Phát hiện gian lận trong thi cử nhưng đủ điểm xét tuyển vẫn được tiếp tục đi học; thí sinh (TS) chỉ có điểm gian lận khối bài khoa học tự nhiên, bài thi ở khối khoa học xã hội không thay đổi, vẫn đi học bình thường. Hay TS sau chấm thẩm định phát hiện được nâng khống đến 15, thậm chí 20 điểm chỉ bị cho thôi học, năm sau vẫn tiếp tục tham gia thi… đang là những trường hợp “chưa nghĩ đến” khiến Bộ GD&ĐT cùng các trường ĐH lúng túng tìm hướng giải quyết.
Gian lận vẫn được tiếp tục học
Sau khi nhận danh sách TS gian lận thi cử từ Sở GD&ĐT tỉnh Hòa Bình, trường ĐH Y Hà Nội đã đuổi học một sinh viên (SV) có điểm chấm thẩm định thấp hơn điểm trúng tuyển. Tuy nhiên, một số còn lại thì đủ điểm trúng tuyển nhưng điểm thi môn khác (không phải tổ hợp xét tuyển vào trường) bị hạ 2 điểm. Trước tình huống này, nhà trường không có quy định, căn cứ nào để giải quyết nên phải báo cáo Bộ GD&ĐT để xin ý kiến chỉ đạo.
Tương tự, Trường ĐH Kinh tế quốc dân cũng nhận được danh sách năm TS ở Hòa Bình có điểm thi bị điều chỉnh, trong đó hai SV có điểm thấp hơn mức chuẩn nên bị xóa tên trong danh sách trúng tuyển, còn ba SV có điểm cao hơn thì vẫn học bình thường.
Hy hữu hơn, tại Trường ĐH Thương mại, một SV được nâng điểm ở Hòa Bình tự động viết đơn xin thôi học trước khi danh sách gian lận được gửi về trường. Nhà trường quyết định trả lại toàn bộ chi phí đã nộp vào trường cho SV này.
Giải thích về những cách xử lý cho từng trường hợp, bà Nguyễn Thị Kim Phụng, Vụ trưởng Vụ Giáo dục ĐH, chia sẻ với báo chí, nếu TS bị giảm điểm thi trong số các môn thuộc tổ hợp xét tuyển nhưng vẫn đủ điểm trúng tuyển thì các trường vẫn có thể để TS tiếp tục học tập.
Về ý kiến nếu đã bị giảm điểm môn trắc nghiệm thì cần hủy kết quả vì đã dính đến gian lận, bà Phụng cho rằng đây chỉ là quan điểm có thể chia sẻ ở góc độ suy đoán vi phạm vì cơ quan điều tra chưa có kết luận cuối cùng về đối tượng sai phạm, mức độ sai phạm, mức độ lỗi...
Qua đó, Bộ sẽ tiếp tục trả lời từng trường nếu có lúng túng vì thắc mắc của các trường không hoàn toàn giống nhau.
Phải có biện pháp mạnh để răn đe
Đó là nói riêng đối với từng trường hợp xử lý vi phạm, nếu nói chung cho phương án xử lý TS gian lận thi cử, Bộ GD&ĐT còn lúng túng hơn. Bằng chứng là sau hơn ba tuần công bố chi tiết gian lận thi cử tại Hòa Bình, Hà Giang, Sơn La, Bộ GD&ĐT phát đi thông báo “Các TS gian lận điểm trong kỳ thi THPT quốc gia 2018 vẫn được đăng ký dự thi THPT quốc gia năm 2019”. Cách xử lý này được đánh giá là quá nhẹ nhàng khi không có một hình thức xử lý nào mạnh tay hơn để răn đe, làm gương.
Khi được đặt câu hỏi về căn cứ đưa ra cách xử lý này, Bộ GD&ĐT cho rằng việc xử lý TS vi phạm được quy định ở Điều 49 trong quy chế thi THPT quốc gia và xét công nhận tốt nghiệp THPT áp dụng cho năm 2018. Nhưng tại điều này không có mục nào quy định xử lý TS gian lận điểm thi tại khâu chấm thi. Đây chính là nguyên nhân dẫn đến nhiều lúng túng khiến các trường ĐH và Bộ GD&ĐT phải hỏi ý kiến qua lại trước mỗi trường hợp vi phạm.
Trước đây, khi còn kỳ thi ba chung, quy chế tuyển sinh quy định rất rõ người có hành vi gian lận thi cử trong kỳ thi tuyển sinh ĐH tùy mức độ vi phạm có thể bị tước quyền dự thi (ví dụ như trong trường hợp nhờ người thi hộ, thi kèm) và khi đó sẽ không được dự thi khi chưa đủ hai năm tính từ năm bị tước quyền dự thi.
Các ý kiến cho rằng Bộ GD&ĐT cần bổ sung vào quy chế tuyển sinh một quy định thật đầy đủ, thống nhất và thật nghiêm khắc để xử lý đối với những trường hợp gian lận thi cử trong khâu chấm thi năm 2019 và những năm tiếp theo.
Hủy toàn bộ kết quả thi Đứng ở góc độ chuyên gia, nhiều nhà giáo, quản lý giáo dục cho rằng sau khi chấm thi thẩm định trả về điểm thật, TS không còn đủ điểm trúng tuyển tất nhiên phải hủy kết quả trúng tuyển, trả TS về. Không thể xử lý như đây là sai sót thông thường. Khi số điểm chênh lệch quá lớn, rõ ràng là gian lận, thiếu nghiêm túc, mức độ vi phạm trong thi cử như vậy là rất nặng. Vì vậy, dù bất luận thế nào, khi chấm thẩm định lại, bài thi bị giảm điểm so với ban đầu, điểm thật thấp hơn “điểm giả” có nghĩa đó là bài thi gian lận. Phát hiện bài thi gian lận chỉ có một cách xử lý duy nhất: Hủy toàn bộ kết quả thi. Với nhiều trường hợp, TS và người liên quan phải chịu trách nhiệm trước pháp luật với hành vi gian lận của mình. |