Luật sư nói gì về nhóm thanh niên chở ba, bốc đầu xe máy ở Bình Dương?

(PLO)- Nhóm thanh niên chở ba, bốc đầu xe máy ở Bình Dương sẽ phải đối mặt với mức phạt như thế nào về hành vi của mình. 

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, nhiều hình ảnh, video chở ba, bốc đầu của các thanh niên ở Bình Dương được truyền tải nhau trên các trang mạng xã hội. Theo thông tin vụ việc, Phòng CSGT an tỉnh Bình Dương đang xác minh vụ việc một nhóm thanh niên không đội mũ bảo hiểm, chở ba, bốc đầu biểu diễn trên đường. Nhóm này đã thực hiện các động tác lái xe nguy hiểm, tư thế phản cảm, không mặc đồ bảo hộ, rồi quay lại video đăng lên mạng xã hội.

Vấn đề pháp lý được đặt ra ở đây là các thanh niên sẽ phải đối mặt với mức xử phạt ra sao.

xac-minh-nhom-thanh-nien-bieu-dien-cho-ba-boc-dau-dang-len-facebook-.jpg
Hiện Phòng CSGT an tỉnh Bình Dương đang xác minh vụ việc. Ảnh: PLO

Trao đổi với PLO, luật sư (LS) Võ Đan Mạch, Đoàn luật sư TP.HCM cho biết: Trước hết, nhóm thanh niên này có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với các hành vi vi phạm sau đây:

Một là, chở theo 2 người trên xe nhưng không thuộc các trường hợp được phép chở 2 người theo quy định của pháp luật. Hành vi này bị phạt tiền từ 300.000 đồng đến 400.000 đồng (theo điểm l khoản 2, điểm c khoản 10 Điều 6 Nghị định 100/2019/, được sửa đổi bởi điểm k khoản 34 Điều 2 Nghị định 123/2021).

Hai là, không đội mũ bảo hiểm cho người đi mô tô, xe máy: Phạt tiền từ 400.000 đồng đến 600.000 đồng (theo điểm b khoản 4 Điều 2 Nghị định 123/2021).

Ba là, điều khiển xe chạy bằng một bánh đối với xe hai bánh (hay thường gọi là “bốc đầu xe máy”): Phạt tiền từ 6.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với người điều khiển xe.

"Đồng thời, cơ quan chức năng sẽ xác minh, làm rõ những người điều khiển xe trong vụ việc này có Giấy phép lái xe theo quy định hay không? Trường hợp không có Giấy phép lái xe thì theo điểm a khoản 5 Điều 21 Nghị định 100/2019 (sửa đổi bởi khoản 11 Điều 2 Nghị định 123/2021), sẽ phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với người điều khiển xe mô tô hai bánh có dung tích xi lanh dưới 175 cm3" - LS Mạch cho hay.

Cũng theo LS Mạch, đối với chiếc xe máy biểu diễn đứng tên một người khác, hiện tại theo Nghị định 100/2019 không có quy định về lỗi “đi xe không chính chủ”, mà chỉ có quy định xử phạt đối với hành vi “không làm thủ tục đăng ký sang tên xe” trong những trường hợp phải sang tên như mua bán, tặng cho,.... Do đó, cơ quan chức năng cũng sẽ làm rõ về nguồn gốc xe (có được thông qua mua bán, tặng cho hay thuê, mượn, trộm cắp,...), từ đó mới có chế tài xử lý phù hợp.

"Hiện nay, Công an tỉnh Bình Dương và Công an TP Thủ Đức đang phối hợp để điều tra, xác minh vụ việc. Trong trường hợp chứng minh được hành vi của nhóm thanh niên này làm ảnh hưởng đến trật tự, an toàn, an ninh xã hội thì tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi mà có thể xem xét, xử lý về việc gây rối trật tự công cộng"- LS nói.

Theo LS, theo điểm a khoản 1 Điều 7 Nghị định 144/2021, người có hành vi gây mất trật tự công cộng ở khu dân cư hoặc ở những nơi công cộng khác thì sẽ bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 đồng đến 500.000 đồng.

"Ngoài ra, nếu nhóm thanh niên này gây rối trật tự công cộng gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội hoặc đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị xử lý về Tội gây rối trật tự công cộng tại Điều 318 Bộ luật Hình sự năm 2015 (sửa đổi, bổ sung năm 2017), với mức phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 2 năm hoặc phạt tù từ 3 tháng đến cao nhất là 7 năm"- LS nói thêm.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm