Chủ tịch QH Nguyễn Sinh Hùng tại phiên họp. Ảnh: TRỌNG PHÚ
“Hoạt động giám sát hiện nay vẫn có điểm yếu, sau khi giám sát thường bị trôi, hiệu quả không cao. Nhất định sau giám sát phải có báo cáo, kiến nghị, kết luận… nhằm tránh tình trạng đi thì hoành tráng, "rồng rắn lên mây" nhưng mọi việc sau giám sát không chuyển biến” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.
Theo Chủ tịch QH, dự thảo luật phải làm rõ mỗi cuộc giám sát phải có báo cáo kết quả, trong đó nêu lên kiến nghị đối với cơ quan tổ chức liên quan. Cơ quan bị giám sát phải có báo cáo, giải trình, hướng khắc phục. Nếu đoàn giám sát có những kết luận về việc vi phạm thì phải yêu cầu làm rõ để xử lý nghiêm. Người bị yêu cầu phải tổ chức thực hiện. Sau một thời gian phải kiểm tra lại để xem đã thực hiện hay chưa...
Đồng tình với quan điểm trên, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Nguyễn Văn Giàu cho rằng mấu chốt nhất của luật này là “giám sát xong rồi làm gì nữa”. Ông nhất trí nếu quy định rõ trong luật rằng giám sát của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban nếu được trình để QH, UBTVQH ra nghị quyết đối với vấn đề lớn thì hiệu quả giám sát sẽ cao hơn.
Chủ nhiệm Hội đồng Dân tộc Ksor Phước cũng đặc biệt quan tâm đến hiệu quả giám sát được thực hiện như thế nào. “Dự thảo vẫn chưa rõ về trách nhiệm của các cơ quan bị giám sát. QH, UBTVQH ra nghị quyết thì anh phải chấp hành chứ. Kiến nghị thì có thể tiếp thu, phản hồi lại chứ nghị quyết của 500 ĐBQH về kết quả giám sát đó thì anh phải chấp hành” - ông Phước nói.
Trước các ý kiến trên, Phó Chủ tịch QH Uông Chu Lưu kết luận: “Dự án luật này đã được nhiều lần thảo luận, tổ chức cả hội thảo, hội nghị góp ý. UBTVQH đề nghị tiếp tục rà soát một lần nữa, hoàn chỉnh để trình QH thông qua trong kỳ họp tới đây (kỳ họp 10, dự kiến diễn ra vào 20-10 tới - PV)”.