Lý do Israel dẫn đầu tiêm chủng nhưng vẫn chật vật vì COVID-19?

0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Israel là một trong những hình mẫu tiêu biểu trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 nhờ việc triển khai tiêm ngừa nhanh chóng. Tuy nhiên, trong những tháng trở lại đây, quốc gia này liên tục đối mặt các đợt bùng dịch mới, với hơn 10.000 ca mắc mới mỗi ngày vào đầu tháng 9.

Theo kênh Channel News Asia, một trong những vấn đề chính gây ra tình trạng này mà Israel mắc phải là độ bao phủ vaccine. Mặc dù quá trình tiêm chủng ở Israel triển khai rất nhanh chóng ở giai đoạn đầu, nhưng sau đó đã bị chậm lại.

Độ bao phủ vaccine còn thấp

Theo Channel News Asia, tỉ lệ người dân ở Israel được tiêm một liều vaccine tăng từ 50% vào tháng 2 lên chỉ 68% vào tháng 9. Nước này cũng đã triển khai tiêm ngừa cho trẻ em từ 12 đến 15 tuổi hồi tháng 6, nhưng hiện chỉ có 62% dân số được tiêm hai liều.

Nhân viên y tế tiêm liều vaccine ngừa COVID-19 thứ ba cho người dân ở Israel. Ảnh: AP

Điều này đã khiến Israel tụt lại phía sau về độ bao phủ vaccine so với các quốc gia khác, gồm cả Anh. Có khoảng 30% dân số Israel chưa được tiêm ngừa, nghĩa là  khoảng 2,7 triệu người vẫn có khả năng bị nhiễm bệnh.

Hôm 2-9, Israel ghi nhận thêm 11.187 ca mắc mới, mức cao kỷ lục ngày tại quốc gia này. Theo dữ liệu từ Bộ Y tế Israel, có đến 6.000 ca trong số trên là thuộc nhóm chưa được tiêm chủng, nhưng cũng có hơn 4.000 ca được tiêm chủng đầy đủ. Điều này đã khiến chính phủ nước này khuyến nghị tiêm mũi ba cho toàn bộ người dân từ 12 tuổi trở lên, theo trang Nikkei Asia.

Tuy nhiên, theo các chuyên gia, điều này không đồng nghĩa với việc vaccine không còn hiệu quả. Theo Channel News Asia, biến thể Delta với khả năng lây lan cực kỳ cao chính là nguyên nhân gây nên tình trạng gia tăng các ca nhiễm bệnh.

Dỡ bỏ hạn chế quá sớm?

Vào tháng 7, TS Asher Salmon - Giám đốc Vụ Quan hệ Quốc tế của Bộ Y tế Israel - đã cho rằng Israel “có thể đã dỡ bỏ các hạn chế quá sớm”.

Theo Channel News Asia, nguy cơ lây lan dịch bệnh trong cộng đồng là rất cao ra khi chính sách phòng dịch của quốc gia cho phép người dân tập trung đông mà không áp dụng hoặc áp dụng chỉ một vài các biện pháp hạn chế.

Theo trang Our World in Data, chỉ số Stringency là thước đo đánh giá mức độ nghiêm ngặt của các chính sách ngăn chặn COVID-19 ở mỗi quốc gia trên thế giới. Tính đến ngày 28-8-2021, điểm số của Israel là 45,4, thấp hơn so với New Zealand (96,3) - quốc gia đang nỗ lực kiểm soát đợt bùng dịch mới, nhưng lại cao hơn Anh (44,0) - nơi ghi nhận khoảng 30.000 ca mắc mới mỗi ngày.

Chương trình tiêm mũi ba của Israel

Trước những lo ngại về sự suy giảm kháng thể chống COVID-19 theo thời gian, Israel hiện đang triển khai chương trình tiêm liều vaccine thứ ba cho người dân. 

Các báo cáo ban đầu đưa ra nhiều tín hiệu tích cực về liều vaccine tăng cường. Theo Channel News Asia, nguy cơ nhiễm virus SARS-CoV-2 ở những người đã được tiêm mũi ba thấp hơn 11 lần so với những người được tiêm hai liều vaccine, song đây chỉ mới là các đánh giá ban đầu.

Chuyện tiêm liều vaccine thứ ba vẫn còn đang gây tranh cãi trên thế giới. Ngày càng có nhiều lời kêu gọi các quốc gia có thu nhập cao chia sẻ vaccine cho các nước có thu nhập thấp hơn. Tính đến đầu tháng 9, chỉ có 5,4% dân số châu Phi đã được tiêm ít nhất một liều vaccine COVID-19.

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã kêu gọi tạm hoãn việc tiêm mũi tiêm nhắc lại cho đến ít nhất là cuối tháng 9, nhưng dường như không có quốc gia nào có dấu hiệu thay đổi chính sách của họ, kể cả Israel.

Nhìn chung, việc triển khai tiêm mũi ba của Israel cũng được cho là đã thực hiện rất thành công. Tuy nhiên, Israel cũng sẽ là một ví dụ điển hình về việc có thể đối mặt với nguy cơ tái bùng dịch nếu các biện pháp hạn chế được dở bỏ quá sớm.

Channel News Asia nhận định bất kể tình trạng tiêm vaccine của các quốc gia là như thế nào, họ cần phải có các kế hoạch dài hạn để giảm thiểu sự ảnh hưởng của COVID-19 cả trong và sau đại dịch.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm