Lý do khiến mẹ Việt căng thẳng giữa công việc và gia đình

Đó là một phần nội dung của ấn bản "Khảo sát người mẹ đi làm tại Việt Nam" do Adecco Việt Nam, nhà cung cấp các giải pháp nhân sự có trụ sở chính tại Thụy Sỹ công bố ngày 10-5. 

Theo khảo sát của Adecco, hiện có hơn 48% phụ nữ tham gia lực lượng lao động, mô hình gia đình hiện đại cả vợ và chồng đều tham gia xây dựng kinh tế. Tuy vậy, người mẹ đi làm tại Việt Nam đối diện với hai vấn đề lớn nhất là thời gian và kiểm soát căng thẳng.

Nỗi lo nghỉ thai sản khiến doanh nghiệp luôn đặt câu hỏi về tình trạng hôn nhân và gia đình. Ảnh: P.ĐIỀN

Đại diện Adecco cho hay, có 75% người mẹ dành hơn 40 tiếng mỗi tuần làm việc tại công ty. Với 8 tiếng làm việc tại công ty mỗi ngày, 33% bà mẹ vẫn dành ít nhất 2 giờ/ngày cho những công việc không tên (việc nhà, chăm sóc người thân…).

Tuy nhiên không phải doanh nghiệp nào cũng linh hoạt trong giờ giấc công việc. Cách chấm công bằng quét vân tay khá phổ biến tại nhiều văn phòng với điểm cộng như công bằng, minh bạch và hiệu quả. Trong khi đánh giá người lao động làm việc tốt hay không không chỉ dựa trên thời gian đi làm của họ.

Ông Andree Mangels, Tổng Giám đốc Adecco Malaysia & Việt Nam, đánh giá năng suất làm việc nên được đặt lên hàng đầu khi đánh giá nhân viên. Chỉ khi công việc được hoàn thành tốt và đúng thời gian, công ty mới có thể vận hành hiệu quả.

Đồng thời quá trình tuyển dụng, lao động nữ vẫn gặp khá nhiều rào cản. Nỗi lo nghỉ thai sản khiến doanh nghiệp hỏi về tình trạng hôn nhân và gia đình của ứng viên nữ, thay vì tập trung vào kinh nghiệm và mong muốn phát triển nghề nghiệp.

Ngoài ra không chỉ thời gian, kỹ năng nhận biết và kiểm soát căng thẳng cũng là đề bài khó với người mẹ đi làm với hơn 97% bà mẹ tham gia khảo sát cho biết thường xuyên căng thẳng khi phải cân bằng giữa công việc và gia đình. Mặt khác, sự ủng hộ của người bạn đời cũng là một yếu tố quan trọng đối với người mẹ đi làm.

Đáng chú ý có hơn 93% đàn ông tham gia khảo sát của Adecco cho biết họ ủng hộ vợ đi làm, kể cả khi không phụ thuộc vào tài chính.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm