Luật sư - người góp phần bảo vệ công lý

Luật sư - người góp phần bảo vệ công lý

(PLO)- Trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, đòi hỏi luật sư phải hướng tới mục đích bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN…

Sự ra đời, tồn tại và phát triển của nghề luật sư (LS) gắn liền với nhu cầu cần được bảo vệ và mong muốn được “chở che” của con người, nhất là nhóm người yếu thế, vì thế nghề LS là một nghề rất nhân bản và cao quý trong xã hội.

Góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp (Trường ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM) cho biết: Không một nền tư pháp tiên tiến nào trên thế giới không có sự đóng góp một phần quan trọng của LS. Với tư cách là người bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức, LS góp phần làm minh bạch tiến trình tố tụng, từ đó giảm thiểu các vụ án oan, sai, bảo vệ tốt nhất quyền lợi của khách hàng trên cơ sở các quy định của pháp luật.

Thiên chức và luật định

Với gần 20 năm trong nghề, tôi luôn kỳ vọng về nghề LS cũng như đội ngũ LS TP.HCM và Việt Nam nói chung phải hành nghề đúng với thiên chức và luật định.

Thiên chức là quy định bất thành văn và mang tính tinh thần khi phải trung thực, công bằng, có chính kiến, lấy quyền và lợi ích chính đáng của thân chủ làm tiêu chí hướng đến. Luật định cho nghề LS với các quyền, nghĩa vụ cụ thể trong từng trường hợp để tạo ra hành động, ứng xử và hoạt động đúng đắn. Hài hòa giữa thiên chức và luật định đòi hỏi LS phải có bản lĩnh, phải tích lũy đủ kiến thức, nghiệp vụ để tạo chỗ dựa xứng đáng cho thân chủ và nhận được sự tôn trọng của các cơ quan chức năng và xã hội.

LS NGUYỄN THÀNH CÔNG,

Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM

“Với vai trò tư vấn pháp luật, LS cũng góp phần quan trọng vào việc tăng cường nhận thức pháp lý của người dân, từ đó hạn chế phần nào các tranh chấp xảy ra trong xã hội, góp phần tiết kiệm các chi phí và nguồn lực xã hội cần phải bỏ ra để giải quyết các tranh chấp này” - PGS-TS Diệp nhận xét.

PGS-TS Vũ Văn Nhiêm, Chủ tịch Hội đồng trường Trường ĐH Luật TP.HCM, thì cho rằng hoạt động của LS góp phần cùng với tòa án bảo vệ công lý. Vì thế, LS phải luôn độc lập, khách quan, tôn trọng sự thật với tinh thần “phụng công, thủ pháp, chí công vô tư”.

Theo PGS-TS Nhiêm, trong công cuộc xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN, xây dựng một xã hội thượng tôn pháp luật, đòi hỏi vai trò của LS phải hướng tới mục đích bảo vệ quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ XHCN, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức, cá nhân với sự tận tâm và trách nhiệm. “Để làm được điều này, LS cần không ngừng học hỏi, tu dưỡng, rèn luyện, giữ gìn phẩm chất đạo đức, thấm nhuần triết lý “dĩ công vi thượng”, luôn giữ cốt cách của người cầm cân nảy mực” - PGS-TS Nhiêm kỳ vọng.

“Định chế” khác nhau nhưng có cùng đích đến

PGS-TS Nhiêm cho rằng hoạt động của LS góp phần quan trọng cho nguyên tắc tranh tụng được vận hành và bảo đảm, bởi nếu không bảo đảm sự tương xứng và cần thiết giữa các bên thì không có tranh tụng đúng nghĩa. Điều này có nghĩa bản thân đội ngũ LS phải thường xuyên học tập để nâng cao trình độ. Đó không chỉ là đòi hỏi nội tại của hoạt động tranh tụng mà còn là mong muốn của xã hội đối với đội ngũ LS.

Theo PGS-TS Đoàn Thị Phương Diệp, sự tham gia của LS vào tiến trình tố tụng nói chung có tác dụng đặt ra một đối trọng trong thực thi thẩm quyền của các cơ quan tiến hành tố tụng, từ đó hạn chế sự tùy tiện trong công tác này, góp phần đảm bảo sự tôn trọng quyền của các chủ thể có liên quan.

Từ góc nhìn của người làm nghề xét xử, ông Phan Thanh Tùng, Chánh Tòa Dân sự TAND Cấp cao tại TP.HCM, nhấn mạnh đến vai trò của LS trong việc bảo vệ quyền lợi luật định của bị cáo (trong vụ án hình sự) và các đương sự (trong vụ án phi hình sự). Ông Tùng nhận xét trong thời gian qua, các LS đã làm tốt công việc của mình khi tham gia tố tụng tại tòa án.

Các luật sư tham gia bào chữa tại một phiên tòa ở TAND Cấp cao tại TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

Các luật sư tham gia bào chữa tại một phiên tòa ở TAND Cấp cao tại TP.HCM.
Ảnh: NGUYỆT NHI

“Ở góc nhìn nào đó, thẩm phán và LS có thể là những “định chế khác nhau” nhưng những “định chế” đó lại có cùng đích đến, đó là sự thật khách quan của từng vụ án” - ông Tùng nhận xét.

Theo ông Tùng, TAND Cấp cao tại TP.HCM là một trong những tòa án cấp phúc thẩm có số lượng án rất nhiều, là tòa án được giao xét xử nhiều vụ “đại án”. “Có rất nhiều yếu tố chi phối hoạt động của TAND Cấp cao tại TP.HCM, trong đó sự tham gia tố tụng nghiêm túc, đúng luật định của các LS là một yếu tố giúp cho việc xét xử đạt kết quả tốt, đảm bảo được quyền lợi của bị cáo, của đương sự” - ông Tùng cho hay.

Theo ông Tùng, bất cứ phiên tòa nào, về “nguyên tắc cứng”, thẩm phán xét xử chỉ đóng vai là “người điều khiển” để cho các bên tham gia tố tụng đưa ra các bằng chứng, nêu ra những lập luận bảo vệ quan điểm của mình (điển hình là những phiên tòa hình sự); đó là sự tranh tụng công khai, rõ ràng. “Trong bối cảnh đó, vai trò của các LS là nổi bật, góp phần quan trọng nâng cao chất lượng tranh tụng tại tòa” - ông Tùng nói.

Luật sư góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch

Trong công cuộc cải cách tư pháp hiện nay, đội ngũ LS có vai trò quan trọng trong việc hình thành nên môi trường pháp lý, bảo vệ công lý, công bằng, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức.

Thông qua hoạt động xét xử, LS và tòa án cũng đã thực hiện chức năng tuyên truyền, giáo dục pháp luật, nâng cao ý thức pháp luật trong nhân dân và góp phần xây dựng, hoàn thiện nhà nước pháp quyền XHCN.

Trong hoạt động tố tụng, sự có mặt của LS sẽ tăng cường tính tranh tụng, góp phần quan trọng trong việc xác định sự thật khách quan của vụ án, giúp cho HĐXX có những phán quyết nghiêm minh, công bằng, đúng pháp luật, góp phần bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho tổ chức và cá nhân.

Trong lĩnh vực tư vấn pháp luật, với kinh nghiệm và kỹ năng nghề nghiệp của mình, LS sẽ tư vấn pháp luật cho các cá nhân, tổ chức trong và ngoài nước, hướng dẫn khách hàng về những vấn đề có liên quan đến pháp luật và cách xử sự theo đúng pháp luật. Hoạt động tư vấn pháp luật của LS là một trong những yếu tố quan trọng góp phần tạo lập môi trường đầu tư, kinh doanh minh bạch, lành mạnh theo đúng pháp luật.

Ngoài ra, trong lĩnh vực xây dựng pháp luật, thông qua tổ chức xã hội nghề nghiệp của mình, LS đã tham gia góp ý kiến cho các dự án luật, góp phần xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật.

Cùng với thời gian, đội ngũ LS Việt Nam dần dần khẳng định rõ vị trí, vai trò của mình trong xã hội, tham gia tích cực trong việc bảo vệ pháp chế XHCN cũng như trong công cuộc xây dựng xã hội công bằng, dân chủ, văn minh ở Việt Nam.

Nhân Ngày truyền thống LS Việt Nam, kính chúc đội ngũ LS luôn luôn khỏe mạnh, thành công và không ngừng phát triển.

Ông LÊ THANH PHONG, Chánh án TAND TP.HCM

“Hiệp sĩ của công lý”

Xuất thân từ quan tòa, LS Phạm Công Hùng, nguyên thẩm phán TAND Tối cao, cho đến khi chuyển sang hành nghề LS, ông càng thấy nghề LS rất thú vị.

Hiện nay, pháp luật đã trao cho LS rất nhiều quyền để bảo vệ cho thân chủ, khách hàng của mình trong các vụ án. Đặc biệt là trong tố tụng hình sự, luật cho phép LS được quyền thu thập tài liệu, chứng cứ để chứng minh những tình tiết trong vụ án. “Chính vì lẽ đó, nếu LS làm tốt thì những chứng cứ này có giá trị tương đương như chứng cứ của cơ quan điều tra. Việc tự mình đi thu thập chứng cứ và bảo vệ cho thân chủ khiến tôi cảm thấy nghề LS là một nghề rất thú vị” - LS Phạm Công Hùng nói.

LS Nguyễn Thành Công (Ủy viên Ban chủ nhiệm Đoàn LS TP.HCM) cho rằng quyền lợi của thân chủ là yêu cầu phục vụ tối cao của người LS bên cạnh việc bảo vệ công lý, trên cơ sở pháp luật. Pháp luật quy định chuẩn mực để xử sự trong đời sống xã hội nên chế tài được đặt ra để xử lý các sai phạm so với chuẩn mực đó. Người LS là thành tố tạo nên sự bảo vệ đúng đắn nhất khi sử dụng nghiệp vụ tác động để pháp luật không nghiêm khắc tuyệt đối mà đảm bảo nguyên tắc “trong lý còn có tình”. LS góp phần mổ xẻ vụ án ở nhiều góc cạnh khác nhau để người phán xét (thẩm phán) có thể nhìn đa diện và đánh giá chính xác hơn khi phán quyết.

“Công lý là sự đúng đắn, chuẩn mực. Tuy nhiên, ở mỗi góc nhìn khác nhau thì sự vật, hiện tượng đó được quan sát ở chiều kích khác nhau. LS là người hướng sự nhìn nhận đó tiệm cận với sự đúng đắn nhất. Vì vậy, LS luôn mang trọng trách bảo vệ công lý và được xem như là một “hiệp sĩ công lý”” - LS Công bày tỏ.

Chia sẻ thêm, LS Công nói ông yêu nghề LS và vô cùng hài lòng vì sự chọn lựa của mình. Bởi theo ông, nghề này có nhiều điểm đặc biệt ở giá trị mang lại cho xã hội. Người LS là nhà tư vấn để hoạch định chương trình, kế hoạch hay phương án làm ăn, hợp đồng hợp tác của thân chủ.

“LS như là người bạn, người thân đối với các thân phận đang có vướng mắc pháp lý hay khó khăn trong công việc. Có thể xem LS như chỗ dựa mềm mại nhưng vững chắc để cá nhân, tổ chức có thể hóa giải được các khó khăn thực tế, mang lại sự an tâm, an toàn cho họ” - LS Công nói.

Giữ gìn phẩm giá người luật sư chân chính

Ngoài phục vụ nhu cầu trong nước, đội ngũ luật sư đủ sức tham gia “đấu trường” khu vực và quốc tế, phục vụ nhu cầu mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế của nước nhà.

Một chân vững chãi trong kiềng ba chân

Tôi đã tham gia Đoàn Luật sư (LS) TP.HCM từ ngày đầu thành lập - ngày 24-10-1989. Lúc đó, đoàn chỉ có 68 thành viên. Đến nay, Đoàn LS TP.HCM đã có gần 7.000 LS và gần 3.000 LS tập sự.

Sau hơn 30 năm hành nghề, tôi rất phấn khởi và tự hào trước sự phát triển vượt bậc của đội ngũ LS TP.HCM cả về số lượng, chất lượng, vai trò và vị thế ngày càng được nâng cao, xây dựng được niềm tin của người dân, tổ chức và doanh nghiệp. Hoạt động hành nghề LS đã được Đảng, Nhà nước đánh giá cao trong việc góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của người dân, phát triển kinh tế và xây dựng nhà nước pháp quyền XHCN dân chủ, công bằng, văn minh. Nguyên Chủ tịch nước Trương Tấn Sang khi phát biểu chỉ đạo về công tác cải cách tư pháp đã ví “tòa án, kiểm sát và LS như kiềng ba chân”.

Từ ngày Bác Hồ ký Sắc lệnh tổ chức LS (10-10-1945) đến nay đã tròn 77 năm. Đội ngũ LS TP.HCM nói riêng và cả nước nói chung đã trải qua nhiều thăng trầm do chiến tranh. Hiện nay, Đoàn LS TP.HCM và Liên đoàn LS Việt Nam đã quy tụ được đông đảo LS trẻ, được đào tạo bài bản, đa dạng từ nhiều nguồn khác nhau cả trong nước và nước ngoài, nhiều LS đã có kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp quốc tế. Tôi tin rằng đội ngũ LS TP.HCM và cả nước chẳng những đáp ứng nhu cầu trong nước mà còn từng bước đủ sức tham gia “đấu trường” khu vực và quốc tế, phục vụ nhu cầu mở rộng hợp tác kinh tế quốc tế. Hoạt động hành nghề LS đối diện với nhiều cám dỗ. Để hoạt động của LS thực sự đóng góp có hiệu quả, tôi mong rằng tất cả LS phải thường xuyên cập nhật kiến thức, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ, đặc biệt là phải không ngừng trau dồi đạo đức nghề nghiệp, nói không với tiêu cực để giữ gìn danh dự cao quý của nghề LS.

Nhân ngày truyền thống của nghề, tôi mong rằng trong bất kỳ tình huống nào, LS cũng phải giữ gìn phẩm giá của người LS chân chính, hết lòng bảo vệ công lý, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc.

Luật sư NGUYỄN VĂN TRUNG, Chủ nhiệm Đoàn Luật sư TP.HCM

..................................................

Giúp thân chủ hiểu và tránh các rủi ro pháp lý

LS là nghề có nhiều đặc thù. Hoạt động của LS góp phần bảo vệ công lý, các quyền tự do, dân chủ của công dân, quyền, lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức và góp phần xây dựng nhà nước pháp quyền (Điều 3 Luật LS năm 2006, sửa đổi, bổ sung năm 2012).

Khi một quan hệ pháp luật xảy ra, LS sẽ đối chiếu với các quy định của pháp luật và định hướng cho khách hàng của mình. LS giúp thân chủ biết và tuân thủ các quy định của pháp luật, tránh được các rủi ro pháp lý. Mở rộng hơn, LS giúp cho công dân tiếp cận với công lý nhanh và hiệu quả, có cơ hội tốt nhất trong việc thực thi công lý. Song song đó, LS cũng góp phần giúp tòa án đánh giá khách quan vụ việc, các góp ý của LS cũng là cơ sở để hoàn thiện việc ban hành pháp luật.

Tại một số cơ sở đào tạo luật, LS tham gia giảng dạy các chuyên đề về kỹ năng thực hành pháp luật, hội thảo, công trình nghiên cứu khoa học. Văn phòng LS, công ty luật góp phần chuyển tải thực tiễn hành nghề luật bằng việc nhận kiến tập, thực tập giúp cho sinh viên hiểu thêm về nghề luật, định hướng nghề nghiệp cho sinh viên.

TS NGUYỄN VĂN TIẾN,Trường ĐH Luật TP.HCM

..................................................

“Bà đỡ” pháp lý của người dân và doanh nghiệp

Qua hơn 10 năm hành nghề, tôi nhìn thấy được sự phát triển của nghề LS (cả về chất và lượng), kèm theo đó là các quy định của pháp luật và tư duy của người tiến hành tố tụng đã cởi mở hơn. Điều này tạo điều kiện cho nghề LS phát huy được vai trò của mình, bảo vệ tốt hơn cho thân chủ.

Về nhận thức của người dân đối với vai trò của LS hiện nay cũng đã nâng lên rõ rệt. Nếu như trước đây người dân, doanh nghiệp ít quan tâm đến LS, thường làm theo thói quen, đến khi xảy ra tranh chấp mới thuê LS thì hiện nay họ đã quan tâm đến vấn đề pháp lý hơn, trước khi giao dịch, thực hiện một công việc gì họ đã tìm đến LS để nhờ tư vấn.

Trong thời gian tới, tôi mong muốn và kiến nghị các cơ quan tiến hành tố tụng cởi mở hơn nữa, khách quan hơn nữa và đánh giá đúng vai trò của LS trong vụ án để góp phần tìm ra sự thật khách quan của vụ án. Đồng thời, người dân cũng cần hiểu được vai trò của pháp luật, vai trò của LS để hạn chế rủi ro pháp lý đối với mình.

LS TRẦN CAO ĐẠI KỲ QUÂN, Đoàn LS tỉnh Đồng Nai

Đọc thêm