Nhân kỷ niệm 56 năm ngày truyền thống của lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 – 20-7-2018), Thượng tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, có bài viết: “Lực lượng tiên phong, nòng cốt trên mặt trận bảo đảm trật tự, an toàn xã hội và đấu tranh phòng, chống tội phạm” đăng trên cổng thông tin điện tử Bộ Công an.
Pháp Luật TP.HCM lược trích một số nội dung đáng chú ý trong bài viết này.
Bộ trưởng Bộ Công an đề nghị lực lượng Cảnh sát nhân dân không để xảy ra oan, sai trong hoạt động điều tra. Ảnh: Bộ Công an
Hơn 150 cảnh sát hy sinh
Theo Bộ trưởng Tô Lâm, lực lượng Cảnh sát nhân dân (CSND) đã có nhiều dấu ấn sâu đậm, đóng góp to lớn trong nhiều năm qua.
Những ngày gần đây nhất, lực lượng CSND đã lập nhiều chiến công mới, đặc biệt xuất sắc trong đấu tranh với tội phạm về ma túy trên địa bàn tỉnh Sơn La; tham gia giải quyết hiệu quả những vụ việc phức tạp, gây rối an ninh trật tự ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong cả nước; phòng chống, bắt giữ tội phạm khủng bố nhằm lật đổ chính quyền nhân dân tại TP.HCM…
Đi cùng với những thành tích, chiến công ấy, trong suốt chiều dài lịch sử CSND, đã có nhiều cán bộ, chiến sĩ CSND anh dũng hy sinh, bị thương tích, mất một phần xương máu. Trong đó, chỉ tính từ năm 1986 đến nay đã có hơn 150 cán bộ, chiến sĩ CSND tiếp tục hy sinh, gần 1.000 chiến sĩ bị thương hoặc phơi nhiễm HIV trong công tác, chiến đấu.
Đây là minh chứng cho tính chất thật cam go, quyết liệt, phức tạp trên mặt trận giữ gìn trật tự, an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm, làm sáng rõ hơn bản chất anh hùng, quả cảm của người chiến sĩ CSND trong giai đoạn mới.
Tội phạm có xu hướng “quốc tế hóa”
Theo Bộ trưởng, trong thời gian tới, đất nước ta tiếp tục đẩy mạnh công cuộc công nghiệp hóa, hiện đại hóa, chủ động hội nhập quốc tế. Tình hình thế giới, khu vực có nhiều thời cơ, thuận lợi nhưng cũng có những thách thức, tác động trực tiếp đến sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc của nhân dân.
Các thế lực thù địch, phản động không ngừng gia tăng các hoạt động chống phá với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động, nguy hiểm. Trong đó, có sự lôi kéo, kích động, móc nối giữa các đối tượng phản động, cơ hội chính trị với các đối tượng hình sự, đối tượng có tiền án, tiền sự, nghiện ma túy, như vụ việc đã diễn ra ở tỉnh Bình Thuận và một số địa phương trong toàn quốc thời gian qua.
Về tình hình trật tự an toàn xã hội và tội phạm, các loại tội phạm quốc tế và khu vực, tội phạm trong nước tiếp tục có xu hướng “quốc tế hóa” mạnh mẽ hơn, tiềm ẩn nhiều phức tạp.
Đổi mới, mở cửa, hội nhập quốc tế, việc tham gia sâu vào chuỗi giá trị toàn cầu và các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới, tác động của kinh tế tri thức, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư (4.0)... bên cạnh những thành quả đem lại cũng có mặt trái mà các loại tội phạm chú ý khai thác, lợi dụng hoạt động, nhất là tội phạm có tổ chức hoạt động dưới các danh nghĩa trá hình, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, các loại tội phạm về kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, môi trường, lừa đảo, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy, tội phạm cờ bạc...
Kiên quyết không để xảy ra oan, sai
Trước những yếu tố trên, Bộ trưởng Tô Lâm đề nghị lực lượng CSND thực hiện nhiều nhiệm vụ trọng tâm, nhằm nâng cao hiệu quả công tác.
Trong đó, CSND cần nhận thức đầy đủ, sâu sắc mục tiêu cao nhất của công tác bảo đảm trật tự an toàn xã hội, đấu tranh phòng, chống tội phạm là xây dựng xã hội trật tự, an toàn, kỷ cương, lành mạnh, cuộc sống bình yên, hạnh phúc cho nhân dân. Chấm dứt tình trạng “chạy theo thành tích”, chỉ chú trọng đến điều tra, xử lý tội phạm mà không chú ý đến phòng ngừa tội phạm.
Hoạt động của lực lượng CSND là hoạt động chấp hành, áp dụng pháp luật. Do đó, mỗi cán bộ, chiến sĩ CSND phải thượng tôn hiến pháp, pháp luật, coi pháp luật là vũ khí sắc bén trong bảo đảm TTATXH và PCTP; đồng thời, chú trọng công tác tuyên truyền, phổ biến chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước về bảo đảm TTATXH và PCTP đến mọi tầng lớp nhân dân.
Đặc biệt, kiên quyết không để xảy ra oan, sai, không để lọt tội phạm; không xâm phạm trái pháp luật đến quyền con người, quyền cơ bản của công dân, lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của cơ quan, tổ chức cá nhân. Tập trung phát hiện, trấn áp kịp thời, nghiêm khắc đối với những đối tượng chủ mưu, ngoan cố, chuyên nghiệp, cố ý thực hiện tội phạm đến cùng; những đối tượng có biểu hiện manh động, liều lĩnh, sẵn sàng chống trả lực lượng thi hành công vụ.
Mỗi cán bộ, chiến sĩ CSND phải nhận thức do tính chất hoạt động và nhiệm vụ trong bảo đảm trật tự an toàn xã hội và phòng, chống tội phạm, việc làm, hình ảnh của người cán bộ, chiến sĩ CSND sẽ có tác động rất lớn đến tâm tư, tình cảm của quần chúng nhân dân với lực lượng CAND.
Từ đó, cán bộ, chiến sĩ CSND cần không ngừng học tập, nâng cao trình độ về chính trị, pháp luật, nghiệp vụ, làm chủ khoa học kỹ thuật và các lĩnh vực tri thức có liên quan khác; đổi mới hơn nữa phong cách, lề lối làm việc, trau dồi đạo đức nghề nghiệp, quán triệt sâu sắc, thực chất tư tưởng trọng dân, gần dân, vì nhân dân phục vụ để được nhân dân tin yêu, giúp đỡ nhiều hơn. Mỗi cấp ủy, lãnh đạo đơn vị CSND phải siết chặt kỷ luật, kỷ cương, điều lệnh, tăng cường thanh tra, kiểm tra việc thực hiện các quy chế, quy trình công tác, phòng ngừa, phát hiện xử lý kịp thời sai phạm, tiêu cực...
Kỷ niệm 56 năm ngày truyền thống lực lượng CSND anh hùng cách mạng, với sự phối hợp, giúp đỡ của các bộ, ban, ngành, đoàn thể, các địa phương, các lực lượng và các tầng lớp nhân dân; với tinh thần vì nước, vì dân, quên thân phục vụ, hướng tới mục tiêu xây dựng xã hội an toàn, trật tự, kỷ cương, lành mạnh, vì bình yên cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân, nhất định lực lượng CSND sẽ hoàn thành xuất sắc vai trò tiên phong, nòng cốt, thực sự là “thanh bảo kiếm” của Đảng, Nhà nước và nhân dân trong bảo đảm TTATXH, đấu tranh PCTP, có những đóng góp nhiều hơn nữa vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc Việt Nam Xã hội chủ nghĩa trong giai đoạn mới.