Luật sư VN hỗ trợ pháp lý cho Đoàn Thị Hương ra sao?

Như đã phản ánh chiều 2-3, LS Đỗ Ngọc Thịnh (Chủ tịch Liên đoàn LS Việt Nam) cho biết hiện đã có năm LS thuộc Liên đoàn LS Việt Nam xung phong sang Malaysia trợ giúp pháp lý hoặc bào chữa cho Đoàn Thị Hương. Ngày 1-3 Liên đoàn LS Việt Nam đã gửi công văn cho Bộ Ngoại giao và Bộ Tư pháp về vấn đề hỗ trợ tư pháp cho Đoàn Thị Hương.

Nhiều bạn đọc thắc mắc vậy LS Việt Nam sẽ tham gia vụ án như thế nào, trình tự thủ tục ra sao, cần chuẩn bị những gì...? Chúng tôi xin giới thiệu ý kiến của LS Nguyễn Văn Hu (Đoàn LS TP.HCM), người từng tham gia bảo vệ cho công dân Việt Nam ở tòa án nước ngoài.

Đoàn Thị Hương (giữa) sau phiên công bố cáo trạng tại Malaysia.

Không được bào chữa

Pháp luật Malaysia không cho phép LS nước ngoài mà không hành nghề tại Malaysia tham gia tranh tụng với tư cách LS nên các LS Việt Nam không thể bào chữa cho Hương. Nhưng ở Việt Nam hay các nước đều có quy định công dân nước ngoài bị xét xử tại quốc gia mình đều có LS bào chữa. Thực tế Malaysia cũng đã cử LS của Malaysia bào chữa cho Hương. Như vậy, nếu được các cơ quan liên quan chấp thuận thì LS Việt Nam chỉ có thể tham gia hỗ trợ pháp lý cho cô Hương mà thôi.

Cạnh đó, dù Việt Nam và Malaysia chưa ký hợp định tương trợ tư pháp nhưng đều là thành viên của Hiệp định ASEAN về tương trợ tư pháp trong lĩnh vực hình sự (ký vào ngày 29-11-2004 tại Kuala Lumpur). Hiệp định này có hiệu lực ràng buộc các quốc gia tham gia ký kết một số vần đề.

Theo khoản 1 Điều 1 hiệp định này thì: “Các quốc gia thành viên, theo quy định của hiệp định này và phù hợp với pháp luật quốc gia của mình, phải dành cho nhau các biện pháp tương trợ tư pháp rộng rãi nhất có thể được trong việc điều tra, truy tố và thủ tục tố tụng tiếp theo”.

Khoản 2 Điều 1 hiệp định này thì các biện pháp tương trợ tư pháp có thể bao gồm việc: Thu thập chứng cứ hoặc lấy tờ khai tự nguyện từ những người có liên quan; bố trí để những người có liên quan cung cấp chứng cứ hoặc trợ giúp trong các vấn đề hình sự; thực hiện việc tống đạt giấy tờ, tài liệu tư pháp;

Vì vậy, Việt Nam có quyền cử đại diện hợp pháp tham gia hỗ trợ pháp lý để bảo vệ cho Đoàn Thị Hương.

Khoản 3 Điều 17 Hiến pháp 2013 quy định: Công dân Việt Nam ở nước ngoài được Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam bảo hộ. Do đó, việc tham gia hỗ trợ bảo vệ cho công dân Đoàn Thị Hương là quyền và nghĩa vụ của cơ quan có thẩm quyền Việt Nam.

LS Việt Nam sẽ hỗ trợ các LS Malaysia về các vấn đề như: Nhân thân, thu thập tài liệu liên quan, tài liệu chứng cứ có lợi cho Hương. Cũng có thể hỗ trợ ngôn ngữ, hỗ trợ về mặt tinh thần cho bị cáo, theo dõi diễn tiến của việc xét xử…Nhưng quyền hạn và trách nhiệm của các LS Việt Nam phải tuân thủ theo quy định. Nếu muốn tăng cường bảo vệ đảm bảo sự chặt chẽ về mặt pháp lý thì có thể thuê LS hành nghề tại Malaysia để tham gia vụ án.

Cảnh sát dẫn giải Đoàn Thị Hương (giữa) sau phiên công bố cáo trạng tại Malaysia. Ảnh: Reuters

Đăng ký ra sao, chuẩn bị những gì?

Nếu các quốc gia không có Hiệp định tương trợ tư pháp về hình sự thì khi xảy ra tranh chấp quyền tài phán hình sự, phải theo con đường ngoại giao, theo thông lệ quốc tế. Vì vậy, Liên đoàn Luật sư VN cần đề xuất ý kiến với Bộ Ngoại giao, Bộ Tư pháp, liên lạc với cơ quan đại diện ngoại giao của Việt Nam tại Malaysia để tiến hành các thủ tục ngoại giao và tư pháp với cơ quan ngoại giao. Kế đó, Liên đoàn sẽ liên hệ với LS Malaysia đã được chỉ định bào chữa cho Hương để thỏa thuận về việc tham gia hỗ trợ... Việc này cần được làm nhanh, gấp rút để hỗ trợ kịp thời tiến trình bào chữa cho Hương.

Trước hết, LS Việt Nam cần trang bị kiến thức về hệ thống pháp luật Malaysia, thực tế xét xử những vụ án có tính chất tương tự đã được xét xử. LS chúng ta phải có khả năng ngoại ngữ để thuận lợi trong quá trình làm việc với LS và cơ quan chức năng của Malaysia. Phải có kỹ năng thu thập những thông tin, tài liệu, chứng cứ có lợi cho Đoàn Thị Hương tại Việt Nam cũng như tại Malaysia. Từ đó cung cấp, hỗ trợ cho phía LS Malaysia khi bào chữa cho bị cáo.

Không trực tiếp tranh tụng nhưng LS Việt Nam cần nắm bắt được trình tự thủ tục, đặc trưng của phiên tòa. Từ đó trao đổi với LS Malaysia để có phương án, kế hoạch hỗ trợ hợp lý, hiệu quả; tránh lúng túng, bị động.

Nếu được gặp bị cáo thì cần hỗ trợ tinh thần, khai thác thông tin và tư vấn hợp lý để Hương có thể tự mình bảo vệ trước tòa.

Phiên tòa tại Malaysia khác gì Việt Nam?

Malaysia là một quốc gia có sự tổ chức pháp luật mang đặc trưng của hệ thống pháp luật Anh-Mỹ (Common Law) vì trước đây từng là thuộc địa của Anh. Do đó, mô hình tố tụng của Malaysia sẽ trải qua nhiều phiên tòa thuộc nhiều cấp khác nhau.

Malaysia áp dụng hệ thống tòa án phân làm 3 cấp: Thấp nhất là tòa án hình sự địa phương (Magistrate Court và Sessions Court), sau đó đến tòa Thượng thẩm (High Court) và tòa Phúc thẩm (Court of Appeal) và cấp cao nhất là Tòa án Tối cao Liên bang (Federal Court).

Đối với một vụ án có mức độ nghiêm trọng cao như giết người, thì đầu tiên, tòa án hình sự địa phương sẽ thụ lý. Phiên tòa đầu tiên sẽ là phiên tòa sơ bộ (Pretrial). Công tố viên sẽ đọc bản cáo trạng thông báo cho bị cáo và Luật sư biết bị cáo bị buộc tội gì để chuẩn bị bào chữa. Nếu bị cáo nhận tội thì sẽ được áp dụng nguyên tắc thỏa thuận nhận tội giữa bị cáo và bên công tố.

Nếu bị cáo không nhận tội, sẽ có phiên tòa thứ 2 để xem xét tính hợp pháp của các chứng cứ do công tố và LS cung cấp. Trong phiên tòa này, LS của bị cáo sẽ bào chữa.

Phiên tòa thứ 3 là phiên xét xử chính thức có bồi thẩm đoàn. Lúc này, các bên sẽ chính thức tranh tụng với nhau về quan điểm liên quan đến vụ việc. Dựa trên kết quả tranh tụng, tòa sẽ có phán quyết về tội danh và hình phạt cho bị cáo. Sau khi tòa Thượng thẩm đưa ra phán quyết, vụ án sẽ được tự động chuyển lên tòa Phúc thẩm và Tòa Tối cao Liên bang xem xét. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm