Cần gấp hệ sinh thái vốn đầu tư nước ngoài cho TP.HCM

(PLO)-  Để thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI), ngoài vấn đề ưu đãi còn cần đến chất lượng nhân lực, trình độ quản lý, hạ tầng...
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chuyến làm việc tại Mỹ của Đoàn đại biểu TP.HCM do ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TP, làm trưởng đoàn đang tạo ra những kỳ vọng về thu hút đầu tư, phát triển TP. Trước đó, báo cáo kinh tế vĩ mô (do ĐH Kinh tế - Luật, ĐH Quốc gia TP.HCM công bố) cho thấy nguồn vốn FDI vào TP giảm từ năm 2021, đặc biệt giảm sâu trong sáu tháng đầu năm nay. Các dự án thu hút mới vẫn ở quy mô nhỏ và siêu nhỏ, bình quân vốn chưa đạt 1 triệu USD/dự án.

Lý do FDI giảm mạnh

TS Hồ Quốc Tuấn, giảng viên ĐH Bristol (Anh), cho rằng vấn đề lớn nhất của TP.HCM là thiếu một chiến lược thu hút FDI tương xứng với vai trò đầu tàu kinh tế và công nghệ của cả nước. Các tổ chức như IMF đã khuyến nghị rằng việc nâng cao năng suất lao động và chuyển đổi số phải là trọng tâm để tăng sức cạnh tranh. Tuy nhiên, thị trường lao động có sự bất cân xứng, thiếu lao động có kỹ năng trong khi thừa lao động thiếu tay nghề, nhất là về chuyển đổi số.

Cũng theo ông Tuấn, trong khi Việt Nam (VN), Thái Lan, Malaysia được cho là đã thu hút nhiều vốn đầu tư từ dòng vốn chuyển ra khỏi Trung Quốc theo xu thế tái định hình chuỗi cung ứng toàn cầu, hầu hết vốn đầu tư tập trung vào VN hay TP.HCM vẫn nằm ở khu vực thâm dụng lao động. “Nói cách khác, các công ty FDI vẫn chưa tập trung các chuỗi giá trị cao hơn vào VN, mà chủ yếu tận dụng lợi thế nhân công giá rẻ, vì vậy không bền vững” - ông Tuấn chia sẻ.

Công nhân của một doanh nghiệp FDI trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Công nhân của một doanh nghiệp FDI trong Khu công nghệ cao TP.HCM. Ảnh: QUANG HUY

Ở khía cạnh khác, TS Ngô Minh Hải, Phó Hiệu trưởng ĐH Gia Định, cho rằng FDI giảm mạnh một phần khách quan do gia tăng rủi ro trong môi trường kinh tế - địa chính trị toàn cầu như dịch bệnh, suy thoái, lạm phát, chiến tranh...

Cạnh đó, nhiều nhà đầu tư nước ngoài cũng đang trong giai đoạn tái cơ cấu chuỗi cung ứng, sản xuất và cả thị trường sau giai đoạn đại dịch. “Ngoài ra, dù vượt qua đại dịch nhưng VN vẫn đang gặp khó khăn trong kết nối hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực, nguyên vật liệu và rủi ro chi phí tăng do lạm phát” - ông Hải nói.

Xây dựng hệ sinh thái cho FDI

Để thu hút FDI, TS Hồ Quốc Tuấn cho rằng ngoài vấn đề ưu đãi còn cần đến chất lượng nhân lực, trình độ quản lý, hạ tầng… Hệ sinh thái đó đang vướng mắc nhiều vấn đề. Ví dụ, VN đang đứng trước một cơ hội do sự phát triển của kinh tế số đem lại nhưng ở ASEAN, theo tạp chí Financial Times, VN có tỉ lệ đầu tư vào kỹ năng số và đặc biệt là trí tuệ nhân tạo ở mức thấp. Trong khi đó, nền giáo dục của VN có nhiều yếu tố thuận lợi để đào tạo chuyên viên có kỹ năng trong lĩnh vực máy học và khai thác dữ liệu. Đây là một cơ hội rất tốt để làm mới lại năng lực nội tại, thu hút FDI nhờ nhân lực có kỹ năng.

Ông Tuấn cũng cho rằng cuộc đua xuống đáy của ưu đãi chính sách vừa là nguyên nhân nhưng cũng là hệ quả của việc không có một chiến lược đồng bộ nhằm đẩy mạnh các yếu tố cốt lõi như trình độ nhân lực, năng suất lao động và chuyển đổi số.

“Đây là lúc cần có một sự thay đổi nếu không sẽ bỏ lỡ cơ hội. Không cần một sự “đột phá” nào cả, chỉ cần nhìn nhận lại các yếu tố cốt lõi và cần một định hướng thu hút FDI với tầm nhìn dài hạn, tách ra khỏi những mục tiêu “lập công”, “khoe thành tích” trong ngắn hạn của các địa phương” - ông Tuấn nhấn mạnh.

Đồng tình, TS Ngô Minh Hải cũng cho rằng nguồn nhân lực giá rẻ, tập trung ở các TP lớn không còn là lợi thế bền vững. Kỹ năng mềm, kỹ năng công nghệ, năng lực ngoại ngữ vẫn là điểm yếu chí mạng của chúng ta. Mặt khác, dù môi trường kinh tế, chính trị và chính sách ưu đãi của TP.HCM nói riêng và VN nói chung tương đối tốt nhưng không thể bám mãi vào các chính sách này.

“Song song đó phải giải quyết các nút thắt lớn như hạ tầng, logistics, nguồn nhân lực chất lượng cao, quy hoạch phát triển ở quy mô quốc gia. Từ đó có chiến lược, quyết sách cho từng địa phương để phát huy lợi thế riêng (ví dụ TP.HCM là các ngành công nghệ cao, FinTech…). Chúng ta xây dựng hệ sinh thái doanh nghiệp xoay quanh các lợi thế ấy. Từ đó, dòng vốn FDI sẽ đến rất tự nhiên để cùng tạo ra giá trị win-win, tức đôi bên cùng có lợi” - ông Hải khuyến nghị.

Lãnh đạo TP.HCM nhiều hoạt động quan trọng ở Mỹ

Trong chuyến thăm Mỹ từ ngày 18 đến 25-7, Đoàn đại biểu TP.HCM gặp gỡ Ngân hàng Mỹ (BofA), Quỹ đầu tư Kolhberg Kravis Robert (KKR), Công ty tư vấn McKinsey & Company, Công ty Sasaki Associates Inc và nhiều doanh nghiệp Mỹ, lãnh đạo chính quyền địa phương tại Mỹ như TP Los Angeles.

Chuyến đi nhằm xúc tiến hợp tác, đầu tư vào một số lĩnh vực quan trọng như công nghệ, tài chính, giáo dục, phát triển hạ tầng đô thị - TP thông minh… Đồng thời, lãnh đạo TP mong muốn học hỏi kinh nghiệm trong việc chuyển đổi số, xây dựng trung tâm tài chính quốc tế, FinTech. TH

--------------

GÓC NHÌN:

Thông điệp kép từ chuyến thăm Mỹ của lãnh đạo TP.HCM

Chuyến thăm và làm việc của đoàn công tác TP.HCM do Chủ tịch UBND TP Phan Văn Mãi dẫn đầu có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh TP.HCM đang quyết tâm thu hút vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI).

Trong sáu tháng đầu năm, thu hút FDI vẫn “dưới tiềm năng”. Nhiều báo cáo kinh tế chỉ ra TP cần một cách tiếp cận khác để thu hút FDI, đặc biệt vào các dự án phát triển hạ tầng giao thông, dịch vụ cảng biển, trung tâm tài chính quốc tế, kinh tế số.

Nhu cầu thu hút FDI diễn ra khi đại dịch COVID-19, thiên tai, căng thẳng đối đầu Mỹ - Trung Quốc, chiến sự Nga - Ukraine… làm tổn thương hệ thống sản xuất và cung ứng hàng hóa, nguyên vật liệu của thế giới. Trong khi đó, dòng dịch chuyển chuỗi sản xuất của các tập đoàn đa quốc gia “đưa sản xuất về lại nước gốc” của họ (reshore) đang diễn ra, tiêu biểu nhất là Mỹ.

Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi gặp các doanh nghiệp tại Mỹ ngày 23-7.Ảnh: NGỌC DIỄM
Chủ tịch UBND TP.HCM Phan Văn Mãi tại buổi gặp các doanh nghiệp tại Mỹ ngày 23-7.Ảnh: NGỌC DIỄM

Mới đây, Mỹ và 17 nền kinh tế đối tác đã ra tuyên bố chung về hợp tác phát triển chuỗi cung ứng toàn cầu sau Diễn đàn bộ trưởng nguồn cung do Mỹ tổ chức. Họ tìm cách thúc đẩy các giá trị về minh bạch, đa dạng, an ninh và bền vững cho chuỗi cung ứng toàn cầu.

Chắc chắn Việt Nam (VN) không thể đứng ngoài vùng chịu tác động từ sự vận động của 18 nền kinh tế lớn kể trên, bởi họ chiếm phần lớn GDP và chi phối hầu hết nền sản xuất, cung ứng toàn cầu. VN phải thuyết phục các nước đối tác bằng “lợi ích kinh tế”, bằng sự thịnh vượng mà các bên cùng có được nếu chọn VN là điểm đến.

Tuy vậy, nếu chỉ chia sẻ lợi ích thì chưa đủ. Các nền kinh tế lớn hiểu rằng trong bối cảnh cạnh tranh địa chiến lược gay gắt, các chuỗi sản xuất, cung ứng có tầm quan trọng chiến lược của họ cần được đảm bảo bởi các “đối tác chiến lược”, được ví như những “người bạn” chia ngọt sẻ bùi. Trong bối cảnh FDI vào VN còn tập trung vào các nhóm ngành thâm dụng lao động (giá rẻ), giá trị thấp thì việc trở thành người bạn chiến lược với các nền kinh tế lớn là rất cần thiết.

Điều này khiến chúng ta liêntưởng đến khái niệm “friendshore”, miêu tả sự phát triển của các chuỗi cung ứng toàn cầu được dẫn dắt bởi Mỹ, Nhật Bản, hay châu Âu với các đối tác mà họ cho là thân thiện, đáng tin cậy, có thể chia sẻ sự hiểu biết lẫn nhau về nhân sinh quan, tổ chức xã hội và điều hành chính sách.

Những chuyến thăm của lãnh đạo đến các nước chuyển đi thông điệp VN mong muốn trở thành người bạn tin cậy của các nước, qua đó tạo ra vị thế và lợi thế. Điểm quan trọng hơn nữa, cần phát triển, cụ thể hóa lợi thế đó thành các dự án, công trình.

Điển hình, các siêu dự án hạ tầng, cảng biển đòi hỏi cách tiếp cận theo vùng hoặc thậm chí quốc gia. Tương tự, hợp tác về kinh tế số, trung tâm tài chính cũng cần một khung thể chế mang tính đột phá, trước mắt là thí điểm để thực hiện những kế hoạch mà khung pháp lý hiện hành chưa có hoặc chưa kịp bổ sung. TS TRƯƠNG MINH HUY VŨ

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm