Lý do Cần Thơ triển khai cho F0 dùng thuốc kháng virus còn chậm

Chiều 1-12, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác có buổi làm việc với UBND TP Cần Thơ về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn cùng đoàn công tác làm việc về công tác phòng, chống dịch ở Cần Thơ chiều 1-12. Ảnh: NHẪN NAM

Báo cáo với đoàn, đại diện Sở Y tế TP Cần Thơ cho biết, trong những ngày qua, số ca mắc mới gia tăng trong đó có nhiều ca phát hiện qua sàng lọc tại cơ sở y tế do mầm bệnh đã tồn tại trong cộng đồng, nhiều ca không có triệu chứng, không có nguồn lây…

Về đánh giá cấp độ dịch, ngành y tế đánh giá TP đang ở cấp độ 4 do không đạt yêu cầu tối thiểu 80% người từ 50 tuổi trở lên được tiêm đủ liều vaccine. Ngoài ra, ngành y tế còn báo cáo về công tác xét nghiệm, cách ly, điều trị, hậu cần…

Bí thư Thành ủy Cần Thơ Lê Quang Mạnh cho biết, TP đã tiêm vaccine mũi 1 cho người trên 18 tuổi đạt trên 97%, cứ người sống ở TP là tiêm không phân biệt, còn tính trên số liệu dân cư thống kê là trên 100%. Số lượng từ chối tiêm mỗi quận huyện khoảng 150-200. Mũi 2 thực tế cũng phải được 82-83% nhưng vừa qua do F0 tăng nên y tế cơ sở hút vào việc khác nên việc nhập dữ liệu trên hệ thống tiêm chủng chậm. Đối tượng trên 50, 65 tuổi thực tế cũng phải trên 80%.

Theo ông Mạnh, việc triển khai cho F0 tại nhà uống thuốc Molnupiravir của TP còn chậm do bác sĩ còn lo lắng, e ngại, mong đoàn hướng dẫn thêm. Cạnh đó, mấy ngày gần đây số ca tử vong của TP tăng nhanh, ca cấp cứu hai ngày nay cũng tăng…

Vì vậy, TP mong được đoàn của Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể về cách dùng thuốc Molnupiravir cho F0 xin cấp thêm thuốc này do lượng F0 của TP hiện rất cao trên 13.000 người. Bên cạnh đó là cách thức chữa, điều trị và giám sát hỗ trợ điều trị từ xa; cử thêm lực lượng hỗ trợ TP trong vài ngày tới, dự báo trong ba hoặc bảy ngày nữa sẽ thực sự báo động.

Các thành viên của đoàn công tác đã góp ý về từng vấn đề TP nêu ra. Trong đó, về năng lực điều trị, Cần Thơ được đoàn đán khá tốt so mặt bằng chung toàn quốc. Tuy nhiên, qua đánh giá của TP thì lại thấy còn lúng túng trong việc sử dụng thuốc như nào…

Phó Cục trưởng Cục KHCN & Đào tạo, Bộ Y tế Nguyễn Ngô Quang đề nghị Cần Thơ nên triển khai sớm sử dụng thuốc Molnupiravir cho F0 tại nhà. Ảnh: NHẪN NAM

Ông Nguyễn Ngô Quang–Phó Cục trưởng Cục KHCN & Đào tạo, Bộ Y tế cho biết, kinh nghiệm là nếu đưa thuốc điều trị kháng virus sớm cho F0 nhẹ, chưa triệu chứng thì giảm khả năng tăng nặng, giảm khả năng lây nhiễm, phòng chống dịch rất hiệu quả. Kinh nghiệm tại TP.HCM từ tháng 8 cho thấy giảm hẳn tầng 2, 3. Cần Thơ nên triển khai sớm sử dụng thuốc Molnupiravir cho F0 tại nhà.

“Chạy ngay chương trình này càng sớm càng tốt, cần thì ngày mai có người ở lại cầm tay chỉ việc để chạy ngay chương trình này. Đồng Tháp, Kiên Giang đã chạy chương trình này, giảm 80%, rất hiệu quả” – ông Quang nhấn mạnh.

Kết luận cuộc họp, thứ trưởng Nguyễn Trường Sơn cho rằng, về đánh giá cấp độ dịch, như báo cáo của Bí thư TP và cập nhật của Bộ thì tỉ lệ bao phủ vaccine mũi 1 của TP đã chiếm 97%, mũi 2 cũng 85-87% rồi. Thành ra tỉ lệ người trên 50 tuổi được tiêm, theo báo cáo của Sở Y tế là 70,6% thì TP nên xem lại về tỉ lệ này. TP không nên để cấp độ này vì nỗ lực của tất cả mọi người từ chính quyền đến người dân tham gia tự nguyện vào công tác tiêm vaccine đạt kết quả rất cao như vậy mà lại bị tăng cấp độ, nên đề nghị lưu ý thống kê phải chính xác hơn.

Theo ông Sơn, trong đối tượng trên 50, 65 tuổi có những đối tượng không thể tiêm được. Do vậy nếu TP cân đối lại được chỉ số này và tỉ lệ nhiễm/mắc trên địa bàn giao cho chính quyền linh hoạt. Nên về cấp độ, ông Sơn đề nghị xem lại để có nhận xét khách quan hơn, trung thực hơn với tình hình.

“Theo tôi cấp độ 3 là phù hợp so với các tỉnh thành khác” – ông Sơn nói.

Cạnh đó, thứ trưởng Bộ Y tế TP cũng lưu ý TP về một số nội dung truyền thông, giám sát dịch tễ, điều trị F0. Trong đó, thứ trưởng Sơn cho rằng điều trị F0 tại nhà hết sức quan trọng. Ông đánh giá TP Cần Thơ xây dựng hệ thống điều trị F0 tại nhà tương đối nhanh nhưng cần làm sao để các F0 này tiếp cận dịch vụ y tế nhanh nhất và hiệu quả nhất, đặc biệt làm sao tăng bao phủ thuốc Molnupiravir cho người bệnh…

Đừng bỏ lỡ

Đọc thêm

Bác sĩ Phòng khám vệ tinh Vĩnh Lộc B phối hợp với nhân viên y tế của Trạm y tế Vĩnh Lộc B xử lý vết thương cho một bệnh nhi. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Phòng khám đa khoa vệ tinh, cánh tay nối dài của BV

(PLO)- Sở Y tế TP.HCM cho biết sẽ tiếp tục hỗ trợ các phòng khám đa khoa vệ tinh trên địa bàn cải tiến, nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, tạo điều kiện thuận lợi để người dân được tiếp cận với dịch vụ y tế chất lượng tốt và gần nơi ở nhất.

Đưa bệnh viện về gần dân nhưng vướng nhiều thứ

Đưa bệnh viện về gần dân nhưng vướng nhiều thứ

(PLO)- Tại TP.HCM, bên cạnh một số phòng khám đa khoa vệ tinh hoạt động khá hiệu quả vẫn có những phòng khám chỉ hoạt động cầm chừng hoặc được một thời gian thì đóng cửa do vướng thủ tục BHYT, thiếu nhân sự…

Người dân đang chờ khám bệnh tại Phòng khám đa khoa vệ tinh Linh Xuân, TP Thủ Đức, TP.HCM. Ảnh: THẢO PHƯƠNG

Trạm y tế đông nhờ phòng khám đa khoa vệ tinh

(PLO)- Việc đưa các chuyên khoa và nhân lực từ bệnh viện quận, huyện về tuyến dưới thông qua mô hình phòng khám đa khoa vệ tinh giúp tăng cường năng lực y tế cơ sở, giảm áp lực cho các bệnh viện tuyến trên.