Lý do nhiều cửa hàng nghỉ sớm, không bán xăng

(PLO)- Tình trạng một số cửa hàng xăng dầu thông báo hết xăng, đóng cửa nghỉ bán… xuất hiện trở lại gây lo lắng cho người tiêu dùng.

Nhiều cửa hàng, công ty đầu mối xăng dầu cho biết đang gặp khó khăn về nguồn cung xăng dầu và mức chiết khấu quá thấp nên lỗ.

Tại một cửa hàng xăng dầu ở quận Gò Vấp, khách hàng vừa ghé vào lại vội quay ra vì hết xăng. (Ảnh chụp lúc 19 giờ 40 ngày 24-8) Ảnh: TÚ UYÊN

Một cửa hàng xăng dầu tại quận Gò Vấp thông báo “0 bán” xăng. (Ảnh chụp lúc 19 giờ 30 ngày 24-8) Ảnh: TÚ UYÊN

Đóng cửa sớm, hết xăng

Tối 24-8, khảo sát của PV Pháp Luật TP.HCM tại một số tuyến đường ở các quận Gò Vấp, Tân Phú (TP.HCM)… cho thấy dù chưa đến 21 giờ nhưng nhiều cửa hàng xăng dầu đã ngừng bán.

Cụ thể, lúc 19 giờ 30, tại một cửa hàng xăng dầu trên đường Nguyễn Oanh (quận Gò Vấp), trong khoảng 15 phút có hơn 10 lượt khách hàng chạy xe vào đổ xăng nhưng đành phải quay ra vì cửa hàng đóng cửa. Cửa hàng này chỉ có một người trông coi, khi khách hàng vào đổ xăng người này xua tay báo hiệu hết xăng để khách hàng rời đi. Các trụ bơm tại đây đều dừng hoạt động. Đáng chú ý, kế bên một trụ bơm trưng một tấm bảng thông báo “0 bán”.

Tương tự, lúc 19 giờ 40, nhiều khách hàng ghé một cửa hàng xăng dầu ở quận Gò Vấp cũng được một nhân viên ngồi bên trong thông báo hết xăng. Đến khoảng 20 giờ, cửa hàng này kéo rào nghỉ bán.

Còn tại quận Tân Phú, cửa hàng xăng dầu Viet Oil của Công ty Viet Oil, dù mới khoảng 20 giờ 30 nhưng nhiều người dân chạy vào trong rồi lại vòng ra ngay vì không mua được xăng. Nhân viên bán hàng cho biết hết xăng. Cửa hàng này còn treo bảng “tạm ngưng, đang nhập hàng”.

Không chỉ cửa hàng bán lẻ xăng dầu mà các công ty đầu mối, phân phối cũng than đang gặp nhiều khó khăn.

Chiết khấu thấp, nguồn cung khó khăn

Ông T, chủ một cửa hàng xăng dầu tại TP.HCM, cho biết vừa qua có nhiều công ty đầu mối bị rút giấy phép kinh doanh xuất nhập khẩu nên hiện việc mua xăng dầu rất khó khăn. Bên cạnh đó, mức chiết khấu rất thấp.

Cụ thể, ngày 19-8 vừa qua, một công ty xăng dầu đã gửi thông báo cho thương nhân phân phối với nội dung chiết khấu chỉ 0 đồng. Với mức chiết khấu này, chưa kể chi phí vận hành thì 1 lít xăng bán đến người tiêu dùng cửa hàng lỗ khoảng 1.500 đồng, còn dầu lỗ 3.000 đồng/lít.

“Từ khi xăng dầu giảm liên tục, trung bình cửa hàng lỗ 10-15 triệu đồng/ngày, thậm chí cao hơn nếu bán ra nhiều. Hiện nay các đại lý đang cố gắng cầm cự bán cho hết hàng để xin tạm đóng cửa vì quá lỗ” - chủ cửa hàng nói.

Ông S, chủ một cửa hàng xăng dầu tư nhân tỉnh Đồng Tháp, thông tin hiện nay cửa hàng đang mua hàng từ một thương nhân đầu mối với giá bằng giá bán lẻ cho người tiêu dùng nên lỗ nặng.

“Đại lý chấp nhận lỗ khi mua xăng bằng giá bán lẻ cho người tiêu dùng nhưng không có nhiều hàng để nhập vào. Bình thường cửa hàng tôi mua được 10-20 m3 nhưng hiện đầu mối chỉ xuất đủ bán cầm chừng vì họ nói khan hàng. Đơn cử ngày 22-8, đại lý muốn nhập hàng nhưng không có” - ông S kể.

Theo ông S, mấy tháng qua bán lỗ nên cửa hàng phải vay ngân hàng để nhập xăng về bán nhưng càng bán càng lỗ, không trả lãi suất nổi. “Từ đầu tháng 8 đến nay cửa hàng lỗ vài triệu đồng/ngày. Nếu thời gian tới không nhập được hàng cùng với mức chiết khấu bằng 0 thì chúng tôi sẽ phải xin tạm ngừng hoạt động. Mong cơ quan quản lý vào cuộc tháo gỡ khó khăn” - ông S kiến nghị.

Ông BÙI NGỌC BẢO, Chủ tịch Hiệp hội Xăng dầu Việt Nam:

Cần rà soát để tìm ra nguyên nhân thực sự

Về việc nhập xăng dầu khó khăn, tôi cho rằng cần phải rà soát toàn bộ các hợp đồng kinh tế. Bởi có những trường hợp DN đầu mối thấy lỗ quá nên không nhập hàng về. Nhưng cũng có trường hợp các cửa hàng bán lẻ xăng dầu ký hợp đồng nhưng không tuân thủ. Họ ký hợp đồng 300-500 m3/tháng nhưng chỉ lấy một nửa hàng của nhà cung cấp này, còn lại thì lấy của nhà cung cấp khác có chiết khấu cao hơn.

Sau đó, DN cung cấp hàng không đồng ý cung cấp hàng theo hợp đồng đã ký mà chỉ cung cấp theo lượng hàng đã lấy thời gian qua. Những cửa hàng nào lấy hàng thường xuyên thì các đầu mối vẫn giao hàng bình thường.

Đây là vấn đề lỗ lãi của các DN chứ về tổng nguồn cung xăng dầu không thiếu. Các cơ quan chức năng cần vào cuộc kiểm tra xem cửa hàng có hàng không, ký với ai, ký như thế nào… thì mới tìm ra được vi phạm trong các hợp đồng đó.

Về quan điểm hiệp hội mong muốn các DN làm theo quy định, tuân thủ các hợp đồng đã ký. Ngoài ra, kinh doanh xăng dầu muốn có lãi trong tình hình như thế này thì chỉ có phương án ký hợp đồng với đại lý để hưởng chiết khấu cố định, hay còn gọi là hình thức bảo lãnh chiết khấu. Với hợp đồng này thì các cửa hàng xăng dầu rất an toàn, song hình thức kinh doanh này hiện vẫn chưa được phổ biến.

AN HIỀN

Kiến nghị xem xét lại thuế, phí

Ông Phạm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty Xăng dầu khu vực II, khẳng định hiện nay công ty vẫn đảm bảo cung ứng xăng dầu đầy đủ cho 80 cửa hàng trực thuộc và hệ thống nhượng quyền của công ty. “Mặc dù gặp khó khăn nhưng đến nay chúng tôi vẫn đồng hành và chia sẻ với khách hàng nhượng quyền của công ty, hỗ trợ chiết khấu dù ít chứ không có chuyện chiết khấu 0 đồng hay chiết khấu âm” - ông Tuấn nói.

Còn đại diện Công ty TNHH MTV Dầu khí TP.HCM (Saigon Petro) khẳng định xăng dầu giảm giá mạnh thời gian qua nên ngay cả các công ty đầu mối như Saigon Petro hai tháng qua cũng lỗ nặng. Trong kỳ điều hành ngày 22-8 vừa qua, dù giá dầu điều chỉnh tăng 850 đồng/lít nhưng đối với hàng tồn, công ty vẫn lỗ 5.000-6.000 đồng/lít. Đối với xăng, bình quân lỗ 700-800 đồng/lít.

“Hiện công ty vẫn duy trì cung ứng xăng dầu cho cửa hàng trực thuộc trên địa bàn TP.HCM và đại lý nhượng quyền ở khu vực TP.HCM. Song đối với xăng dầu nhập mới hay hàng tồn, các công ty đầu mối đều lỗ, thành ra chiết khấu dành cho các cửa hàng rất thấp” - đại diện Saigon Petro thừa nhận.

Đại diện một số công ty xăng dầu khác tại TP.HCM thông tin thêm các công ty đầu mối của Nhà nước dù lời hay lỗ thì bắt buộc họ vẫn phải nhập nên vẫn bán bình thường, trong khi đó các đơn vị đầu mối tư nhân rất cân nhắc việc nhập. “Trong bối cảnh càng bán càng lỗ, công ty đầu mối không dám đưa hàng ra nhiều nên buộc phải tính toán lại mức chiết khấu còn 100 đồng/lít, thậm chí là 0 đồng” - vị đại diện doanh nghiệp (DN) xăng dầu đầu mối lớn ở TP.HCM giải thích.

Bên cạnh đó, ngân hàng siết chặt tín dụng khiến một số công ty đầu mối nhỏ khó khăn về tài chính. Giải pháp lúc này, theo ý kiến của DN là Nhà nước xem xét, kiểm tra các loại thuế, chi phí, lợi nhuận định mức… trong kinh doanh xăng dầu để có sự điều chỉnh phù hợp.•

Không được để gián đoạn nguồn cung xăng dầu

Chiều 25-8, Bộ Công Thương cho biết đã có văn bản yêu cầu Sở Công Thương các tỉnh, TP chỉ đạo các DN trên địa bàn chủ động có phương án bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong nước thời gian tới; giám sát chặt chẽ việc bán xăng dầu tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu trên địa bàn, không để xảy ra tình trạng ngừng bán hàng không có lý do chính đáng; xử lý nghiêm các đối tượng có hành vi vi phạm trong kinh doanh xăng dầu.

Ngoài ra, Bộ Công Thương cũng có văn bản yêu cầu các thương nhân đầu mối kinh doanh xăng dầu; thương nhân phân phối xăng dầu chủ động nguồn hàng, có phương án nhập khẩu (đối với các thương nhân đầu mối) để bảo đảm cung cấp đầy đủ xăng dầu cho thị trường trong nước trong thời gian tới.

Bộ đặc biệt lưu ý các DN không để gián đoạn nguồn cung xăng dầu trong hệ thống kinh doanh; duy trì hoạt động bán hàng tại các cửa hàng bán lẻ xăng dầu của DN và cung cấp đủ hàng cho các cửa hàng bán lẻ thuộc hệ thống phân phối của DN.

“Đề nghị các DN chia sẻ nguồn cung, lợi nhuận trong hệ thống phân phối, cho các khách hàng một cách hợp lý để bảo đảm không gián đoạn việc cung ứng xăng dầu cho thị trường” - Bộ Công Thương nhấn mạnh..

AN HIỀN

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm

Đọc nhiều
Tiện ích
Tin mới