Nhiều người dân ở TP.HCM phản ánh cứ đến dịp cuối năm lại có hàng loạt lô cốt mọc lên ở khắp các tuyến đường trọng điểm trên địa bàn TP.
Cộng thêm những lô cốt đã án ngữ từ lâu làm ảnh hưởng đến việc kinh doanh và quá trình lưu thông của người dân.
Lô cốt bủa vây nhiều tuyến đường
Theo ghi nhận của PV vào những ngày cuối năm, trên địa bàn quận 8, nhiều rào chắn đang chiếm dụng mặt đường tại một số tuyến đường như Phạm Thế Hiển, Võ Văn Kiệt,… Các lô cốt này phục vụ cho việc thi công gói thầu G (xây dựng hệ thống cống bao thuộc dự án Cải thiện môi trường nước TP.HCM giai đoạn hai).
Cụ thể, đường Phạm Thế Hiển được mệnh danh là “con đường có nhiều rào chắn nhất TP” với quãng đường gần 3 km nhưng có đến hơn 10 rào chắn đang chiếm dụng một phần mặt đường, vỉa hè.
Trong đó, một số rào chắn có công nhân thi công, còn một số thì đã ngưng từ lâu. Các hộ kinh doanh bị rào chắn án ngữ ngay trước nhà dường như đều phải tạm đóng cửa vì mặt tiền buôn bán không thuận lợi.
Gần đó, đường Cao Lỗ có hai rào chắn đã cũ, không có bóng dáng công nhân thi công. Xa xa, đường Võ Văn Kiệt có năm rào chắn rải rác khắp tuyến đường dọc kênh Lò Gốm làm cho làn đường dành cho xe máy chỉ còn một lối xe đi.
Hằng ngày lưu thông qua đường Võ Văn Kiệt để về nhà, anh Nguyễn Tùng Linh (người dân quận 2) cho biết: “Mỗi lần tôi trở về nhà vào giờ tan tầm là muôn vàn khổ cực. Lối riêng dành cho xe máy bị thu hẹp nên kẹt xe triền miên, thậm chí nhiều người đi vào làn ô tô để di chuyển qua đây lại càng nguy hiểm” - anh Linh chia sẻ.
Tại địa bàn quận 2, trên tuyến đường Lương Định Của có một rào chắn chắn giữa đường đã xuống cấp trầm trọng. Người dân quận 2, quận 9 tỏ ra ngao ngán khi di chuyển qua đây vì mùa mưa thì ngập, mùa nắng thì khói bụi, cộng thêm lô cốt cản trở nên thường xuyên kẹt xe nghiêm trọng.
Riêng đường Trần Não, hai rào chắn thi công dự án vệ sinh môi trường TP.HCM giai đoạn hai nằm giữa làn đường hướng từ đường Trần Não-Mai Chí Thọ. Theo đó, người tham gia giao thông buộc phải lấn qua làn đường còn lại hoặc lách qua hai bên rào chắn.
Tại quận 12, rào chắn phục vụ thi công các dự án hạ tầng như hầm chui An Sương, mở rộng nâng cấp đường, cống hộp đã “đứng bánh” lâu nay vì vướng mặt bằng. Một phần rào chắn phía quốc lộ 22 là nguyên nhân kẹt xe ở khu vực này, cứ đến giờ cao điểm là ùn ứ.
Một lô cốt chiếm dụng diện tích mặt đường Phạm Thế Hiển (quận 8). Ảnh: THU TRINH
Kiểm soát chặt rào chắn phát sinh
Về vấn đề trên, ông Ngô Hải Đường, Trưởng phòng Quản lý khai thác hạ tầng giao thông đường bộ (Sở GTVT), cho biết: Theo chỉ đạo của UBND TP, tại các công trình thi công không cho phép mở rào chắn phát sinh mới từ tháng 12 đến sau tết Nguyên đán (ngoại trừ các công trình sử dụng vốn ODA hoặc các công trình cấp bách xử lý sự cố).
Ông Võ Khánh Hưng, Phó Giám đốc Sở GTVT tp.hcm, cho biết đã có văn bản yêu cầu các chủ đầu tư nhắc nhở, đôn đốc các đơn vị thi công có rào chắn khẩn trương dọn dẹp vệ sinh công trường. Đồng thời tái lập toàn bộ các đoạn đường đang thi công và trả lại nguyên mặt đường trước ngày 23 tháng Chạp. Bên cạnh đó, nhằm tạo điều kiện thuận lợi trong kinh doanh, sinh hoạt, vui chơi giải trí, sở cũng yêu cầu cấm đào đường để thi công các công trình nằm trong phạm vi bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ trong dịp tết Nguyên đán. Thời gian từ 13 tháng Chạp đến mùng 8 tháng Giêng. |
Do đó, từ đầu tháng 12 đến nay, sở kiểm soát tương đối chặt đối với các vị trí rào chắn phát sinh mới để không làm ảnh hưởng đến điều kiện sinh hoạt của người dân.
Ông Đường cho biết thêm với các rào chắn đang vi phạm và được phép tồn tại trong dịp tết Canh Tý 2020, thanh tra giao thông đã thành lập đoàn kiểm tra. Trước tháng 1-2020, Sở GTVT sẽ công bố các rào chắn được phép tồn tại trong dịp tết Nguyên đán.
“Sở đã công bố một số vấn đề liên quan đến công tác thi công như các tuyến đường cấm đào, một số tuyến đường cấm thi công ban ngày năm 2020. Dự kiến trong tháng 1, Sở GTVT sẽ đưa bản đồ danh mục các tuyến đường cấm đào, không được thi công ban ngày cũng như các tuyến đường đang thi công lên bản đồ. Thông qua đó theo dõi, kiểm tra, giám sát việc thi công trên đường bộ đang khai thác” - ông Đường nói.
Lý giải cho việc cứ cuối năm lại xuất hiện nhiều lô cốt trên các tuyến đường, ông Đường cho hay thông thường vào đầu năm các công trình được ghi vốn để triển khai thực hiện dự án. Sau đó các dự án này mới tiến hành khảo sát, lập hồ sơ dự án đầu tư, thiết kế kỹ thuật-dự toán và triển khai đấu thầu…
Phải thực hiện tất cả các bước trên thì mới tiến hành khởi công và thi công được. Khi hoàn tất các thủ tục và tiến hành khởi công là cũng rơi vào khoảng gần cuối năm.
Đình chỉ 13 công trình đang thi công Trao đổi với PV, ông Trần Quốc Khánh, Chánh Thanh tra giao thông Sở GTVT tp.hcm, cho biết trong những ngày cuối năm 2019, lực lượng thanh tra đã và đang tiến hành chuyên đề kiểm tra rào chắn ở nhiều công trình trên địa bàn TP. Theo đó, thanh tra yêu cầu các đơn vị phải rào chắn gọn gàng, vệ sinh sạch sẽ. Đối với những dự án nào có thể hoàn thành sớm thì cần nỗ lực để sớm hoàn trả mặt bằng, nhằm đảm bảo giao thông trong dịp lễ, tết. Trong năm 2019, chỉ tính riêng lĩnh vực thi công công trình, thanh tra sở đã phát hiện và lập biên bản 834 vụ liên quan đến vi phạm rào chắn với số tiền xử phạt là hơn 5,6 tỉ đồng. Từ đó thanh tra đã đình chỉ thi công 1-2 tháng đối với 13 công trình đang thi công. Tính đến nay, toàn TP có tổng số 120 vị trí rào chắn. Hiện các rào chắn này đang nằm trên 44 tuyến đường để phục vụ thi công các công trình, dự án. Trong đó, quận 8 có 46 vị trí rào chắn, quận 2 có 14 vị trí, quận 4 có 11 vị trí, quận 1 có chín vị trí rào chắn. |