'Ngành nội vụ cần đeo đuổi, tham mưu về Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM'

(PLO)- Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đánh giá cao công tác của ngành Nội vụ trong năm qua và ông chỉ đạo ngành tiếp tục phát huy tinh thần dám nghĩ dám làm, đeo đuổi, tham mưu TP báo cáo Bộ Chính trị đề án xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM.

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Ngày 19-1, Sở Nội vụ tổ chức hội nghị tổng kết hoạt động năm 2023 và triển khai chương trình công tác năm 2024 của ngành nội vụ.

Tinh thần dám nghĩ, dám làm của cán bộ TP vẫn còn

Phát biểu chỉ đạo, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan khẳng định ngành nội vụ TP trong năm 2023 đã làm được rất nhiều việc. Song, ông cũng thẳng thắn nhìn nhận các tồn tại và đề ra phương hướng cho ngành trong thời gian tới.

Liên quan việc thực hiện Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị về khuyến khích cán bộ năng động, sáng tạo, ông Võ Văn Hoan cho biết đã có hơn 30 đề án từ sở, ngành, địa phương đăng ký thực hiện, thể hiện sự cố gắng đi tìm cái mới.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan: Làm sao để một người mua ve chai cũng được chuyển đổi số-ve-chai-chuyen-doi-so
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan phát biểu chỉ đạo. Ảnh: M.HUYỀN

Ông đề nghị khuyến khích tinh thần năng động, sáng tạo từ cấp cơ sở và phải có sản phẩm được công bố để thực hiện, chứ không để đề án mãi nằm trên giấy.

Trong đó, đến tháng 6-2024, với 30 đề án đã có cần được thúc đẩy trình TP; còn những ý tưởng, cách làm mới được suy nghĩ ra để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc ở từng cơ quan, đơn vị thì chủ động làm, nếu gặp vướng mắc pháp luật thì chủ động báo cáo với TP.

Ông Hoan nhìn nhận trước những vụ việc sai phạm xảy ra trên địa bàn TP, đội ngũ cán bộ sẽ có những băn khoăn, lo lắng. “Trong chừng mực nào đó, chúng ta còn dè dặt trong thực hiện nhiệm vụ của mình” – ông nói thêm.

Ông nêu: Trước đây khi đứng trước tình huống mà pháp luật quy định khác hoặc chưa quy định thì cán bộ TP đã tìm ra cách giải quyết. Đến nay, tinh thần năng động, sáng tạo, dám đề xuất, dám làm, dám chịu trách nhiệm trong đội ngũ cán bộ TP vẫn còn đó nhưng không làm được vì quá lo lắng.

Trong công tác phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, ông Võ Văn Hoan nhìn nhận chưa trơn tru. Theo ông, quy chế phối hợp, liên thông, quy trình quản lý đều có nhưng vẫn còn tình trạng đùn đẩy.

“Một việc ai cũng làm được nhưng ai làm thì không ai nói” – ông Hoan nói và nhắc đến việc bảy sở, ngành vừa bị Chủ tịch UBND TP phê bình vì chậm tham mưu.

Ông dẫn chứng các nội dung tham mưu trình HĐND TP.HCM liên quan đến Sở KH&ĐT và Sở Tài chính chưa phân định rõ là đầu tư công hay chi thường xuyên, phải bàn qua bàn lại, gây ách tắc.

Trong năm 2023, Sở Nội vụ TP.HCM đã trình UBND TP danh mục nhiệm vụ, giải pháp triển khai, thực hiện Nghị quyết 98/2023.

Nổi bật là thành lập Sở An toàn thực phẩm; đề án cơ cấu, số lượng cán bộ, công chức và người hoạt động không chuyên trách phường, xã, thị trấn theo dân số, hoạt động kinh tế và đặc điểm địa bàn; cơ cấu tổ chức bộ máy của các tổ chức hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc UBND TP Thủ Đức…

Sở Nội vụ cũng tham mưu, xây dựng, hoàn thiện thể chế chính quyền đô thị; thi tuyển lãnh đạo cấp phòng, cấp sở; chính sách thu hút người tài cống hiến cho TP; hướng dẫn thực hiện Kết luận 14/2021 của Bộ Chính trị...

Theo báo cáo của Sở Nội vụ TP.HCM

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan cũng cho biết hiện có tình trạng tham mưu nhưng chỉ lấy ý kiến các sở, ngành, tập hợp lại rồi đề nghị UBND TP.HCM họp và cuối cùng “UBND cứ họp”. Ông cho rằng cách làm như thế là không rõ ràng, thiếu trách nhiệm, làm loay hoay, mất thời gian, cơ hội.

Nghiên cứu quy trình quản trị công vụ theo thời gian thực

Thực hiện chủ đề năm 2024, Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị ngành nội vụ thực hiện cho bằng được tinh thần nâng cao trách nhiệm công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức.

“Thực hiện chuyển đổi số, Nghị quyết 98 mà không có tinh thần trách nhiệm công vụ nghiêm túc thì sẽ không làm được gì” – ông nói và dẫn chứng trong xây dựng nghị định về phân cấp, lãnh đạo TP đã mời từng sở lên, hỏi xem có vướng gì không thì sở nói không vướng, nhưng khi chỉ ra từng điểm cụ thể thì sở nói vướng, lúc đó mới đề xuất.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan: Làm sao để một người mua ve chai cũng được chuyển đổi số-ve-chai-chuyen-doi-so
Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan trao bằng khen của Thủ tướng Chính phủ cho bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Sở Nội vụ TP. Ảnh: M.HUYỀN

Phó Chủ tịch TP.HCM cũng cho hay TP.HCM muốn được các cơ quan Trung ương phân quyền thì trước hết TP.HCM phải đề xuất. Do đó việc này phải bắt đầu từ trách nhiệm công vụ của cán bộ, công chức.

Ông Hoan cũng nhấn mạnh công tác cải cách hành chính năm 2024 phải dựa trên nền tảng công nghệ thông tin, công nghệ số để giải quyết công việc nhanh hơn, giải quyết mâu thuẫn, kiểm soát hồ sơ, thủ tục.

Đáng chú ý, TP.HCM đang nghiên cứu quy trình quản trị công vụ theo thời gian thực. Theo ông Võ Văn Hoan, phải chuyển hoá quy trình công vụ thành quy trình số bằng việc xác định đơn vị, nội dung, ý kiến, thời hạn cụ thể, rõ ràng nhằm quản trị hồ sơ công việc thực theo thời gian.

“Làm sao chủ tịch TP thấy chủ tịch quận còn tồn hồ sơ nào và chủ tịch quận xem được trưởng phòng, chuyên viên xử lý ra sao” – ông gợi ý và cho biết TP sẽ lập trung tâm tư vấn hỗ trợ chuyển đổi số để tư vấn và hỗ trợ bằng mô hình cụ thể, không chỉ cho cơ quan nhà nước mà cho cả người dân, doanh nghiệp.

“Làm sao một người mua ve chai cũng chuyển đổi số, chỉ dùng một điện thoại di động để mua ve chai, hay cắt tóc cũng chuyển đổi số, chỉ chọn ngày giờ đến làm ngay, chứ không phải ngồi chờ đợi như ngày xưa nữa” – ông nói.

Phó Chủ tịch Võ Văn Hoan đề nghị ngành nội vụ đeo đuổi, cố gắng trình Chính phủ nghị định về phân cấp và nghị định về công nhận công chức xã tương đương công chức huyện. Đồng thời, tham mưu TP báo cáo Bộ Chính trị đề án xây dựng Luật Đô thị đặc biệt cho TP.HCM.

Tài sản công nhưng sử dụng theo kiểu quản gia

Về xã hội hoá đơn vị sự nghiệp công lập, Phó Chủ tịch UBND TP.HCM Võ Văn Hoan cho rằng “chúng ta tự trói chân trói tay mình”. Ông cho biết TP đã đề xuất uỷ quyền cho các quận, huyện, TP Thủ Đức tự chủ trong xây dựng phê duyệt đề án xã hội hoá trong nghị định về phân cấp cho TP.HCM.

Ông nêu vấn đề Nhà văn hoá, trung tâm thể dục thể thao cho thuê vô tội vạ; trường học làm theo kiểu của mình… mới phát sinh tiêu cực trong sử dụng nguồn lực, có tư lợi riêng... Khi người dân phản ánh mới tính toán, cân nhắc sắp xếp, xử lý nhưng lại không làm nữa, đóng cửa.

Ông Hoan nhìn nhận cách làm này là tiêu cực. Theo ông, tài sản công nhưng cơ quan sử dụng theo kiểu quản gia hơn là quản trị, dẫn đến lãng phí tài sản công.

“Chúng ta đứng từ thái cực cũ là mạnh dạn, quyết tâm làm sang thái cực mới là không làm chắc cú hơn” – ông nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm