Nếu không có gì thay đổi, ngày 2-5 tới đây, Mỹ sẽ không gia hạn lệnh hoãn trừng phạt với các nước nhập khẩu dầu Iran để “buộc xuất khẩu dầu của Iran chỉ còn con số 0”.
Có thể thấy chính phủ Trump có các mục tiêu rõ ràng trong chính sách với Iran: Iran phải chấp nhận các điều kiện của Mỹ khi tái thương lượng về thỏa thuận hạt nhân, chấm dứt cách hành xử ở khu vực mà Mỹ cho là có hại cho quyền lợi an ninh của Mỹ, ngừng phát triển tên lửa đạn đạo.
Tuy nhiên, trong một bài viết trên đài NPR, hai tác giả Aaron David Miller và Richard Sokolsky đều cho rằng chính phủ Trump không có được một chiến lược thực tế để đạt được các mục tiêu này. Theo đó, việc không gia hạn hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu Iran sẽ không giúp Mỹ đạt mục tiêu kìm hãm xuất khẩu dầu của Iran. Ngược lại, quyết định này sẽ gây thêm thống khổ cho dân chúng Iran khi nguồn thu từ dầu giảm mà chẳng thay đổi được, hay làm suy yếu được thể chế Iran.
Xuất khẩu dầu của Iran sẽ không về 0
Mỹ ra quyết định chấm dứt lệnh hoãn trừng phạt các nước nhập khẩu dầu Iran căn cứ vào một số lý do: Một, Mỹ tin các đồng minh Saudi Arabia và Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất (UAE) sẽ tăng sản lượng dầu khai thác để ngăn giá dầu tăng. Hai, các khách hàng lớn của Iran như Trung Quốc, Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ sẽ thôi nhập khẩu dầu Iran vì lo sợ Mỹ trừng phạt. Ba, Iran có ít phương án giúp tăng giá dầu để tối đa hóa nguồn thu từ xuất khẩu dầu.
Thực tế sẽ không diễn ra như Mỹ nghĩ. Saudi Arabia và UAE khả năng sẽ không duy trì sản lượng khai thác cao được lâu vì lo ngại cho sự ổn định của thị trường dầu. Hơn nữa, loại “dầu nhẹ” của Saudi Arabia không thể thay thế được loại “dầu nặng” của Iran mà nhiều nước cần cho các sản phẩm dầu tinh chế. Thổ Nhĩ Kỳ, Trung Quốc, Ấn Độ và thậm chí một số đồng minh châu Âu của Mỹ sẽ tìm cách tránh trừng phạt của Mỹ và tiếp tục tiêu thụ dầu của Iran vì cả lý do kinh tế và địa chính trị. Và Iran có thể ngăn các phương tiện chở dầu di chuyển qua vịnh Ba Tư. Iran đã đe dọa sẽ đóng cửa eo biển Hormuz và có thể mở chiến dịch tấn công mạng vào hạ tầng dầu của các nước phía bên kia vịnh Ba Tư.
Một nhà máy dầu của Iran. Ảnh: AFP
Thay đổi thể chế Iran là một ảo tưởng
Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo nói “chiến dịch tối đa hóa áp lực” của Mỹ lên Iran là nhằm đưa Iran quay lại bàn đàm phán. Tuyên bố này không đáng tin khi cả ông Pompeo và Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton đều là những nhân vật ủng hộ thay đổi thể chế ở Iran.
Tôi không nghĩ Tổng thống Trump muốn thế. Tổng thống Trump đã có một lời hứa tranh cử là không kéo Mỹ vào một cuộc chiến tranh nữa. Ngoại trưởng Iran MOHAMMAD JAVAD ZARIF |
12 điều kiện mà ông Pompeo gửi đến Iran năm ngoái đều vì các mục đích thực tế, yêu cầu Iran tuân theo điều kiện của mình về thỏa thuận hạt nhân, về cách hành xử ở khu vực, về chuyện thử tên lửa đạn đạo và các hành động khác của Iran mà Mỹ không thích. Iran không vội thương lượng mà chờ đợi trong hy vọng rằng Tổng thống Mỹ Donald Trump sẽ ra đi sau một nhiệm kỳ, hy vọng chính phủ Mỹ mới sẽ quay trở lại với thỏa thuận hạt nhân.
Nếu Mỹ cho rằng có thể thay đổi thể chế một nước như Iran bằng áp lực bên ngoài thì đó là điều không tưởng. Thể chế Iran vẫn là thể chế hợp pháp trong mắt hàng triệu người dân nước này. Thể chế này đã tồn tại cả bốn thập niên, có quyền lực mạnh, không phải đối diện với lực lượng chống đối mạnh nào trong nước, có được sự ủng hộ của Nga và Trung Quốc.
Chính phủ Trump có thể khiến Iran chịu đựng tổn thương nhưng không thể kích động được bất ổn nội bộ đủ lớn dẫn tới sụp đổ thể chế hay làm thay đổi về cơ bản thái độ của Iran ở khu vực.
Thay vào đó, chiến lược của chính phủ Trump chỉ hứa hẹn tạo thêm nhiều khổ sở cho người dân Iran, gây thêm căng thẳng trong khu vực, thêm chia rẽ giữa Mỹ và các đồng minh châu Âu và tăng thêm rủi ro một cuộc xung đột Mỹ-Iran với các hậu quả nguy hiểm không lường trước được cho các quyền lợi của Mỹ ở Trung Đông.
Iran cáo buộc Mỹ và đồng minh Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Fox News Sunday, Ngoại trưởng Iran Mohammad Javad Zarif cáo buộc các đồng minh Trung Đông của Mỹ và một số thành viên chính phủ Trump có ý đồ lái tình hình căng thẳng đang leo thang giữa Mỹ với Iran thành một cuộc xung đột. Ông Zarif chỉ đích danh các đồng minh này là Israel, Saudi Arabia, Các Tiểu vương quốc Ả Rập thống nhất và một nhân vật nữa là Cố vấn an ninh quốc gia Mỹ John Bolton, nhằm mục tiêu là “thay đổi thể chế” ở Iran. Ông Zarif nhận định bản thân Tổng thống Mỹ Donald Trump không muốn xung đột, tuy nhiên ông Trump có ý định gây áp lực, tối đa hóa áp lực nhằm buộc Iran phải khuất phục và đầu hàng ý muốn của Mỹ. Theo ông, chính sách này của ông Trump sẽ thất bại. |