Ngày 14-11, trao đổi với báo chí tại phiên tòa về việc ông Phan Văn Vĩnh và các bị cáo trong đường dây đánh bạc nghìn tỉ, thẩm phán Vũ Văn Tuấn, Phó Chánh án TAND tỉnh Phú Thọ, cho rằng việc không còng tay các bị cáo trong thời gian xét xử là vì họ chưa được chứng minh là có tội.
Bên cạnh đó, với lực lượng bảo vệ an ninh nghiêm ngặt, tình huống bị cáo bỏ trốn hoặc gây mất trật tự ảnh hưởng tới an ninh phiên tòa sẽ không thể xảy ra. Việc còng tay thường áp dụng khi lực lượng công an trên đường dẫn giải các bị cáo tới tòa nhằm phòng tránh nguy cơ như đã nói ở trên có thể xảy ra.
Ngoài ra, ông Tuấn cũng cho rằng không có quy định bắt buộc còng tay bị cáo tại tòa, điều này phù hợp xu hướng tố tụng và tư pháp hình sự nhân văn của các nước tiên tiến, thậm chí tại một số nước bị cáo không bị còng tay trên đường dẫn giải...
Ông Phan Văn Vĩnh. Ảnh: PLO
Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, luật sư Lê Văn Hoan và luật sư Nguyễn Hoài Nghĩa (cùng Đoàn Luật sư TP.HCM) đều cho rằng căn cứ vào khoản 11 Điều 3 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ thì khóa số 8 là một trong những công cụ hỗ trợ nghiệp vụ.
Công cụ này được sử dụng để thi hành công vụ, thực hiện nhiệm vụ bảo vệ nhằm hạn chế, ngăn chặn người có hành vi vi phạm pháp luật chống trả, trốn chạy. Nó cũng giúp bảo vệ người thi hành công vụ, người thực hiện nhiệm vụ bảo vệ hoặc báo hiệu khẩn cấp.
Theo Điều 8 của Quyết định số 810/2006/QĐ-BCA-C11 của Bộ Công an quy định việc áp giải bị cáo đang bị tạm giam đến phiên tòa như sau:
Khóa tay bị cáo trước khi áp giải; xích chân bị cáo đối với trường hợp phạm tội rất nghiêm trọng, phạm tội đặc biệt nghiêm trọng, côn đồ hung hãn, tái phạm nguy hiểm. Việc khóa tay hoặc xích chân bị cáo phải ghi rõ trong kế hoạch. Mở khóa tay, mở xích chân bị cáo tại nơi xét xử khi có yêu cầu của chủ tọa phiên tòa.
Từ những quy định trên cho thấy khi chưa xét xử, chưa có ý kiến của chủ tọa mà mở còng (khóa tay) là trái với quy trình.
Tuy nhiên, theo hai luật sư, quy trình này không còn phù hợp với cải cách tư pháp và vì lý do nhân đạo. Hiện nay áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội theo BLTTHS thì một số quy định áp dụng đối với bị cáo đã bỏ như vành móng ngựa, trang phục phạm nhân…
Cho nên Bộ Công an cần quy định linh động, tùy theo từng loại tội phạm mà có hướng xử lý cho phù hợp chứ không nhất thiết lúc nào cũng cứng nhắc phải còng tay các bị cáo khi áp giải ra phiên tòa.