VKSND tỉnh Hà Giang vừa ban hành cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để truy tố năm bị can trong vụ gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 từng gây chấn động dư luận cả nước.
Chân dung năm bị can gian lận điểm
Theo cáo trạng, các bị can bị truy tố gồm: Triệu Thị Chính và Phạm Văn Khuông (hai cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang), Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng Phòng Khảo thí), Vũ Trọng Lương (cựu phó trưởng Phòng Khảo thí), Lê Thị Dung (cựu phó đội trưởng thuộc Phòng An ninh chính trị nội bộ, Công an tỉnh Hà Giang).
Điểm khác biệt giữa vụ án gian lận điểm tại Hà Giang so với Sơn La là có nhiều tội danh được khởi tố hơn. Trong khi tám bị can tại Sơn La cùng bị khởi tố về một tội danh (tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ theo Điều 356 BLHS 2015) thì năm bị can tại Hà Giang bị truy tố về ba tội danh khác nhau.
Cụ thể, Vũ Trọng Lương và Nguyễn Thanh Hoài bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ (theo điểm a khoản 2 Điều 356 BLHS 2015). Bị can Phạm Văn Khuông và Lê Thị Dung bị truy tố tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi (theo điểm b khoản 1 Điều 366 BLHS 2015).
Riêng bị can Triệu Thị Chính bị truy tố tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi, theo điểm b khoản 1 Điều 358 BLHS 2015. Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, bà Chính là phó chủ tịch hội đồng, trưởng ban chấm thi Hội đồng thi THPT tỉnh Hà Giang.
Theo thông tin chúng tôi nắm được, ngoài việc chuyển kết luận điều tra sang VKSND cùng cấp đề nghị truy tố các bị can, Công an tỉnh Hà Giang còn có văn bản gửi cấp có thẩm quyền đề nghị xem xét, có hình thức xử lý phù hợp tùy theo tính chất, mức độ đối với những phụ huynh có con được nâng điểm.
Theo Công an tỉnh Hà Giang, các vị phụ huynh trên đều đang sinh sống, làm việc trong các cơ quan sở, ban, ngành, đoàn thể của tỉnh Hà Giang hoặc làm nghề nông nghiệp, kinh doanh, lao động tự do... tại địa bàn tỉnh và một số địa phương khác. Trong đó có nhiều vị đang đảm nhiệm vị trí quan trọng tại các cơ quan, tổ chức.
Các bị can trong vụ án. Ảnh: Tư liệu
Phó giám đốc nhờ nâng điểm cho con
Theo tài liệu điều tra, hai bị can Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đã bàn bạc thống nhất thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong kỳ thi THPT quốc gia năm 2018 môn trắc nghiệm, vi phạm quy chế thi.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Nguyễn Thanh Hoài là phó chủ tịch kiêm ủy viên thường trực hội đồng thi, trưởng ban thư ký hội đồng thi, phó trưởng ban thường trực ban chấm thi tại Hà Giang. Lợi dụng cương vị này, Hoài đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho Vũ Trọng Lương.
Sau khi tiếp cận nơi lưu giữ, Lương di chuyển các hòm đựng bài thi trắc nghiệm đã quét xong và một số thiết bị phục vụ công tác chấm thi trắc nghiệm (gồm máy tính và hai máy quét bài thi) về Phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục. Tại đây, Lương lên mạng tải đáp án của Bộ GD&ĐT vào phần mềm Excel rồi thao tác làm sai lệch kết quả thi của nhiều thí sinh.
Kết quả Lương trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội, tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi. Các môn được nâng điểm gồm: Môn toán: 102 bài thi; môn lý: 85 bài thi; môn hóa: 56 bài thi; môn sử: bảy bài thi; môn địa: một bài thi; môn tiếng Anh: 50 bài thi; môn sinh: tám bài thi.
Đáng chú ý, theo cơ quan tố tụng tỉnh Hà Giang, thí sinh được nâng điểm cao nhất có số báo danh 05000592. Thí sinh này được nâng bốn môn thi trắc nghiệm (toán, ngoại ngữ, hóa, lý) với số điểm chênh lệch lên tới 29,95 điểm. Thí sinh được nâng ít nhất có số báo danh 05000398, nâng một môn trắc nghiệm (toán), số điểm chênh lệch 2,2 điểm.
Đặc biệt, kết quả điều tra cũng xác định bị can Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT) đã nhờ Nguyễn Thanh Hoài nâng điểm cho con của mình với số điểm được nâng khống lên tới 13,3 điểm.
Đối với bị can Lê Thị Dung, do mối quan hệ quen biết nên đã nhờ bị can Hoài nâng điểm cho 20 thí sinh, kết quả 20 thí sinh đều được nâng điểm.
Riêng bị can Triệu Thị Chính, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT, đã không thực hiện đúng chức trách, nhiệm vụ của trưởng ban chấm thi, vi phạm quy chế thi, đã đưa một danh sách 13 thí sinh nhờ bị can Hoài nâng điểm môn ngữ văn cho 12 thí sinh (một thí sinh nhờ xem điểm). Giữa hai bị can đã thống nhất số điểm cần nâng đạt được, tuy nhiên vì lý do khách quan nên bị can Hoài chưa thực hiện can thiệp nâng điểm.
Bộ Công an giám sát điều tra Tại buổi chất vấn ngày 4-6, Đại tướng Tô Lâm, Bộ trưởng Bộ Công an, cho biết Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an và công an các tỉnh Sơn La, Hà Giang, Hòa Bình đang điều tra ba vụ, 16 bị can liên quan đến gian lận thi cử THPT quốc gia năm 2018. Để đảm bảo đúng hạn điều tra theo quy định, trước mắt CQĐT kết luận, đề nghị truy tố các bị can xác định rõ hành vi lợi dụng chức vụ, quyền hạn, nhiệm vụ được giao để can thiệp, sửa chữa, nâng điểm cho các thí sinh. Còn việc làm rõ hành vi đưa, nhận tiền đang được tiếp tục điều tra, củng cố chứng cứ. Do tính chất đặc biệt của các vụ án, Bộ Công an luôn luôn đặc biệt quan tâm, chỉ đạo, giám sát điều tra để bảo đảm đúng người, đúng tội, đúng pháp luật. “Bộ Công an đang tiếp tục giám sát chặt chẽ vấn đề này và phối hợp với VKSND Tối cao để giám sát” - Bộ trưởng Tô Lâm nhấn mạnh. Yêu cầu xử lý các cá nhân vi phạm Tại kỳ họp thứ 36 vừa qua, Ủy ban Kiểm tra Trung ương yêu cầu Ban cán sự đảng Bộ GD&ĐT, Ủy ban Kiểm tra Tỉnh ủy các tỉnh Hà Giang, Hòa Bình khẩn trương tiến hành kiểm tra, kiểm điểm, xử lý đối với các tập thể, cá nhân vi phạm trong công tác tổ chức kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, báo cáo Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Tại Sơn La, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã thi hành kỷ luật đối với một loạt cán bộ cấp cao của tỉnh này. Đặc biệt, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đề nghị Ban Bí thư xem xét, thi hành kỷ luật ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT Sơn La. |