Trong tuần qua, những bài viết “Lời khai “không tin nổi” của phụ huynh có con được nâng điểm”, “Lời khai khó tin của giám đốc Sở Giáo dục vụ gian lận điểm”, “Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ nhận trách nhiệm vụ gian lận thi cử”… nhận được nhiều bình luận của bạn đọc xoay quanh những vấn đề nóng về chuyện gian lận thi cử ở Sơn La.
Những lời khai khó tin
Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Sơn La đã có kết luận điều tra liên quan đến vụ án gian lận điểm thi THPT quốc gia năm 2018 tại tỉnh này.
Để làm rõ lời khai trên, Cơ quan An ninh điều tra đã làm việc đối với ông Hoàng Tiến Đức, Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Sơn La. Ông này thừa nhận trước khi chấm thi, một số lãnh đạo cơ quan trên địa bàn tỉnh, cán bộ Sở GD&ĐT và người quen ngoài xã hội có con em dự thi đã tìm gặp để nhờ xem trước kết quả thi.
Ông Đức nói chỉ nhận và chuyển thông tin của tám thí sinh để người giúp “xem điểm thi” cho những thí sinh này, chứ không được hưởng lợi về vật chất từ người chuyển thông tin thí sinh cũng như từ gia đình các thí sinh.
Cũng tại phiên thảo luận ở hội trường Quốc hội, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã nhận trách nhiệm thiếu sót liên quan đến việc gian lận điểm thi tại kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2018.
“Lời thú nhận của ông Đức nghe có vẻ gượng gạo và không hợp lý, bởi một người làm giáo dục thì phải biết quy chế thi cử chứ. Đề nghị làm rõ câu chuyện gian lận thi cử này chứ không thể đánh lừa dư luận bằng cách đùn đẩy vô lý như vậy được” - bạn đọc Thanh Nhàn bức xúc.
Bạn đọc Chinh Nghiêm bày tỏ: “Thầy không trung thực, phụ huynh chạy chọt thì bảo làm sao trò, con em không hư. Chạy chọt điểm cao để vào đại học nhưng kiến thức không có, lại chạy chọt để có bằng đại học. Có bằng đại học mất chất, mất lượng kiểu này thì hỏi sao xã hội “ngóc đầu” không nổi. Chưa kể với chi phí đã bỏ ra, các cử nhân tương lai sẽ tiếp tục làm bậy để thu hồi vốn, xã hội càng rối tung. Vụ này người đứng đầu ngành phải có trách nhiệm xử lý đến nơi đến chốn”.
Những bài báo thu hút sự quan tâm bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Những khách hàng vô ý thức ở Auchan
Các bài viết ““Tàn phá” siêu thị Auchan: Người tiêu dùng thua cuộc”, “Khách hàng “tàn phá” siêu thị Auchan: Luật nào xử cho vừa?”... tiếp tục nhận được nhiều bình luận của bạn đọc trong tuần qua.
Thông tin về việc hệ thống siêu thị Auchan xả hàng để chuẩn bị rời khỏi thị trường Việt Nam đã gây xôn xao cộng đồng mạng với hình ảnh cả đám đông người mua tranh giành, giẫm đạp lên hàng hóa, ăn uống sản phẩm trong siêu thị khi chưa trả tiền.
Theo bạn MinhLe, đúng là quá xấu hổ cho người Việt mình, vì những hình ảnh này nó đã lan truyền ra cả nước ngoài rồi. Cả đám đông người lớn giành giật từng món hàng, ăn uống ngay trong siêu thị khi chưa trả tiền cho món hàng đó trước mặt nhiều trẻ nhỏ... Đây là những điều tối kỵ trong cách ứng xử nơi công cộng. Không quá khi nói những hình ảnh đó còn hơn cả trộm cắp.
“Khi phóng viên đi ghi nhận sự việc viết bài nhìn thấy chị kia cắn quả táo, anh nọ rót nước uống nên đã nhắc nhở, bèn bị chửi như tát nước: Đồ vô duyên! Ăn vội một miếng như thế có trường sinh bất lão không? “Bòn rút” một ít rau cải có giúp giàu lên được không? Khác nào trộm cắp - Tôi cho rằng nói câu này còn quá nhẹ” - bạn đọc Ngọc Lan bức xúc.
Đọc qua bài viết, bạn Chuotdong cũng nhìn nhận rằng qua việc Auchan rút khỏi thị trường, chính người Việt mình đã thua một cách đau đớn ngay trên sân nhà.
Làm sao chấm dứt nạn “cưa đôi”? Mới đây, Bộ GTVT vừa hoàn thành dự thảo nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 46/2016 về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đường bộ và đường sắt. Dự thảo nghị định mới này dự kiến sẽ tăng nặng mức phạt đối với các hành vi sử dụng rượu bia, ma túy và nhiều hành vi nguy hiểm khác. Người dân quan tâm làm sao để tránh tình trạng “cưa đôi” giữa CSGT và người vi phạm. Bởi thực tế đã có tình trạng CSGT hoặc chính người vi phạm gạ “cưa đôi” mức phạt theo quy định của pháp luật, không lập biên bản. Bằng cách đó người vi phạm chỉ phải mất nửa số tiền phạt và khỏi chạy tới chạy lui đóng phạt, CSGT thì bỏ túi số tiền ấy. Bài viết “Tăng tiền phạt nhưng phải triệt nạn “cưa đôi” với CSGT” nhận được nhiều góp ý của bạn đọc làm thế nào để việc tăng mức xử phạt vi phạm giao thông được hiệu quả. - Dễ ợt. Chỉ cần ngành công an quy định khi CSGT bị phát hiện “cưa” tiền vi phạm giao thông sẽ bị đuổi việc. Đồng thời, có mức phạt luôn những người đưa tiền CSGT thì không còn chuyện “cưa đôi”. - Đức Hòa - Muốn tăng tiền phạt để răn đe thì cần dẹp nạn mãi lộ. Đồng thời, chính người dân phải có ý thức hơn và nên chấp nhận bị phạt đúng quy định. - Bùi Đăng Lý - Mọi trật tự xã hội đều được pháp luật quy định nhưng thực hiện đều sai, thiếu hoặc làm chưa đến nơi, đến chốn. Vậy việc chấn chỉnh bắt đầu từ người được giao nhiệm vụ, mọi hành vi được giám sát. Quan trọng là phải có cơ chế giám sát hoạt động của CSGT. - Ba Miền Tây |