Liên đoàn Luật sư Việt Nam (LĐLSVN) rất vui mừng khi nhận được Văn bản số 37/TANDTC-PC ngày 1-4-2016 của TAND Tối cao đề nghị góp ý kiến về mô hình phòng xử án thông thường và đối với người dưới 18 tuổi. Đây là sự tiếp nối tinh thần phối hợp, tham khảo ý kiến lẫn nhau trong quá trình hoàn thiện các quy định liên quan đảm bảo quyền bào chữa và quyền hành nghề của LS trong xét xử các vụ án hình sự thời gian qua.
Buộc tội và gỡ tội phải bình đẳng
Về phần mình, LĐLSVN đã tập hợp ý kiến của đông đảo giới LS cả nước, dựa trên kết quả nghiên cứu các mô hình tố tụng hình sự trên thế giới, khảo sát trực tiếp phòng xử án của một số quốc gia như Hoa Kỳ, Canada, Đức, Nhật Bản, Trung Quốc… Có thể nhận thấy điểm chung của các mô hình tố tụng hình sự khác nhau trên thế giới chính là cách bố trí phòng xử án, nơi hội tụ của khả năng tiếp cận với công lý thông qua cách bố trí bình đẳng vị trí chỗ ngồi giữa LS và công tố viên.
Về mặt lịch sử, ông Ngô Cường, Vụ trưởng Vụ Hợp tác quốc tế TAND Tối cao, cho biết ngay từ năm 1965 TAND Tối cao đã bố trí và thiết kế phòng xử án thể hiện vị trí ngồi giữa bên buộc tội và bên gỡ tội ngang bằng nhau. Điều này thể hiện qua sơ đồ phòng xử án đăng trên tập san Tư Pháp số 9-1965.
Trong quá trình sửa đổi, bổ sung BLTTHS 2003, LĐLSVN đã có nhiều văn bản gửi đến Quốc hội, TAND Tối cao, VKSND Tối cao, ban soạn thảo và cơ quan thẩm định đề nghị xem xét lại nội dung dự thảo điều luật quy định về phòng xử án. Theo đó, bố trí chỗ ngồi của kiểm sát viên và người bào chữa ngang bằng nhau, thể hiện sự bình đẳng giữa đại diện VKS thực hiện chức năng buộc tội và người bào chữa thực hiện chức năng bào chữa. Đồng thời, thiết lập cơ chế bảo đảm phán quyết của tòa án phải xuất phát từ kết quả tranh tụng dân chủ tại phiên tòa.
Phù hợp với Hiến pháp 2013
Từ những đề xuất nêu trên, dựa trên thực tế một số tòa án địa phương như Đà Nẵng, Bình Dương (hai địa phương đã thiết kế vị trí ngồi giữa kiểm sát viên và LS ngang bằng nhau), TAND Tối cao đã chính thức kiến nghị và được Quốc hội thông qua BLTTHS 2015.
Theo đó, Điều 257 BLTTHS 2015 quy định: “1. Phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, đảm bảo sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác; 2. Chánh án TAND Tối cao quy định chi tiết điều này”.
Tinh thần của điều luật thể hiện không chỉ là vấn đề thay đổi vị trí ngồi một cách cơ học mà phù hợp với tinh thần của Hiến pháp 2013 ghi nhận nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo (khoản 5 Điều 103). Điều này cũng phù hợp với chủ trương cải cách tư pháp của Đảng thể hiện trong Nghị quyết số 08/2002 và Nghị quyết số 49/2005 của Bộ Chính trị.
Từ lâu, TAND TP Đà Nẵng đã bố trí phòng xử án hình sự để LS và kiểm sát viên ngồi ngang hàng nhau. Ảnh: Dương Hằng
Mô hình do LĐLSVN đề xuất
Hiện nay LĐLSVN đã tổng hợp ý kiến mới nhất từ phía các ủy viên Ban Thường vụ và thống nhất đề nghị với chánh án TAND Tối cao xem xét thiết kế phòng xử án dựa trên nhận thức và bố trí cụ thể như sau:
Thứ nhất, xuất phát từ nguyên tắc phán quyết của HĐXX nhân danh Nhà nước và phải căn cứ từ kết quả tranh tụng tại phiên tòa, do chủ tọa phiên tòa là người điều khiển phiên tòa, HĐXX là trung tâm của hoạt động cải cách tư pháp nên vị trí bàn của HĐXX phải là vị trí trọng tâm. Vị trí này có thể quan sát mọi chi tiết, diễn biến phiên tòa, lắng nghe đầy đủ câu hỏi, câu trả lời và nội dung trình bày của những người tham gia tố tụng, quan điểm tranh tụng của buộc tội và gỡ tội. Từ đó, HĐXX xác định sự thật khách quan để đưa ra phán quyết được chính xác, có căn cứ và đúng pháp luật.
Do đó, vị trí đặt bàn của HĐXX phải cao hơn vị trí bàn của các chủ thể khác, ở chính giữa căn phòng và sau lưng phía trên là quốc huy. Vị trí chỗ ngồi của các thành phần khác tham gia phiên tòa cùng mặt bằng, sàn thấp hơn sàn vị trí của HĐXX.
Thứ hai, thư ký phiên tòa có chức năng trợ giúp hoạt động xét xử, ghi chép trung thực mọi chi tiết trong diễn biến phiên tòa, đặc biệt là ghi đầy đủ, trung thực các câu hỏi và trả lời trong phần xét hỏi, tiếp nhận và thực hiện các yêu cầu cụ thể của HĐXX. Vì vậy, vị trí ngồi của thư ký nên kê chính giữa, phía trước bàn của HĐXX, mặt hướng về bị cáo và các thành phần tham gia tố tụng khác.
Thứ ba, theo yêu cầu của cải cách tư pháp và nguyên tắc tranh tụng trong xét xử được đảm bảo, vị trí ngồi của kiểm sát viên và người bào chữa cần thể hiện sự bình đẳng, bàn ngồi đối diện nhau theo hướng: Khu vực phía trước, bên phải HĐXX là chỗ ngồi của kiểm sát viên thực hành quyền công tố; khu vực phía trước, bên trái HĐXX là chỗ ngồi của người bào chữa (cần đủ diện tích để chủ động đáp ứng chỗ ngồi theo số lượng LS tham gia trong từng phiên tòa cụ thể). Về chỗ ngồi của giám định viên, người phiên dịch dự kiến được bố trí ở bục liền kề gần chỗ ngồi của kiểm sát viên.
Thứ tư, vị trí khai báo của bị cáo, cần thay vành móng ngựa hiện hành bằng một chiếc bàn dài ở chính giữa, mặt đối diện với bàn của HĐXX và thư ký tòa án để bị cáo khi trình bày có thể được sử dụng tài liệu, chứng cứ chứng minh lời khai của mình. Trong trường hợp một số vụ án các bị cáo phạm tội nghiêm trọng, đặc biệt nghiêm trọng, cần bố trí lực lượng cảnh sát tư pháp hỗ trợ ngay phía sau vị trí khai báo của bị cáo.
Thứ năm, về bàn khai báo của những người tham gia tố tụng khác, vị trí đặt ngay liền kề với bàn của người bào chữa. Ngoài ra, để đảm bảo trật tự phiên tòa cũng như bảo vệ an toàn trong quá trình xét xử, đồng thời là hàng rào ngăn cách bị cáo với những người tham gia tố tụng khác, người tham gia phiên tòa để hạn chế, loại trừ xung đột tại phiên tòa có thể xảy ra, cảnh sát bảo vệ và hỗ trợ tư pháp ngồi xen kẽ giữa các bị cáo và những dãy ghế phía sau bàn khai báo của bị cáo. Dưới cùng là dãy ghế dành cho những người tham dự phiên tòa hoặc thân nhân của bị cáo, các chủ thể tham gia tố tụng khác.