Lý do Indonesia rắn về chủ quyền biển với Trung Quốc

Giữa các diễn biến nóng gần đây ở các vùng biển tranh chấp, chính phủ Indonesia đã thể hiện thái độ cứng rắn trước Trung Quốc (TQ) về chuyện chủ quyền biển.

Gần đây, dù không phải là nước tham gia tranh chấp Biển Đông, Indonesia đã hai lần gửi công hàm lên Liên Hợp Quốc (LHQ) phản đối thái độ TQ ở vùng biển tranh chấp này.

Quyết liệt trong “cuộc chiến công hàm”

Cụ thể, trong công hàm gửi ngày 26-5, Indonesia bác bỏ bản đồ đường lưỡi bò và tuyên bố chủ quyền theo lịch sử của TQ với gần như toàn bộ Biển Đông. Kêu gọi TQ tuân thủ toàn diện Công ước LHQ về Luật Biển 1982 (UNCLOS) - công ước mà TQ là thành viên.

Sau động thái này của Indonesia, ngày 2-6, TQ gửi công hàm lên LHQ phản đối công hàm của Indonesia. Trong công hàm này, TQ có nói các “quyền lịch sử” của mình ở Biển Đông có thể chồng lấn vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Indonesia. TQ có mời Indonesia thương lượng cái mà Bắc Kinh cho là “các tuyên bố quyền và quyền lợi hàng hải chồng lấn” ở Biển Đông.

Họp báo ngày 4-6, Ngoại trưởng Indonesia Retno Marsudi khẳng định quan điểm của nước này về vấn đề Biển Đông là rất rõ ràng và nhất quán. Bà Marsudi nói rõ trong công hàm của mình là Indonesia muốn lặp lại quan điểm nhất quán của mình là “phản đối cái gọi là đường chín đoạn hay quyền lịch sử”.

Ngày 12-6, Indonesia tiếp tục gửi lên LHQ công hàm thứ hai phản đối công hàm ngày 2-6 của TQ và tuyên bố thẳng thừng vùng EEZ hay thềm lục địa của mình không hề có sự chồng lấn nào với các tuyên bố chủ quyền (trái phép) của TQ ở Biển Đông. Công hàm bác tuyên bố của TQ rằng mình có quyền lịch sử ở một số khu vực Biển Đông vốn chồng lấn lên vùng EEZ và thềm lục địa của Indonesia. Theo Indonesia, nếu quyền này có tồn tại trước đó thì nó cũng bị loại bỏ theo các điều khoản trong UNCLOS.

Chưa hết, họp báo ngày 18-6, Ngoại trưởng Marsudi tuyên bố cứng rắn nước này “không có lý do để thương lượng” với TQ về Biển Đông. Bà Marsudi khẳng định dựa theo UNCLOS thì Indonesia không có “tuyên bố chồng lấn” nào với TQ.

Đây không phải là lần đầu tiên Indonesia gửi công hàm lên LHQ liên quan vấn đề Biển Đông. Indonesia từng làm điều tương tự vào năm 2010. Trong công hàm năm 2010, Indonesia cũng nói bản đồ đường chín đoạn của TQ không có cơ sở pháp lý. Tuy nhiên, trong “cuộc chiến công hàm” lần này, có thể thấy thái độ Indonesia với TQ quyết liệt và cứng rắn hơn nhiều.

Tàu hải cảnh TQ (xa) và tàu tuần tra của hải quân Indonesia (gần) đụng độ nhau tại vùng biển quần đảo Natuna hồi tháng 1. Ảnh: REUTERS

Góp phần làm lung lay yêu sách TQ

Có thể thấy gì từ sự cứng rắn của Indonesia với TQ trong chuyện chủ quyền biển? Theo nhiều nhà phân tích, Indonesia thấy cần thiết phải tỏ rõ cho TQ thấy sự nhất quán của mình trong bảo vệ chủ quyền biển.

Nhà phân tích an ninh và quốc phòng Yohanes Sulaiman thuộc ĐH Jenderal Achmad Yani (Indonesia) cho rằng với tình hình hiện tại, theo con đường ngoại giao là phương pháp tốt nhất Indonesia có thể sử dụng để khẳng định quan điểm của mình. Theo chuyên gia quan hệ quốc tế Teuku Rezasyah tại ĐH Padjajaran (Indonesia), Jakarta đã thể hiện sự nhất quán này ở nhiều cấp độ, từ đơn phương đến đa phương, đến khu vực và cả toàn cầu.

Đoàn kết với các thành viên ASEAN sẽ khiến Indonesia và cả ASEAN mạnh hơn. TQ sẽ phải suy nghĩ thận trọng hơn nếu các nước Đông Nam Á đoàn kết lại.

Nhà phân tích YOHANES SULAIMAN 

Trong một bài viết trên báo South China Morning Post, nhà khoa học chính trị, nhà nghiên cứu cấp cao Evan A. Laksmana tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS - Mỹ, chi nhánh Indonesia) nhận định chính sách Biển Đông của Indonesia chủ yếu dựa vào luật quốc tế và đa phương hóa.

Trong một bài viết trên trang phân tích pháp lý Modern Diplomacy ,TS Ahmad Almaududy Amri tại Bộ Ngoại giao Indonesia nhắc đến việc gần đây không chỉ Indonesia mà các nước trong khu vực và cả Mỹ đồng loạt gửi công hàm lên LHQ phản đối các yêu sách của TQ. Theo ông, các nước có sự tự tin này một phần lớn nhờ vào phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài bác yêu sách chủ quyền đường chín đoạn của TQ ở Biển Đông.

TS Armi cho rằng sự phản đối đồng loạt và liên tục của các nước sẽ làm suy yếu tính pháp lý trong yêu sách của TQ ở Biển Đông. Có thể chắc chắn điều này vì phản đối của các nước dựa vào phán quyết của Tòa Trọng tài vốn được thành lập theo UNCLOS. Ngược lại, yêu sách của TQ ở Biển Đông là điều mà Tòa Trọng tài đã bác bỏ.

Một điểm lợi nữa, dựa vào luật pháp quốc tế cho phép Indonesia không phải đầu tư nhiều vào chiến lược ngăn chặn quân sự, trong khi vẫn có thể tách bạch, không để cảm xúc chống TQ xen lẫn vào các vấn đề chính trị nội địa.

Indonesia thường xung đột với Trung Quốc

Dù không phải là nước tranh chấp Biển Đông nhưng Indonesia thường xuyên xung đột với TQ quanh khu vực quần đảo Natuna tiếp giáp Biển Đông. Năm 2016, Indonesia từng xung đột với TQ về quyền đánh bắt cá ở quần đảo Natuna. Vì điều này mà sang năm 2017, Indonesia đã đổi tên quần đảo này thành Biển Bắc Natuna, một động thái được xem là nhằm bác bỏ yêu sách đường chín đoạn của TQ.

Tháng 12-2019, TQ đưa tàu cá và tàu hải cảnh vào vùng biển quần đảo Natuna. Ngoại trưởng Indonesia Marsudi đã từng phải triệu tập đại sứ TQ tại Jakarta để phản đối. Indonesia cũng đã triển khai nhiều tàu chiến và máy bay chiến đấu ra quần đảo Natuna nhưng tàu TQ vẫn không rút đi. Sau một thời gian giằng co, đến tháng 1, Tổng thống Indonesia Joko Widodo ra thăm quần đảo này và đến lúc đó các tàu TQ mới chịu rút đi.

Hiện hải quân Indonesia có bốn tàu chiến ở vùng biển quần đảo này. Không quân, lục quân Indonesia cũng đang ở Natuna. Tuy nhiên, dù lo ngại các căng thẳng gần đây ở Biển Đông nhưng quân đội Indonesia vẫn chưa quyết định triển khai thêm lực lượng ra quần đảo Natuna. 

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm