhưng lại đặt chỗ kia, gây phản ứng và sau đó giải quyết phản ứng không tốt, ảnh hưởng đến nhà đầu tư.

“Người ta không mặn mòi với PPP nữa là do khâu tổ chức thực hiện, quản lý nhà nước của các bộ mà trước hết là Bộ Giao thông vận tải và chính quyền địa phương” – ĐB Nghĩa nêu.

Theo ĐB Trương Trọng Nghĩa, phương thức PPP vốn rất tiến bộ, Việt Nam đã học từ các nước và không quốc gia nào đủ vốn đề đầu tư công 100%. Để thu hút nhà đầu tư tư nhân vào dự án PPP, ngoài giải quyết việc thiếu vốn thì còn nâng cao hiệu quả, chất lượng dự án.

ĐB Nghĩa cho rằng Việt Nam có nhiều đại gia, tỉ phú nhưng 8 dự án PPP thì không có ai đầu tư vào. “Đề nghị Chính phủ kiểm điểm lại chỗ này chứ không phải đổ hết qua đầu tư công” – ông nhấn mạnh và nhìn nhận nguyên nhân của việc này là chủ quan từ cách quản lý nhà nước, chính sách chưa thoả đáng.

Ông Nghĩa tiếp lời: “Khi nào bất lực, không còn cách nào khác để thu hút đầu tư PPP nữa thì mới chuyển qua đầu tư công vì đầu tư công là tăng gánh nặng ngân sách, tăng nợ công và nhiều hệ lụy nữa”.

dbqh-tphcm-dau-tu-ppp

ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, góp ý về cách thu hút nhà đầu tư PPP. Ảnh: NGÂN NGA

Liên quan đến việc này, ĐB Văn Thị Bạch Tuyết, Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn ĐBQH TP.HCM, cũng cho rằng Chính phủ cần rà soát lại các quy định hiện hành, đánh giá xem tại sao nhà đầu tư không có hứng thú với các dự án PPP; do suy thoái kinh tế, do dịch bệnh hay yếu tố khác.

Theo ĐB Tuyết, các nhà đầu tư cho rằng quy định pháp luật liên quan đến PPP của nhà nước ta hay thay đổi, không đảm bảo an toàn cho họ.

“Mình muốn sử dụng tiền của người ta để làm dự án cho mình nhưng mình sợ người ta có lời nhiều. Phải phấp nhận phương án có lời thì họ mới đầu tư trong khi các lợi ích về kinh tế, dân sinh thì nhà nước ta đã hưởng trước khi họ thu hồi vốn rồi” – ĐB Tuyết đặt vấn đề và cho rằng cơ chế phải đủ sức hấp dẫn với nhà đầu tư để trong điều kiện vốn khó khăn thì nhà nước mới có thêm nguồn lực đầu tư, phát triển hạ tầng.

Có 'trào lưu' về việc xin cơ chế đặc thù của các tỉnh

Về cơ chế, chính sách đặc thù phát triển TP Cần Thơ, ĐB Trương Trọng Nghĩa nhất trí. Tuy nhiên ông nhìn nhận hiện đang có ‘trào lưu’ về việc xin cơ chế đặc thù của các tỉnh.

ĐB Nghĩa cho rằng nếu làm như hiện nay, sắp tới sẽ có 10-20 tỉnh kiến nghị cơ chế đặc thù bởi trong 63 tỉnh, thành thì không tỉnh nào giống tỉnh nào.

Theo ông, vấn đề là ở chính sách, thể chế chung chưa hợp lý nên mới phát sinh việc này. Còn rõ ràng Hà Nội và TP.HCM là hai đô thị đặc biệt nên phải có chính sách đặc thù vì quy mô dân số, vị trí, vai trò đặc thù.

“Chính phủ cần nghiên cứu sâu sắc, mau chóng tổng kết. Cái gì thể chế hoá được, áp dụng chung được thì nên làm để các tỉnh, thành không phải đi theo con đường cơ chế đặc thù nữa” – ĐB Nghĩa đề nghị và cho biết riêng Cần Thơ là thủ phủ của miền Tây, cũng có những đặc trưng mà nếu trước mắt được tháo gỡ ngay sẽ thúc đẩy Cần Thơ phát triển. 

Đừng bỏ lỡ

Trung ương thống nhất cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố

Trung ương thống nhất cả nước còn 28 tỉnh và 6 thành phố

(PLO)- Tổng Bí thư Tô Lâm cho biết Trung ương thống nhất cao các chủ trương về tổ chức chính quyền địa phương 2 cấp là cấp tỉnh (tỉnh, TP trực thuộc Trung ương), cấp xã (xã, phường, đặc khu trực thuộc tỉnh, TP); số lượng đơn vị hành chính cấp tỉnh sau sáp nhập là 34 tỉnh, TP...

Đọc thêm

Cùng chung chí hướng, chung tay tiến lên phía trước - Kế thừa quá khứ, viết tiếp trang mới tương lai

Cùng chung chí hướng, chung tay tiến lên phía trước - Kế thừa quá khứ, viết tiếp trang mới tương lai

(PLO)- Trước thềm chuyến thăm cấp Nhà nước đến Việt Nam từ ngày 14 đến 15/4/2025, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc, Chủ tịch nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa TẬP CẬN BÌNH đã gửi bài đăng trên Báo Nhân Dân. Xin trân trọng giới thiệu với bạn đọc nội dung bài viết.

Hội nghị Trung ương 11: Quyết sách lớn với tầm nhìn trăm năm để ổn định, phát triển

Hội nghị Trung ương 11: Quyết sách lớn với tầm nhìn trăm năm để ổn định, phát triển

(PLO)- "Tất cả cho thấy sự xuất hiện rõ nét của một tư duy phát triển có tính hệ thống, kiến tạo và dài hạn. Thể chế không còn được xem là công cụ kiểm soát đơn thuần, mà là nền tảng để khơi thông nguồn lực, kích hoạt sáng tạo và bảo đảm phát triển công bằng, bền vững" - TS Nguyễn Sĩ Dũng.