Nhiều người theo phe biểu tình ở Hong Kong đã tìm kiếm sự hỗ trợ từ cả Mỹ và châu Âu. Vào ngày 19-11, Thượng viện Mỹ đã thông qua dự luật có thể đình chỉ tình trạng kinh tế đặc biệt của Hong Kong, đồng thời trừng phạt các quan chức bị xem là phá hoại quyền tự trị của thành phố này.
Nhưng các nhà ngoại giao nói rằng dù EU vẫn sẽ tiếp tục hỗ trợ Hong Kong về mặt chính trị, những hỗ trợ của EU với Hong Kong sẽ bị hạn chế khi xét đến khía cạnh kinh tế với Bắc Kinh. Một nhà ngoại giao giấu tên nói rằng “EU tuy rất thống nhất trong các tuyên bố được đưa ra nhưng trên thực tế họ không thể làm được gì nhiều”.
Vào tháng 7 vừa qua, Nghị viện châu Âu đã thông qua một nghị quyết không ràng buộc kêu gọi một cuộc điều tra độc lập về việc cảnh sát Hong Kong sử dụng bạo lực chống lại người biểu tình. Nghị quyết cũng kêu gọi Brussels áp đặt các biện pháp kiểm soát xuất khẩu đối với Hong Kong để ngăn chặn việc “sử dụng công nghệ với mục đích vi phạm các quyền cơ bản của con người”.
EU đã liên tục kêu gọi hai bên hạn chế bạo lực và quay lại đối thoại. Hôm 18-11, EU đã phản ứng với cuộc bao vây tại ĐH Bách khoa Hong Kong bằng cách nói cảnh sát nên hạn chế sử dụng vũ lực và thúc giục tất cả các bên kiềm chế.
Ngoại trưởng Anh Dominic Raab cũng dự định thảo luận về tình hình với những người đồng cấp Đức và Pháp, Heiko Maas và Jean-Yves Le Drian, tại Brussels vào ngày 20-11.
Các cuộc đụng độ tại ĐH Bách khoa Hong Kong đã thúc đẩy Brussel đưa ra lời kêu gọi kiềm chế đối với hai bên nhưng các nhà ngoại giao nói rằng EU không muốn hành động dứt khoát hơn. Ảnh: SCMP
Tuy nhiên, những nhà vận động Hong Kong đến thăm châu Âu đã không nhận được kết quả mà họ hy vọng. Trước đó, Bắc Kinh đã thể hiện sự giận dữ đối với dự luật vừa được đề xuất của Mỹ. Điều đó khiến các EU không muốn đưa ra các phát ngôn quá mạnh mẽ đối với vấn đề Hong Kong.
Một số người phe biểu tình, như Hoàng Chi Phong, đã đến thăm châu Âu trong những tháng gần đây nhằm tìm kiếm sự hỗ trợ từ phương Tây và lên án sự cứng rắn của cảnh sát.
Thành viên công đoàn Lee Cheuk Yan nói phản ứng hiện tại của EU tùy thuộc vào ưu tiên của họ là gì. Nếu họ quan tâm đến vấn đề nhân quyền ở Hong Kong và muốn giảm bớt tình trạng bạo lực của cảnh sát và hỗ trợ Hong Kong thì họ hoàn toàn có đủ khả năng để đưa ra quan điểm của họ với Chủ tịch Tập Cận Bình.
Lee cũng cho rằng châu Âu có thể hỗ trợ bằng cách ngưng việc xuất khẩu và bảo trì các thiết bị mà cảnh sát Hong Kong đang dùng, như vòi rồng và xe bọc thép của Pháp.
Thomas Eder, một nhà nghiên cứu tại Viện nghiên cứu Trung Quốc Mercator ở Berlin, cho biết EU sẽ tiếp tục theo dõi việc sử dụng vũ lực của hai bên.
Vấn đề chính mà châu Âu quan tâm đó là “liệu luật pháp Hong Kong còn có thể bảo vệ các quyền tự do cơ bản - và “một quốc gia, hai chế độ” có còn được duy trì hay không” - Eder nói.
Eder nói rằng nếu nền kinh tế và nhà nước pháp quyền của Hong Kong không còn đáng tin cậy nữa, mối quan hệ mật thiết giữa châu Âu với thành phố này so với Trung Quốc sẽ phải được đánh giá lại.