Ngày 22-12, Hội Doanh nghiệp Hàng Việt Nam chất lượng cao phối hợp Hiệp hội Nhựa Việt Nam tổ chức hội thảo “Xu hướng mới trong đóng gói, bao bì- thị trường nội địa và xuất khẩu”.
Ông Nguyễn Như Khuê, Tổng Giám đốc Công ty Công nghệ hóa nhựa Bông Sen cho rằng, các trào lưu trên thế giới là sử dụng bao bì sản phẩm có tính bền vững. Vì vậy, doanh nghiệp (DN) xuất khẩu cần lưu ý khi thế giới có quy định gì về môi trường phải tuân theo.
Đối với nông sản bao bì phải đáp ứng phát triển bền vững, nghĩa là tái sinh dễ dàng. Hiện nay sản phẩm bao bì phối hợp nhiều nguyên liệu không được khuyến khích nữa do không dễ tái sinh.
Trong khi đó, ông Trần Việt Anh, Chủ tịch Hiệp hội tái chế Việt Nam cho biết, điều quan trọng nhất với DN Việt là tái chế cao su và nhiệt điện.
Hiện một tháng Việt Nam thải 40 tấn vỏ xe và các sản phẩm cao su các loại, tương đương 480 ngàn tấn/năm. Do đó, kinh tế tuần hoàn, tái chế là câu chuyện dài.
Bên cạnh đó, vấn đề hủy và tự hủy ngay cả thế giới đang được tranh luận nhiều. Theo đó, với quan điểm khác nhau khi hiện nay Châu Âu không dùng túi tự hủy, người Nhật cũng không dùng, Mỹ nhập rất ít trong khi các nước Châu Á bắt đầu sử dụng túi tự hủy nhiều.
Tất cả cho thấy quan điểm khác nhau nhưng cái nào cũng có lợi cho môi trường và có cái chung là tái chế.
|
Các siêu thị khuyến khích người tiêu dùng sử dụng túi thân thiện môi trường |
Theo ông Trần Việt Anh, Việt Nam mỗi năm tiêu thụ khoảng 10 tỉ gói mì ăn liền nhưng bao bì không ai quan tâm đi về đâu, chắc chắn là không tái chế.
“Trước đây một sản phẩm nhựa, bao ni lông vứt ra đường người ve chai thu gom hết. Chúng tôi là thế hệ đi đầu tái chế thành những túi ni lông đen. Nghĩa là DN Việt Nam đã đi đầu tái chế cách đây vài chục năm nhưng bây giờ cuộc sống phát triển hơn, người dân toàn dùng hàng nguyên sinh”-ông Việt Anh nói.
Ông nhìn nhận việc tái chế rác thải của Việt Nam khó khăn do chưa phân loại được, phần lớn là là rác được gom lại rồi đi chôn. Vì vậy, có công ty đầu tư nhà máy đốt rác nhưng không hoạt động được.
Nhật Bản mỗi năm nhập 600.000 ngàn tấn các loại túi xốp trong khi Việt Nam quy định cấm nhập nếu không phải là tự hủy.
Nguyên nhân do người dân Nhật Bản phân loại rác tốt và theo đánh giá cơ quan môi trường Nhật thì 90% lượng túi xốp nhập khẩu được quay lại đốt rác. Phần lớn điện sử dụng ở Nhật là nhờ phát điện từ rác…
“Giải pháp của chúng ta là phải biết sử dụng tái chế và sử dụng tái chế trong nước. Có nghĩa là không nhập khẩu phế liệu về, không tiếp nhận những FDI tạo ra nguyên liệu và phế thải, không duyệt dự án đầu tư tạo ra sản phẩm không tái chế được. Tái chế phải song hành với tất cả các ngành chứ không riêng ngành nào”- ông Anh nhấn mạnh.