Hôm qua (11-4), PLO đã đăng tải bài viết Hơn 10 năm đi đòi chế độ hưu trí phản ánh trường hợp của ông cụ 74 tuổi, ngụ xã Lộc Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình mòn mỏi đi đòi quyền lợi về chế độ hưu trí là lương hưu trong hơn 10 năm nhưng đến nay chưa được các cơ quan chức năng giải quyết dứt điểm đã thu hút sự quan tâm của bạn đọc.
Một số bạn đọc cho rằng, người lao động đủ điều kiện nhận lương hưu thì phải được giải quyết quyền lợi, còn chuyện mất hồ sơ gốc là thuộc trách nhiệm của cơ quan nhà nước không thể bắt người dân phải chịu thiệt.
Không thể bắt người dân phải chờ đợi
Bạn đọc Vũ Văn Thân bình luận: “Theo thông tin bài viết cho thấy vụ việc đã được tòa án giải quyết và đã công nhận quá trình đóng BHXH của người dân. Đồng thời, tòa cũng đã công nhận ông cụ đủ điều kiện hưởng lương hưu tại sao không giải quyết truy lãnh. Làm thế là quá cứng nhắc ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân”.
“Vụ việc này phải giải quyết chế độ hưu cho ông Mẫn theo đúng quy định pháp luật. Nếu cơ quan chức năng trả lời không đủ hồ sơ gốc thì cần phải liệt kê những loại giấy tờ nào, do ai cấp để người dân cung cấp chứ không thể trả lời mất và cũng không nêu ra hướng giải quyết cho người dân”- bạn đọc Hùng Nguyễn Thế ý kiến.
Còn bạn đọc Trần Hữu thì bình luận: “Ông cụ năm nay đã hơn 70 tuổi và đã chờ bao nhiêu năm mới nhận được lương hưu. Nay vì lý do mất hồ sơ gốc, không được truy lãnh, ông phải tiếp tục đi kiện, thật quá gian nan. Chẳng biết ông có đủ sức để chờ đến lúc nhận số tiền truy lãnh lương hưu không. Mong rằng các cơ quan chức năng có thể giải quyết một cách linh động để ông cụ được bảo đảm quyền lợi của mình”.
Cần linh động khi giải quyết chế độ hưu trí
Bạn đọc Mylan nêu: “Theo quy định hiện nay cách tính lương hưu của những người làm việc khối doanh nghiệp và khối nhà nước không giống nhau. Cụ thể, theo tôi được biết cách tính lương hưu của những người làm việc ở doanh nghiệp thì cơ sở tính lương hưu là mức bình quân của cả một quá trình đóng BHXH. Tuy nhiên, những người làm việc khối nhà nước thì chỉ tính bình quân của những năm gần nghỉ hưu. Như thế sẽ không công bằng và thiệt thòi cho những người lao động làm việc tại các doanh nghiệp tư nhân. Theo tôi nên xem xét lại cách tính lương hưu của người làm việc tại doanh nghiệp tư nhân để khi về già người dân có mức lương hưu đủ sống”.
Bạn đọc Thanh Hiền chia sẻ: “Tôi trước đây làm việc tại một công ty may và có thời gian làm việc nặng nhọc là 15 năm. Theo quy định tôi sẽ được nghỉ hưu trước tuổi mà không bị trừ % tỉ lệ hưởng lương hưu. Khi đi làm hồ sơ thì công ty tôi làm đã đổi tên, những hồ sơ như bảng lương, hợp đồng làm việc qua hàng chục năm cũng không còn. Tuy nhiên, công ty trước đây tôi làm họ đồng ý xác nhận quá trình làm công việc nặng nhọc cho tôi. Ấy vậy mà vụ việc của tôi cũng không được giải quyết nghỉ hưu trước tuổi dù trên thực tế tôi đủ điều kiện hưởng. Tôi mong rằng, các cơ quan chức năng khi giải quyết một vụ việc nếu có cơ sở xem xét linh động giải quyết để người lao động lớn tuổi được đảm bảo đủ quyền lợi về lương hưu”.