Lương ‘khủng’ lãnh đạo tập đoàn: Mới chỉ phần nổi

Bộ Công Thương vừa công bố báo cáo thu nhập bình quân hằng tháng của viên chức quản lý tập đoàn, tổng công ty năm 2013 trực thuộc Bộ. Theo đó, lương của chủ tịch các tập đoàn dầu khí, điện lực, than có mức 53-65 triệu đồng. Đây cũng là một trong những mức cao của lãnh đạo các tập đoàn.

Đã có ý kiến của Bộ LĐ-TB&XH

Cụ thể, ông Phùng Đình Thực, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN (hiện đã nghỉ hưu), có mức lương 65,81 triệu đồng/tháng; ông Hoàng Quốc Vượng, Chủ tịch HĐTV Tập đoàn Điện lực Việt Nam - EVN 61,32 triệu đồng/tháng; ông Trần Xuân Hòa, Chủ tịch Tập đoàn Than-Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) 53,42 triệu đồng/tháng (hiện đã nghỉ hưu); ông Bùi Ngọc Bảo, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam - Petrolimex 54 triệu đồng.

Cùng với đó, mức thu nhập của một loạt lãnh đạo khác của các tập đoàn này cũng được hé lộ. Theo đó, ông Phạm Lê Thanh - Tổng Giám đốc EVN 53,43 triệu đồng/tháng, các thành viên HĐQT và phó tổng giám đốc khác của EVN có mức thu nhập 48-50 triệu đồng/tháng. Ông Trần Văn Thịnh - Tổng Giám đốc Petrolimex 52 triệu đồng/tháng. Ông Lê Minh Chuẩn - Tổng Giám đốc Vinacomin (hiện là chủ tịch HĐTV) 52 triệu đồng/tháng. Ông Đỗ Văn Hậu - Tổng Giám đốc PVN 64,35 triệu đồng/tháng. Ngoài ra, theo báo cáo, người có mức lương cao nhất là ông Đỗ Ngọc Khải - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Tổng Công ty Dầu thực vật Việt Nam (Vocarimex) với 74,72 triệu đồng/tháng.

Bộ Công Thương cho biết mức lương chi trả cho các lãnh đạo cấp cao tại các doanh nghiệp (DN) trên được thực hiện theo Nghị định 51/2013 của Thủ tướng Chính phủ về việc quy định chế độ tiền lương, thù lao, tiền thưởng đối với viên chức quản lý DN. Theo nghị định này, mức lương cao nhất cho quản lý tập đoàn là 36 triệu đồng cộng với thù lao cao nhất theo mức độ hoàn thành nhiệm vụ không vượt quá 18 triệu đồng.

 Bộ Công Thương cũng cho hay đã phê duyệt quỹ lương, thù lao thực hiện của viên chức quản lý công ty mẹ các tập đoàn kinh tế và tổng công ty năm 2013 sau khi có ý kiến thỏa thuận với Bộ LĐ-TB&XH. Mức lương công bố đã được thông qua các bộ, ngành quản lý khác như Bộ LĐ-TB&XH, Bộ Tài chính.

Lương của lãnh đạo Tập đoàn Dầu khí được xếp vào mức “khủng”. Ảnh: HTD

Báo cáo thu nhập bình quân của viên chức quản lý tập đoàn, tổng công ty trực thuộc Bộ Công Thương năm 2013.

Cần công khai thu nhập ngoài lương

Trao đổi với Pháp Luật TP.HCM, TS Lê Đăng Doanh - chuyên gia kinh tế cho rằng việc Bộ Công Thương công khai các mức thu nhập của các tập đoàn kinh tế nhà nước là điều đáng hoan nghênh. Đây là những DN có tầm ảnh hưởng lớn, chủ đạo của nền kinh tế thuộc các lĩnh vực trọng yếu. So với các công bố trước đây, mức lương này thấp hơn nhiều. Theo Nghị định 51, ngoài mức lương cố định, các lãnh đạo tập đoàn còn có thêm khoản thù lao hệ số tương ứng 1,5 lần. Như vậy đối chiếu với mức công bố, hai con số tương đương nhau. Ngoài ra, nếu theo chuẩn mức quốc tế, mức thu nhập của giám đốc cao hơn mức thu nhập bình quân khoảng 12 lần và khoản thu nhập này sẽ được tính vào thuế thu nhập cá nhân. Nếu đối chiếu với mức trên thì con số báo cáo khá hợp lý.

“Có một giám đốc tập đoàn từng chia sẻ với tôi rằng mức 36 triệu đồng thì không đủ sống nhưng tôi đặt vấn đề lại rằng không đủ sống nhưng ai cũng muốn làm chức đó. Do đó cũng cần phải xem xét lại các mức thu nhập ngoài lương, bởi còn có các chi phí khác như xe cộ, đi lại, nhà công vụ,… thì sẽ cao hơn rất nhiều. Số liệu báo cáo mới chỉ phần nổi, cần phải công khai cả số thu nhập ngoài lương” - ông Doanh nhấn mạnh.

Đồng quan điểm, TS Ngô Trí Long - chuyên gia kinh tế cho rằng con số công bố trên của Bộ Công Thương mới chỉ là phần cứng thu nhập hằng tháng. Tuy nhiên, nếu so với mức lương bình quân hiện nay là quá cao; trong khi đây là các DN nhà nước được nhiều lợi thế về tài nguyên, nhân lực, tài chính,… không chịu nhiều áp lực như các DN khác.

Theo ông Long, phần thu nhập này cần phải được so sánh với thu nhập bình quân của các đối tượng khác cùng tập đoàn. Chẳng hạn như lương bình quân của ngành điện khoảng 5-7 triệu đồng. Như vậy lương lãnh đạo EVN cao hơn gấp 10 lần, đó là chưa kể các nguồn thu nhập khác. Trong khi kinh doanh ngành điện những năm qua đều không hiệu quả. “Việc công bố này đã được kiểm tra của các cơ quan chức năng khác hay chưa? Bởi đây là số liệu từ một phía DN báo cáo, cần có thêm cơ quan kiểm toán vào cuộc xác minh, làm rõ” - ông Long kiến nghị.

TRÀ PHƯƠNG

Lương cứng 36 triệu đồng/tháng

Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo của Petrolimex cho biết mức lương công bố được thực hiện theo Chỉ thị 11/2014 của Bộ Công Thương về công khai, minh bạch sản xuất, kinh doanh. Hằng tháng tập đoàn trả lương bao nhiêu đều được báo cáo cụ thể. 

Theo lãnh đạo này, tiền lương hằng tháng được nhận là 36 triệu đồng, đúng với quy định cho phép. Đến cuối năm, bộ phận tài chính sẽ dựa vào các chỉ tiêu đạt được, tình hình kinh doanh và mức độ hoàn thành nhiệm vụ để đưa ra mức thưởng tương đương theo lợi nhuận. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm