Lý do tài sản tham nhũng nhiều nhưng thu hồi ít

(PLO)- Chính phủ yêu cầu có biện pháp thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.
0:00 / 0:00
0:00
  • Nam miền Bắc
  • Nữ miền Bắc
  • Nữ miền Nam
  • Nam miền Nam

Mới đây, Văn phòng Chính phủ gửi công văn cho các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ, thủ trưởng cơ quan thuộc Chính phủ, chủ tịch UBND các tỉnh, TP trực thuộc trung ương nghiên cứu thực hiện các nội dung kiến nghị của Ban Thường trực Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam về kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án hình sự về tham nhũng, kinh tế.

Huỳnh Thị Huyền Như bị dẫn giải đến phiên xử phúc thẩm. Ảnh tư liệu: HTD

Huỳnh Thị Huyền Như bị dẫn giải đến phiên xử phúc thẩm. Ảnh tư liệu: HTD

Tòa chậm giải thích nên khó thi hành án

Cuối tháng 3-2023, Ban Thường trực, Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam đã gửi trung ương và các cơ quan có thẩm quyền kiến nghị sau giám sát công tác thu hồi tài sản bị thất thoát, chiếm đoạt trong các vụ án tham nhũng, kinh tế.

Theo báo cáo này, cấp ủy và người đứng đầu đôi khi thiếu chủ động nên chưa tạo ra được chuyển biến về nhận thức đối với thu hồi tài sản tham nhũng. Việc chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn như thu giữ, kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình tố tụng chưa kịp thời nên tài sản thu hồi còn ít.

“Khối lượng tài sản phải thu hồi trong các vụ án là rất lớn nhưng tới thời điểm giải quyết các vụ án, tài sản thu hồi còn lại rất ít hoặc không còn để bảo đảm thu hồi” - báo cáo của Mặt trận cho hay.

Trong giai đoạn xét xử, theo báo cáo, tòa án hầu như không áp dụng các biện pháp kê biên theo thẩm quyền, không xác minh, làm rõ tính pháp lý của các tài sản đang áp dụng biện pháp ngăn chặn tại các giai đoạn điều tra, truy tố mà hầu như chỉ duy trì lệnh kê biên tài sản của các cơ quan tố tụng trước đó nên chưa đủ cơ sở pháp lý, gây khó khăn cho thi hành án (THA).

Báo cáo cũng nhận định: Giai đoạn điều tra, truy tố cũng chủ yếu dừng ở việc kê biên để ngăn tẩu tán tài sản mà chưa xác minh nguồn gốc tài sản nên đến giai đoạn THA xảy ra tranh chấp về quyền sở hữu chung tài sản. Điều này làm cho THA kéo dài.

Hơn nữa, khi có tranh chấp thì cách giải quyết của tòa án cũng không thống nhất. Có nơi không thụ lý dù tòa án nơi ban hành phán quyết đã có văn bản giải thích việc chỉ kê biên bảo đảm THA nhưng không xác định được phần tài sản chung… Điều này dẫn đến việc cơ quan THA không thể xử lý hoặc xử lý chậm.

“Một số bản án do tòa án chậm giải thích, cơ quan THA đã nhiều lần có văn bản đề nghị nhưng đến nay chưa nhận được trả lời, như vụ Huỳnh Thị Huyền Như, Trần Thị Hiếu…” - văn bản của Mặt trận nêu.

Ngoài việc nêu kết quả thu hồi tài sản tham nhũng còn thấp, chỉ đạt 32.53%, Mặt trận còn cho rằng: Công tác phối hợp giữa các cơ quan chức năng cũng như tiến độ xử lý tham nhũng đôi lúc chưa kịp thời. Một số cơ quan còn thụ động và thông tin về báo cáo, tài liệu, chứng cứ giải quyết việc thu hồi tài sản chưa liên thông.

Việc chưa áp dụng các biện pháp ngăn chặn như thu giữ, kê biên, phong tỏa tài sản trong quá trình tố tụng chưa kịp thời nên tài sản thu hồi còn ít.

Thiếu luật đăng ký tài sản

Theo MTTQ Việt Nam, một trong những nguyên nhân của việc thu hồi được ít tài sản tham nhũng là chưa có văn bản pháp luật riêng về trình tự, thủ tục thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế. Các biện pháp ngăn chặn từ điều tra, truy tố, xét xử vẫn theo quy định chung về tố tụng hình sự, THA cũng thực hiện theo quy định chung về THA dân sự nên hiệu quả chưa cao, kéo dài.

“Chưa có các biện pháp, hướng dẫn, quy định cụ thể để truy tìm tài sản, xác định “đường đi” của tài sản bị chiếm đoạt để làm rõ hành vi che giấu nguồn gốc”, kiến nghị của Mặt trận nêu và liệt kê một loạt hạn chế trong Bộ luật Hình sự.

Báo cáo của MTTQ Việt Nam cũng cho rằng: Việc kê biên tài sản chỉ được áp dụng khi khởi tố bị can hoặc đưa ra xét xử khiến đối tượng vi phạm có thời gian tẩu tán tài sản trong giai đoạn tiền tố tụng. Trong bảy tội phạm về tham nhũng thì tịch thu tài sản chỉ được áp dụng là hình phạt bổ sung là: tham ô, nhận hối lộ, lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản… dẫn đến cơ quan tố tụng gặp nhiều khó khăn khi cưỡng chế thu hồi tài sản tham nhũng.

“Chưa có cơ chế về kiểm soát thu nhập cũng như Luật Đăng ký tài sản nên việc kê khai tài sản cũng làm ảnh hưởng đến công tác xác minh, truy tìm tài sản của người phải THA”, văn bản của Mặt trận nêu và cho rằng: Một số quy định, nhất là pháp luật về đất đai vẫn chưa theo kịp yêu cầu của tình hình mới.

Cuối cùng, báo cáo cho rằng: Nguyên nhân còn do việc chia các vụ án tham nhũng, kinh tế thành nhiều giai đoạn xét xử, ở các cấp tòa khác nhau nên việc xử lý tài sản cũng gặp khó khăn như vụ án liên quan đến Huỳnh Thị Huyền Như. Việc kê biên, xử lý vốn góp, cổ phần, cùng với nguồn đầu tư là tiền ảo, tiền điện tử chưa được Nhà nước công nhận… cũng gặp khó khăn do vướng Luật Doanh nghiệp cũng như cơ chế xử lý các loại tài sản ảo, điện tử nói trên.•

Đề xuất tạm thời phong tỏa tài sản ngay khi có nguồn tin về tội phạm?

Phó Thủ tướng Lê Minh Khái giao Bộ Tư pháp chủ trì, theo dõi, đôn đốc các bộ, cơ quan ngang bộ, các tỉnh, thành… thực hiện các kiến nghị liên quan của Mặt trận đối với Chính phủ về công tác thu hồi tài sản tham nhũng.

Mặt trận trước đó kiến nghị Chính phủ tăng cường công tác chỉ đạo, rà soát pháp luật để đề xuất sửa đổi, bổ sung các quy định, thực hiện phòng ngừa từ sớm, từ xa để giảm thiệt hại, thất thoát tài sản tham nhũng thông qua kê khai tài sản của cán bộ, công chức, người có chức vụ…

Đặc biệt, Mặt trận kiến nghị Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội “xem xét, nghiên cứu, sửa đổi, bổ sung theo hướng cho phép cơ quan điều tra áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm giữ, tạm ngừng giao dịch tài khoản, kê biên tạm thời tài sản/phong tỏa tài khoản ngay từ giai đoạn xác minh, giải quyết nguồn tin về tội phạm”.

Đừng bỏ lỡ

Video đang xem nhiều

Đọc thêm