Luật Tổ chức chính quyền đô thị: Tương lai của TP.HCM và hơn thế

(PLO)- Chánh Thanh tra Trần Văn Bảy cho rằng TP.HCM cần đi cùng với các địa phương khác để có một Luật Tổ chức chính quyền đô thị.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nam miền Nam

Ngày 24-8, UBND TP.HCM tổ chức Hội thảo tham vấn ý kiến chuyên gia cho định hướng phát triển kinh tế - xã hội TP.HCM giai đoạn 2026 - 2030.

Tại phiên thảo luận về hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy, các chuyên gia, đại biểu đã bàn luận về việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị hay Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM.

Luat-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-tem.jpg
Phiên thảo luận về hoàn thiện thể chế, tổ chức bộ máy do Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Dương Ngọc Hải chủ trì. Ảnh: NGUYỆT NHI

Một chương lớn về siêu đô thị

TS Thái Thị Tuyết Dung, ĐH Quốc gia TP.HCM, nhìn nhận TP.HCM đã vượt trên đô thị đặc biệt vì là siêu đô thị và là 1/30 siêu đô thị trên thế giới với hơn 10 triệu dân.

Theo TS Dung, các siêu đô thị như Nhật Bản, Indonesia, Trung Quốc… đều có luật, chính sách đặc thù để định hướng phát triển.

Để định hướng cho việc phát triển lâu dài, TS Dung cho rằng cần có Luật Tổ chức chính quyền đô thị, trong đó có một chương hoặc một phần lớn về siêu đô thị. “Lúc này, chúng ta sẽ tập trung hết tất cả chính sách để có siêu đô thị khác so với đô thị đặc biệt. Hiện đô thị đặc biệt quy định là 5 triệu dân nhưng TP thì gấp 2,5 lần” – bà Dung nói.

TP.HCM cần đề xuất Luật Tổ chức chính quyền đô thị sau hàng chục năm ‘thai nghén’-Luat-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-1.jpg
TS Thái Thị Tuyết Dung phân tích về yêu cầu xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị cho TP.HCM. Ảnh: NGUYỆT NHI

TS Thái Thị Tuyết Dung phân tích không chỉ TP.HCM mà các địa phương khác cũng bắt đầu có câu chuyện riêng của mình, đó là câu chuyện về tổ chức, phát triển đô thị. “Nếu chúng ta đi chung thì tích hợp sự đồng thuận của địa phương để làm luật, còn nếu đi một mình thì làm luật về siêu đô thị” – bà gợi ý.

Phân tích sâu về Luật Tổ chức chính quyền đô thị hoặc Luật Đô thị đặc biệt, TS Dung cho rằng trong luật phải quy định về cách tổ chức chính quyền, phân định thẩm quyền, phân cấp; chính sách xây dựng phát triển và quản lý đô thị; tài chính, ngân sách, huy động nguồn vốn để phát triển…

Đồng thời, có phần đề xuất, thí điểm các mô hình tổ chức của đô thị, TP trực thuộc TP thuộc Trung ương, giống như TP Thủ Đức. “Xu hướng là đô thị ngày càng lớn thì tự quản, tức là chia phân quyền cho các đơn vị trực thuộc và đề xuất chính sách đặc thù” – TS Dung nói.

‘Đi cùng nhau’ để xây dựng Luật chính quyền đô thị

Ông Trần Văn Bảy, Chánh Thanh tra TP.HCM, nhìn nhận thể chế là tài nguyên đặc biệt giúp TP phát triển bền vững thời gian tới, bài học thành công và chưa thành công của TP cũng xuất phát từ vấn đề thể chế.

Do đó, bên cạnh việc nghiên cứu, đề xuất chuyện dài hơi, căn cơ thì cách khả thi nhất, phù hợp nhất là bám sát Nghị quyết 31/2022 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển TP.HCM đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045.

Theo ông Bảy, nghị quyết này có rất nhiều nội dung, định hướng quan trọng, trong đó có vấn đề hoàn thiện thể chế và tổ chức bộ máy.

“Nghị quyết 31 dùng cụm từ “ban hành chính sách pháp luật vượt trội”. Vậy phải xem chúng ta có gì và mong muốn có gì” – ông Bảy nói và cho rằng TP đã có Nghị quyết 31/2022, Nghị quyết 131/2020, Nghị quyết 98/2023, Nghị định 84/2024… làm cơ sở chính trị, TP.HCM trân trọng và cảm ơn Trung ương đã dành cho TP những tình cảm đặc biệt. Tuy nhiên, ông Bảy cho rằng vẫn chưa đủ, chưa đúng với từ “vượt trội” mà Nghị quyết 31 đã định hướng.

Ông dẫn chứng Nghị quyết 131 là nghị quyết về tổ chức chính quyền đô thị TP.HCM thực ra nên đặt là Nghị quyết về không tổ chức HĐND quận, phường.

“Gần đây là Nghị định 84, tôi được tham dự một số cuộc họp với bộ, ngành thì thấy rất tủn mủn, vụn vặt, không mang tính hệ thống và không phải là cơ chế chính sách vượt trội đúng như câu chữ ta muốn nói” – ông Bảy nói.

Theo Chánh Thanh tra Trần Văn Bảy, nhiều người đã nghe quá lâu về việc ban hành Luật Tổ chức chính quyền đô thị cho TP, việc này đã “thai nghén” mấy mươi năm. Đến nay, TP phải có tổng kết hết sức kỹ lưỡng để chính thức có đề xuất.

Luat-to-chuc-chinh-quyen-do-thi-3.jpg
Các chuyên gia, đại biểu tham dự hội thảo. Ảnh: NGUYỆT NHI

Ông Bảy cho rằng TP.HCM cần đi cùng với các địa phương khác để có một Luật Tổ chức chính quyền đô thị.

“Nếu đi một mình như một đô thị đặc biệt, hay siêu đô thị thì rất khó, nhất là trong bối cảnh chính trị, xã hội, pháp lý của Việt Nam” – ông Bảy nói và đề nghị trong luật này sẽ có một chương nhấn mạnh về đô thị đặc biệt, siêu đô thị và tất cả vấn đề tổ chức bộ máy, chức năng, nhiệm vụ sẽ hướng dẫn theo luật này. Từ đó, không còn tình trạng tủn mủn, thí điểm, vụn vặt…

Còn TS Trần Du Lịch nhìn nhận việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền đô thị hay Luật Đô thị đặc biệt cho TP cần nghiên cứu kỹ hơn. Ông gợi ý ở thời điểm sơ kết ba năm hoặc năm năm thực hiện Nghị quyết 98, sẽ có đủ cơ sở thực tiễn để đề xuất vấn đề này.

TP.HCM có điểm thấp về chất lượng dịch vụ công

Tại hội thảo, bà Đỗ Thanh Huyền, chuyên gia phân tích chính sách công – chương trình phát triển liên hiệp quốc UNDP, đã thông tin một số kết quả khảo sát của mình.

Bà cho biết việc công khai minh bạch quy hoạch sử dụng đất tại TP có điểm thấp dưới 18%. Chúng tôi khảo sát thì thấy chỉ có huyện Cần Giờ niêm yết công khai quy hoạch sử dụng đất 10 năm 2021-2030 hay chỉ có13/22 quận, huyện niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất 2023.

TP cũng có điểm thấp về kiểm soát tham nhũng trong khu vực công. Hay về chất lượng cung ứng giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, TP đứng gần cuối bảng và vấn đề người dân phản ánh nhiều nhất là không nhận đúng như lịch hẹn.

Từ đó, bà Huyền đề xuất phải thực hiện đầy đủ niêm yết công khai kế hoạch sử dụng đất và bảng giá đất trực tiếp tại UBND xã, trực tuyến trên cổng thông tin điện tử của chính quyền TP, cấp huyện.

Đồng thời ngăn chặn vòi vĩnh, nhận hối lộ của công chức trong xử lý hồ sơ xin cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, cải thiện chất lượng dịch vụ hành chính công trong lĩnh vực này…

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm