NhưPLOđã đưa tin, VKSND tỉnh Hà Giang mới đây đã ban hành bản cáo trạng, chuyển hồ sơ sang TAND cùng cấp để truy tố ra trước tòa năm bị can trong vụ án gian lận điểm thi gây chấn động dư luận hồi năm ngoái.
Bị can Phạm Văn Khuông, cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang.
Trong số này, ông Phạm Văn Khuông (cựu phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang) bị truy tố về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi, quy định tại điểm b khoản 1 Điều 366 Bộ luật hình sự 2015.
Đáng chú ý, theo điều tra, ông Khuông đã nhờ bị can Nguyễn Thanh Hoài (cựu trưởng phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) nâng điểm cho con của mình.
Kết quả, thí sinh có số báo danh 05000284 – con của ông Khuông đã được nâng tới 13,3 điểm.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, ông Khuông là phó giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Hà Giang, phụ trách trực tiếp phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục. Dù vậy, bị can này không tham gia vào hội đồng thi.
Cũng theo cơ quan tố tụng, bị can Vũ Trọng Lương (cựu phó phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục) là người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội đã tác động vào bài làm của 107 thí sinh với 309 bài thi các môn được nâng điểm.
Tại kỳ thi THPT quốc gia năm 2018, Lương là phó ban thư ký Hội đồng thi, Kỹ thuật viên xử lý bài thi trắc nghiệm kỳ thi THPT Hà Giang.
Giữa Nguyễn Thanh Hoài và Vũ Trọng Lương đã có sự bàn bạc thống nhất để thực hiện việc nâng điểm cho các thí sinh trong môn trắc nghiệm.
Cụ thể, công an xác định bị can Hoài chính là người đã đưa chìa khóa nơi lưu giữ bài thi, hồ sơ thi trắc nghiệm đã chấm cho bị can Lương. Việc làm này hoàn toàn trái với quy chế.
Sau khi tiếp cận được nơi lưu giữ, Lương di chuyển các hòm đựng bài thi trắc nghiệm đã quét xong và một số thiết bị phục vụ công tác chấm thi trắc nghiệm (gồm máy tính và hai máy quét bài thi) về phòng Khảo thí và quản lý chất lượng giáo dục.
Tại đây, bị can Lương lên mạng tải đáp án của Bộ GD&ĐT vào phần mềm Ecxel rồi sử dụng các thao tác để làm sai lệch kết quả thi của nhiều thí sinh.
Kết quả, 309 bài thi của 107 thí sinh đã bị can thiệp để nâng điểm, gồm: môn Toán: 102 bài thi; môn Lý: 85 bài thi; môn Hóa: 56 bài thi; môn Sử: 7 bài thi; môn Địa: 1 bài thi; môn Tiếng Anh: 50 bài thi; môn Sinh: 8 bài thi.
Trong số này, thí sinh được nâng điểm cao nhất lên tới 29,95 điểm cho bốn môn thi trắc nghiệm (Toán, Ngoại ngữ, Hóa, Lý); thí sinh được nâng ít nhất là 2,2 điểm cho một môn trắc nghiệm (Toán).
1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng; b) Lợi ích phi vật chất. Điều 366, BLHS năm 2015 sửa đổi năm 2017 |