Theo quy định hiện hành, luật sư có nghĩa vụ giữ bí mật thông tin của khách hàng khi thực hiện dịch vụ pháp lý và cả khi đã kết thúc dịch vụ đó, trừ trường hợp được khách hàng đồng ý hoặc theo quy định của pháp luật.
Tuy nhiên, nếu bí mật thông tin của khách hàng là một tội ác mà khách hàng đang chuẩn bị thực hiện, đã thực hiện, đã tham gia thực hiện thì BLHS hiện hành và các văn bản pháp luật liên quan lại đều không có quy định loại trừ trách nhiệm hình sự của luật sư trong trường hợp này.
Luật sư giữ bí mật cho thân chủ hay tố giác tội phạm theo quy định là hợp lý? Ảnh minh họa
Nay, Bộ luật Hình sự (sửa đổi) lần này đã bổ sung quy định người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện. Cụ thể:
Điều 19. Không tố giác tội phạm (sửa đổi) (dự thảo BLHS)
1. Người nào biết rõ tội phạm đang được chuẩn bị, đang được thực hiện hoặc đã được thực hiện mà không tố giác, thì phải chịu trách nhiệm hình sự về tội không tố giác tội phạm trong những trường hợp quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
2. Người không tố giác là ông, bà, cha, mẹ, con, cháu, anh chị em ruột, vợ hoặc chồng của người phạm tội không phải chịu trách nhiệm theo quy định tại khoản 1 Điều này trừ trường hợp không tố giác các tội xâm phạm an ninh quốc gia hoặc các tội đặc biệt nghiêm trọng khác quy định tại Điều 402 của Bộ luật này.
3. Người bào chữa không phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp không tố giác tội phạm do chính người mà mình bào chữa đã thực hiện hoặc đã tham gia thực hiện.
Đã có nhiều ý kiến về việc nên hay không nên vì đây là vấn đề hết sức nhạy cảm. Hiện đang có 2 luồng ý kiến trái chiều về khoản 3 Điều này. Luồng ý kiến thứ nhất cho rằng nhiệm vụ chính của luật sư là bảo vệ pháp chế, luật sư cũng đồng thời là một công dân nên luật sư cũng có trách nhiệm tố giác tội phạm như các công dân khác. Do đó không nên loại trừ trách nhiệm hình sự đối với luật sư trong trường hợp này.
“Không nên mượn 2 chữ đặc thù để trốn tránh nghĩa vụ công dân của luật sư. Đạo đức phải được hiểu ở nghĩa rộng hơn, đạo đức phải hướng tới thượng tôn pháp luật, phục vụ lợi ích quốc gia dân tộc... Xét đến cùng, buộc tội hay gỡ tội đều hướng tới một mục tiêu chung là tìm ra sự thật vụ án, để áp dụng cho đúng luật = đúng người đúng tội, đúng pháp luật, đó là mục tiêu mà mọi người kể cả luật sư đều phải có nghĩa vụ thực hiện. Nếu loại trừ trách nhiệm hình sự đối với luật sư, sẽ tạo nguyên nhân điều kiện để luật sư tiếp tay cho tội phạm, trở thành tội phạm. Tóm lại nghề nào cũng đặc thù cả không riêng gì luật sư. Xây dựng xã hội tốt đẹp là nghĩa vụ của toàn dân” bạn đọc Trần Liễu nêu ý kiến.
Tuy nhiên, luồng ý kiến thứ hai lại cho rằng đây là một quy định tiến bộ, tương tự như ở các nước phát triển khác trên thế giới. Loại trừ trách nhiệm với luật sư là cần thiết bởi nội dung này “gắn bó” mật thiết với nghề nghiệp của họ, hơn nữa nghĩa vụ chứng minh tôi phạm là thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng. Đã là người bào chữa cho thân chủ mà còn thêm nghĩa vụ phải tố cáo hành vi thân chủ thì về mặt đạo lý không ổn, đạo đức nghề nghiệp không đảm bảo và có khả năng không ai còn dám thuê luật sư nữa.
Ý kiến của bạn về vấn đề này ra sao?
Chúng tôi hoan nghênh mọi ý kiến góp ý của bạn đọc để cùng góp phần xây dựng hệ thống pháp luật ngày một tiến bộ, hợp lý và nhân văn hơn. Mọi ý kiến xin gửi về mục Bạn đọc bình luận ở bên dưới bài.