Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM: Lãi suất cho sinh viên vay đang rất cao

Chiều 4-1, tại phiên thảo luận tổ của kỳ họp bất thường, Quốc hội (QH) khoá XV về dự thảo Nghị quyết về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ triển khai Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, đại biểu (ĐB) Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM, đã bày tỏ quan tâm đến việc cho HSSV  vay vốn.

db-vu-hai-quan-cho-sv-vay-von

ĐBQH Vũ Hải Quân, Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM phát biểu tại thảo luận tổ. Ảnh: LÊ THOA

Theo ĐB Quân, việc dành 3.000 tỉ đồng cho học sinh, sinh viên vay là chính sách rất quan trọng. Qua khảo sát của ĐH Quốc gia TP.HCM, đại dịch COVID-19 tác động rất sâu rộng tới đời sống và thu nhập của người dân với gần 60% gia đình của các sinh viên bị mất ít nhất một nguồn thu nhập. Do đó, nhu cầu vay vốn của HSSV để mua máy tính, trang trải chi phí học tập là lớn.

Tuy nhiên, chính sách cho vay đối với các đối tượng này hiện có 5 hạn chế: Đối tượng vay hạn chế; định mức vay thấp với 2,5 triệu đồng/tháng/người nên chưa đáp ứng được nhu cầu trong khi học phí gia tăng; thời gian vay vốn ngắn, tối đa 10 năm, so với một số nước lân cận là trên 20 năm; thủ tục vay còn phức tạp, sinh viên chưa được trực tiếp vay mà vẫn phải thông qua phụ huynh; lãi suất cho vay cao so với sinh viên  (6,6%/năm), so với lãi suất trồng rừng là 1,2%/năm.

Giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM đề nghị Chính phủ sớm xem xét, sửa đổi, cập nhật để HSSV khó khăn được tiếp cận với gói vay này.

Về gói hơn 3.000 tỉ đồng để đầu tư mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa, bảo hộ xã hội, đào tạo nghề, ông Quân cho rằng sẽ dùng sửa chữa trường học. Tuy nhiên nhìn nhận hiệu quả của các trường đào tạo nghề không chỉ nằm ở chỗ cơ sở vật chất mà liên quan đến việc thu hút học sinh học nghề, nâng cao chất lượng giảng dạy chương trình nghề thông qua đội ngũ giáo viên.

Đối với gói 5.000 tỉ đồng phát triển hạ tầng viễn thông, trong đó có 1.000 tỉ đồng để mua máy tính bảng cho khoảng 400.000 học sinh, ĐB Quân cho rằng việc này là rất cần thiết nhưng cần cam kết rằng các thiết bị này phải có sẵn và truy cập được internet.  

“Nếu chúng ta mua cho các em vùng sâu vùng xa, khó khăn nhưng lại không đảm bảo đường truyền internet cho các em học thì chưa đến đích” – ĐB Quân nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm