Ngày 1-4, chánh án TAND Tối cao có công văn hỏa tốc về việc triển khai thực hiện mô hình phòng xử án theo quy định của BLTTHS 2015. Trong công văn, chánh án TAND Tối cao yêu cầu chánh án TAND và chánh án Tòa án Quân sự khẩn trương triển khai thực hiện nghiêm túc, bảo đảm hoạt động xét xử của tòa án. Ý kiến góp ý về mô hình phòng xử án đề nghị gửi về TAND Tối cao (thông qua Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học). Chánh án TAND và chánh án Tòa án Quân sự phải chỉ đạo các đơn vị chức năng chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc triển khai các mô hình phòng xử án trên thực tế, bảo đảm tiết kiệm và đúng quy định pháp luật.
Ảnh 1:Mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự thông thường.Ảnh 2:Mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi. Đồ họa: T. HOAN
Theo quy định tại Điều 257 BLTTHS 2015 (có hiệu lực từ ngày 1-7-2016), phòng xử án phải được bố trí thể hiện sự trang nghiêm, an toàn, bảo đảm sự bình đẳng giữa người thực hành quyền công tố và luật sư, người bào chữa khác.
Nhằm thực hiện có hiệu quả các quy định trên, thời gian qua, TAND Tối cao đã nghiên cứu, xây dựng mô hình phòng xử án đối với vụ án thông thường và mô hình đối với vụ án người dưới 18 tuổi.
Theo đó, mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự thông thường (ảnh 1) như sau: HĐXX ngồi trên bục cao nhất; thư ký phiên tòa ngồi dưới một cấp, quay lưng vào HĐXX; đại diện VKS và luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho bị cáo, các đương sự ngồi đối diện nhau và ở phía dưới HĐXX; thấp hơn nữa là vị trí của những người tham gia tố tụng, người tham dự phiên tòa.
Mô hình phòng xử án đối với vụ án hình sự có bị cáo là người dưới 18 tuổi (ảnh 2) như sau: Tất cả người tiến hành tố tụng và tham gia tố tụng đều ngồi trên một mặt phẳng. HĐXX ngồi ở giữa; đại diện VKS ngồi ở bên phải HĐXX; người giám hộ, người dưới 18 tuổi, luật sư bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người dưới 18 tuổi ngồi đối diện với HĐXX.