Từ ngày 1-8 đến nay, sau hơn 10 ngày thực hiện thu phí theo giờ với ô tô đỗ dưới lòng 23 tuyến đường, đã xuất hiện các hành vi đỗ xe không thanh toán, đỗ xe quá giờ, đỗ không đúng quy định hoặc cản trở việc đỗ xe… Các hành vi này đang gây cho lực lượng thực hiện công vụ sự lúng túng, khó xử…
Đậu lì, đỗ chùa
Theo ghi nhận của PV Pháp Luật TP.HCM, trên đường Lê Hồng Phong nối dài và đường Cao Thắng nối dài thuộc quận 10, ở các đoạn có thu phí nhưng tài xế đưa xe đến rồi đóng cửa bỏ đi luôn hoặc ngồi lì bên trong, mở nhạc nghe… chơi. Khi nhân viên thu phí đến gõ cửa, có tài xế bấm cửa kính xuống, hỉ hả vài câu rồi hứa sẽ lái xe đi ngay. Nhưng khi nhân viên thu phí và người của Viettel đi khỏi thì người này hạ kính xuống, nghe nhạc tiếp… cả giờ.
Với các trường hợp như thế, nhân viên trật tự đô thị quận và người của Viettel chỉ còn cách in ra và dán tờ phiếu nhắc nhở vào khe kính chiếu hậu. “Từ sau 1-8, nhiều tài xế đã đỗ xe ở đây đến nhẵn mặt nhưng không đóng phí. Chúng tôi đã dán nhiều tờ phiếu nhắc nhở nhưng họ biết là chưa bị xử phạt nên cứ đậu lì, đỗ chùa” - một nhân viên thu phí nói.
Trên đường Huyền Trân Công Chúa (quận 1), tình trạng xe đậu bát nháo không vào đúng ô vạch kẻ trên lòng đường cũng diễn ra khá phổ biến. Khi nhân viên thu phí đến thu phí thì các tài xế nói ngay: “Tôi có đỗ vào ô vạch nhà ông đâu mà bắt tôi đóng phí”.
Trên đường Tản Đà (quận 5), có xe vào thì chấp nhận đóng phí, có xe không. Tài xế tấp xe vào, xuống xe, nhìn trước ngó sau thấy nhân viên thu phí đang đi tới thì đóng cửa cái rầm rồi bỏ đi luôn. Có người mắc võng nằm cạnh xe nhưng khi nhân viên thu phí tới hỏi thì bảo không biết xe của ai.
Tại hẻm 283, 285 Cách Mạng Tháng Tám, tài xế có chiêu độc hơn là giả đò không biết cài đặt ứng dụng đậu xe và tạo ví tiền (My Parking và Viettel Pay). Nhân viên Viettel thì ra sức giảng giải cách thức cài đặt, còn tài xế thì cứ “em chả hiểu, chả biết”. Nhiều tài xế khác chạy GrabTaxi với các cuộc gọi, giao dịch bằng iPhone nhưng “chơi chiêu”, cứ đưa điện thoại “cục gạch” ra bảo cài đặt giùm. “Thanh toán bằng tiền mặt thì không còn áp dụng, thanh toán điện tử thì không thể thực hiện được với mấy tay chơi “cục gạch”. Thế là mấy ổng cứ vô tư đậu xe cả giờ, cả buổi” - một nhân viên đô thị quận 10 than thở.
Theo các nhân viên Viettel và đô thị trực ở 23 tuyến đường của các quận 1, 5 và 10, sau hơn 10 ngày triển khai thu phí mới, các “chiêu trò” trên không còn là cá biệt ở một vài người mà đã thành phổ biến, diễn ra hằng ngày…
Nhân viên đô thị và nhân viên Viettel ra sức hướng dẫn cài đặt My Parking, còn tài xế thì “em chả”. (Ảnh chụp tại hẻm 295 Cách Mạng Tháng Tám, quận 10) Ảnh: LƯU ĐỨC
Một tờ phiếu nhắc nhở tài xế không đóng phí của Viettel. Ảnh: LƯU ĐỨC
Không thể xử phạt
Với các tài xế có các hành vi đỗ xe không thanh toán, đỗ xe quá giờ, đỗ không đúng quy định hoặc cản trở việc đỗ xe…, nhân viên trực ở các bãi xe đều trao hoặc gắn lên kính xe con tem nhắc nhở và không quên khuyến cáo sau ba lần nhắc nhở sẽ tiến hành xử phạt.
Nhưng theo một luật sư (LS), tại Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ-đường sắt và các văn bản luật liên quan đều không có hình thức xử lý, nhắc nhở và xử phạt với các hành vi trên. “Khi luật chưa có quy định, xác định về hành vi vi phạm, dù đó là hành vi cá biệt hay phổ biến thì lực lượng chức năng không có căn cứ (pháp luật) để xử phạt” - vị LS nói.
Việc thu phí theo giờ bước đầu áp dụng ở 23 tuyến đường nhưng sẽ mở rộng trong thời gian tới nhằm mục đích kéo giảm ùn tắc giao thông, chứ không nhằm mục đích thu tiền, thu ngân sách. Vậy nên rất cần các quy định chế tài các hành vi cá biệt đang trở nên phổ biến để nhằm đạt được mục đích nêu trên. Ông VÕ KHÁNH HƯNG, Phó Giám đốc Sở GTVT TP.HCM |
Về biện pháp nhắc nhở thông qua phiếu in của Viettel, một cán bộ thanh tra giao thông cho rằng Viettel không phải là cơ quan công vụ mà chỉ là cơ quan làm dịch vụ công nghệ, vậy nên phiếu nhắc nhở của Viettel chỉ để áp dụng trong việc cắt, khóa ứng dụng My Parking, Viettel Pay, chứ không thể là căn cứ để xử phạt sau ba lần dán phiếu. “Thanh tra giao thông không thể sử dụng phiếu nhắc nhở của Viettel để xử phạt vì như thế là vi phạm nguyên tắc xử phạt hành chính trực tiếp (ai, cơ quan nào phát hiện, lập biên bản thì mới có quyền xử phạt hành chính)…”.
Cũng theo vị LS trên, trong các hành vi đang phổ biến trên chỉ có thể xử phạt được hành vi đỗ xe không thanh toán, đỗ xe quá giờ (với trường hợp đóng phí 1-2 giờ nhưng đỗ cả buổi) nhưng phải do công chức thu phí thuộc các quận, phường chứ không thể là cán bộ trật tự đô thị trong các tổ công tác hiện nay. Và căn cứ để xử phạt là Luật Phí và lệ phí. Như vậy, trong các tổ công tác trên phải bổ sung cán bộ thu phí của phường. “Đây là thành viên đang thiếu trong các tổ công tác” - vị LS nói.
Theo vị LS, Nghị quyết 01 của HĐND TP ngày 16-3-2018 ban hành quy định về thu phí sử dụng tạm thời lòng đường đậu ô tô trên địa bàn TP đã không tiên liệu được các hành vi sẽ phát sinh khi thực hiện cũng như không có cơ chế, quy định chế tài. Vậy nên việc này sớm cần sự tham mưu, đề xuất của các sở, ngành liên quan lên HĐND TP để xem xét, quyết định.
Phạt nguội cũng khó! Phát biểu trên một tờ báo, ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra Sở GTVT TP, cho biết Sở đang tiến hành lắp đặt màn hình tại trụ sở 286 Lê Hồng Phong để tiếp nhận hình ảnh xe vi phạm dừng, đỗ ở các tuyến đường có thu phí để làm căn cứ phạt nguội. Tuy nhiên, theo Sở GTVT TP, đến nay thanh tra giao thông chưa được giao thẩm quyền xử phạt nguội qua hình ảnh hoặc các phương tiện kỹ thuật khác (mới chỉ có CSGT được giao). Theo một lãnh đạo Sở GTVT TP, trước mắt Sở nghiên cứu, đề xuất chuyển các hình ảnh về vi phạm sang cho Phòng CSGT Công an TP.HCM xử lý. Nhưng việc này lại vướng nguyên tắc trực tiếp (đơn vị, lực lượng nào ghi hình hành vi vi phạm thì mới có quyền xử phạt, không được sử dụng hình ảnh, chứng cứ của đơn vị khác) trong luật xử lý vi phạm hành chính. |