Lý do nông nghiệp Việt Nam vẫn gánh 'ba lời nguyền'

(PLO)-  Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan cho rằng đến nay nông nghiệp Việt Nam vẫn mang nặng “ba lời nguyền”: Manh mún, nhỏ lẻ và tự phát.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Chiều 7-6, Quốc hội (QH) bắt đầu hai ngày rưỡi dành cho hoạt động chất vấn và trả lời chất vấn. Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Lê Minh Hoan là thành viên Chính phủ đầu tiên đăng đàn.

Chưa an tâm với tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp

Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách Vũ Thị Lưu Mai, Đoàn đại biểu (ĐB) QH TP Hà Nội, nhắc việc Bộ trưởng Lê Minh Hoan từng đưa ra thông điệp về việc xây dựng một nền nông nghiệp có trách nhiệm với sức khỏe hàng trăm triệu dân.

“Đến ngày hôm nay, tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp vẫn là sự phiền muộn chưa bao giờ nguôi của hàng triệu dân. Đến khi nào người dân mới có thể hoàn toàn yên tâm về tính an toàn của sản phẩm nông nghiệp? Đến bao giờ Việt Nam mới có thể viết tên mình trên bản đồ nông nghiệp hữu cơ của thế giới?” - bà Mai chất vấn.

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: VGP

Bộ trưởng Lê Minh Hoan trả lời chất vấn nhóm vấn đề thứ nhất thuộc lĩnh vực nông nghiệp và phát triển nông thôn. Ảnh: VGP

Đáp lại, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng câu hỏi khi nào 100 triệu dân được an toàn khi dùng sản phẩm nông nghiệp được đặt ra từ lâu, khi là ĐBQH khóa XI, ông đã nghe đề cập đến việc này.

“Bộ trưởng không thoái thác trách nhiệm của mình nhưng ngành nông nghiệp có tính liên ngành rất cao; có tính hệ thống trên, dưới, trong, ngoài; vận động trong nền kinh tế thị trường chứ không phải mệnh lệnh hành chính. Không thể bằng một quyết định của bộ trưởng hay Chính phủ mà có thể áp đặt được” - ông Hoan nói.

Theo tư lệnh ngành nông nghiệp, không phải tất cả quốc gia đều làm 100% sản phẩm hữu cơ. Nhưng sản phẩm hữu cơ hay không hữu cơ cũng đều phải bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm.

Tuy nhiên, ông Hoan thấy “đáng tiếc” vì đến giờ chúng ta chưa có hệ thống để đánh giá, dẫn đến chất lượng nông sản chưa đạt yêu cầu. Bộ trưởng thừa nhận đây là khuyết điểm của Bộ NN&PTNT. “Nền nông nghiệp Việt Nam mang ba lời nguyền: Manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” - ông Hoan nói.

Lưu ý việc này là “vai trò của chính quyền địa phương”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan tha thiết đề nghị ĐBQH là lãnh đạo các địa phương quan tâm việc này.

Đến bao giờ không còn “được mùa, mất giá”?

Đề cập đến vấn đề giá vật tư nông nghiệp tăng phi mã và tình trạng “được mùa, mất giá”, ĐB Trần Thị Hoa Ry (Bạc Liêu) nhận xét đây không phải là vấn đề mới, đã được chất vấn nhiều lần. “Tôi muốn hỏi bộ trưởng, đâu là điểm nghẽn của vấn đề này? Đến bao giờ chúng ta mới khắc phục được?” - ĐB tỉnh Bạc Liêu hỏi.

Tương tự, ĐB Dương Khắc Mai (Đắk Nông) cho rằng sản xuất nông nghiệp vẫn theo chiều rộng, tự phát, tiêu thụ phụ thuộc số ít thị trường. Ông hỏi giải pháp căn cơ nào cho vấn đề nêu trên.

“Thưa QH, tôi sợ nhất câu hỏi “đến bao giờ”” - ông Lê Minh Hoan nói và nhấn mạnh phát biểu của ông không phải thoái thác trách nhiệm của bộ trưởng.

“Bộ trưởng sẽ làm hết trách nhiệm của mình nhưng nếu có sự vào cuộc năng động của chính quyền địa phương thì sẽ giải quyết được. Nhanh hay chậm là ở chỗ đó” - ông Hoan cho hay.

Theo bộ trưởng, giải pháp cho câu chuyện “được mùa, mất giá” là tổ chức lại sản xuất, chuẩn hóa ngành hàng, thông tin minh bạch thị trường xuất khẩu, nội địa.

Nhận khuyết điểm trong điều hành, chuẩn hóa nông sản, ông Hoan lưu ý chưa tổ chức lại sản xuất thì chưa thành công và đối mặt rủi ro khi không đồng nhất được nguyên liệu cho một loại nông sản, từ đó chưa đồng nhất thương hiệu.

Tư lệnh ngành nông nghiệp khẳng định sẽ sớm cùng các cơ quan thương vụ Việt Nam ở nước ngoài giải quyết việc này. Bộ NN&PTNT cũng đã giao các viện nghiên cứu chuẩn hóa lại quy trình sản xuất, trồng trọt để giảm chi phí đầu vào.

“Các nước đang hướng tới nền nông nghiệp ít hơn để được nhiều hơn, tức là tối thiểu hóa chi phí và tối đa hóa lợi nhuận bằng khoa học nông nghiệp. Chúng ta cũng phải phấn đấu theo hướng này” - ông nói.

Cần sự thay đổi tư duy của cả người sản xuất và quản lý

Chưa hài lòng với câu trả lời của bộ trưởng, ĐB Vũ Thị Lưu Mai cho rằng thị trường là yếu tố khó xác định, nhiều biến động nhưng các quy luật thị trường chúng ta đã nắm được. Chúng ta có yếu tố “liên ngành” nhưng Chính phủ là nhất thể, bộ máy điều hành là thống nhất…

“Tôi mong rằng với câu hỏi “khi nào, bao giờ”, chúng tôi có được câu trả lời. Đó không chỉ đơn thuần là câu trả lời mà còn là hy vọng. Chúng ta không nên để hy vọng của người dân thành vô vọng khi không có câu trả lời” - vẫn lời bà Mai.

“Nếu tôi ở vai trò của ĐB, chắc tôi cũng hỏi ông bộ trưởng y như thế” - ông Hoan đáp lời. Bộ trưởng cũng khẳng định “chúng ta không đứng yên mà chúng ta phải vận động”, vận động theo xu thế chủ động thích ứng với sự thay đổi chứ không phải bị động thích ứng.

Theo ông Hoan, nền nông nghiệp đứng trước ba cái biến: Biến đổi khí hậu, biến động thị trường và biến chuyển xu thế tiêu dùng trên thế giới. Những yếu tố đó phải có khoảng thời gian thích ứng. Vì chúng ta phải nâng cao năng lực từ người sản xuất tới doanh nghiệp, thậm chí nâng cao năng lực quản lý của bộ chuyên ngành.

“Tôi hoàn toàn đồng ý và chia sẻ với cảm xúc của ĐB. Cá nhân tôi cũng thấy tôi chưa làm hết được trách nhiệm của mình nhưng thông qua cảm xúc của ĐB, chúng tôi sẽ nghiên cứu và trả lời cho ĐB sau” - ông Hoan nói.

Nghe câu trả lời này, Chủ tịch QH Vương Đình Huệ nhận xét nhiều vấn đề chất vấn hôm nay đã cũ, nói đến nhiều. Có những vấn đề đã có tiến bộ, được cải thiện nhiều, như câu chuyện thực phẩm bẩn. Trước đây, người dân và ngay tại diễn đàn QH cũng nói nhiều về chuyện “rau hai luống, heo hai chuồng”, giờ ít nói hơn, chứng tỏ đã có sự thay đổi cả về tư duy của người sản xuất và tiến bộ hơn trong quản lý, điều hành...

“Qua đó, chúng ta sẽ rút ra được những bài học kinh nghiệm, nhất là quản lý nhà nước, để làm cho tốt hơn. Thị trường có nhiều cái biến nhưng có cái bất biến là chúng ta phải làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước, làm tốt việc phân tích, đánh giá, dự báo chiến lược, quy hoạch, kế hoạch...” - Chủ tịch QH nhấn mạnh.

Vật tư tăng cao là vấn đề… toàn cầu

ĐB Nguyễn Minh Tâm (Quảng Bình) chất vấn giá xăng dầu tăng gây khó khăn cho ngư dân bám biển. Dù đối mặt với nguy cơ có thể thua lỗ, họ vẫn lựa chọn bám biển mưu sinh. “Bộ NN&PTNT có giải pháp gì, phối hợp với Bộ Công Thương thế nào để trợ giá, hỗ trợ ngư dân?” - ĐB Tâm hỏi.

“Giá xăng dầu tăng cao chắc thuộc trách nhiệm trả lời của Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên” - Bộ trưởng Lê Minh Hoan nói.

Thừa nhận bức tranh ngành thủy sản “rất khó khăn”, ông Hoan cho rằng khó khăn này không chỉ dừng ở xăng dầu. “800.000 ngư dân trên biển, gần 4 triệu người làm các dịch vụ hậu cần ở ven biển, xung quanh các cảng cá... nhưng ngư dân hầu như không tham gia vào một tổ chức nào, manh mún, nhỏ lẻ, tự phát” - ông Hoan nói.

Ngoài ra, theo ông Hoan, những chuyến ra khơi trữ lượng khai thác giảm, làm bà con khó khăn hơn. Do vậy, Bộ NN&PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển thủy sản bền vững với phương châm giảm khai thác, tăng nuôi trồng, vì trữ lượng ngư trường không còn được như xưa.

“Những mái che tạm bợ của các cảng cá làm sản lượng thu hoạch của bà con có thể mất đi khoảng 30%” - ông Hoan nói thêm và cho hay Bộ NN&PTNT đang quy hoạch lại hệ thống cảng cá theo hướng tích hợp đa giá trị, theo hướng quản trị mới hơn để làm sao lượng đánh cá về vốn không như xưa nữa nhưng làm sao cho tốt hơn.

Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên cho rằng vật tư tăng cao và khan hàng là điều phổ biến trên toàn cầu do đứt gãy nhiều chuỗi cung ứng; do lạm phát tăng cao bởi chính sách kích cầu của nhiều quốc gia.

Trước tình hình đó, Chính phủ đã chỉ đạo các bộ, ngành, Bộ Công Thương đã thực hiện mọi chính sách, đặc biệt là chính sách thuế để giảm một số loại thuế và một số chính sách hỗ trợ trực tiếp cho doanh nghiệp như giảm tiền điện, giảm lãi suất trong quá trình tổ chức sản xuất; hỗ trợ tìm kiếm những nguồn nguyên liệu thay thế đầu vào để giảm các loại chi phí, giảm giá thành sản phẩm.

Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng lưu ý Nghị định 67 ra đời với mục tiêu giúp ngư dân tiếp tục vươn khơi bám biển, làm chủ biển, phát huy kinh tế biển. “Phải có chính sách an sinh hỗ trợ cho những đối tượng này. Chúng ta không hỗ trợ giá mà hỗ trợ an sinh để người dân nói chung, ngư dân nói riêng vươn khơi bám biển bớt khó khăn” - ông Diên nói.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm