Hãng tin AFP dẫn lời các chuyên gia cho biết trận động đất mạnh xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ và Syria sáng 6-2 trở nên đặc biệt nguy hiểm do sự kết hợp của nhiều yếu tố, bao gồm thời gian, vị trí, kết cấu tòa nhà, thời tiết...
Tính đến sáng 7-2 (giờ địa phương) đã có hơn 4.300 người thiệt mạng trong trận động đất mạnh 7,8 độ richter gần biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria, con số thiệt hại dự kiến sẽ còn tăng lên khi các dư chấn dội lại suốt cả ngày.
Dưới đây là một số nguyên nhân khiến trận động đất này gây thiệt hại khủng khiếp:
Về cường độ, sức mạnh của trận động đất là rất khủng khiếp - đây là trận động đất mạnh nhất xảy ra ở Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 1939. Thêm vào đó, tâm chấn của trận động đất nằm ngay khu vực đông dân cư, nơi sinh sống của khoảng 2 triệu người.
Hiện trường vụ động đất ở TP Kahramanmaras (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 6-2. Ảnh: REUTERS |
Nhà nghiên cứu Roger Musson tại Cơ quan Khảo sát Địa chất Anh chia sẻ với AFP một giả thuyết về nguyên nhân khiến thảm họa lần này trở nên tồi tệ. Theo ông, mặc dù Thổ Nhĩ Kỳ nằm trong khu vực động đất hoạt động mạnh nhất thế giới nhưng trận động ngày 6-2 xảy ra dọc theo đường đứt gãy Đông Anatolia - nơi đã không xảy ra động đất mạnh trong hơn 2 thế kỷ, thế nên mọi người có thể đã “bỏ qua mức độ nguy hiểm” của nó.
Bên cạnh đó, việc không xảy ra động đất lớn quá lâu nên có thể “khá nhiều năng lượng” đã tích tụ tạo nên một trận động đất cường độ mạnh. Ông cho biết sức mạnh của các dư chấn (bao gồm một trận động đất mạnh 7,5 độ richter) đã ủng hộ giả thuyết này.
Ông Musson cũng cho rằng việc xây dựng các tòa nhà ở Thổ Nhĩ Kỳ không “thực sự phù hợp với một khu vực dễ bị động đất lớn”.
Nhà nghiên cứu núi lửa tại Đại học Portsmouth (Anh) - bà Carmen Solana cho biết vì không thể dự đoán được động đất nên các tòa nhà chống rung là rất quan trọng ở những khu vực dễ bị tác động.
Tuy nhiên, bà nói thêm “thật không may khi các cơ sở hạ tầng chống thiên tai còn chắp vá ở Nam Thổ Nhĩ Kỳ và đặc biệt là Syria, vì vậy việc cứu sống nạn nhân hiện chủ yếu phụ thuộc” vào nỗ lực giải cứu.
Ngoài ra, động đất xảy ra lúc 4 giờ 17 sáng, nghĩa là lúc đó những người dân tại khu vực vẫn còn đang ngủ và không kịp phản ứng trước tai họa.
Nỗ lực tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp tục xung quanh đống đổ nát ở TP Diyarbakir (Thổ Nhĩ Kỳ) ngày 7-2. Ảnh: ANADOLU AGENCY |
Nỗ lực giải cứu nạn nhân mắc kẹt cũng bị tác động bởi điều kiện thời tiết. Đài CNN tối 6-2 dẫn lời Bộ trưởng Y tế Thổ Nhĩ Kỳ - bà Fahrettin Koca cho biết: “Điều kiện thời tiết và quy mô của thảm họa khiến các đội cứu hộ khó tiếp cận khu vực”, cho biết thêm rằng “các máy bay trực thăng không thể cất cánh do điều kiện thời tiết”.
Quỹ Nhi đồng Liên Hợp Quốc (UNICEF) ngày 6-2 cho biết: “Bão tuyết lớn gần đây cũng tấn công các khu vực của Syria và Thổ Nhĩ Kỳ, dự báo nhiệt độ sẽ xuống dưới 0 độ”.